Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Dạy nghề, dạy chữ nơi cửa chùa

Thứ Hai 17/06/2019 | 09:45 GMT+7

VHO- Chùa Kampongnigrodha (Chùa Hang), ngôi chùa Khmer có tuổi đời gần 4 thế kỷ này luôn là điểm du lịch thu hút khách thập phương bởi lối kiến trúc cổ kính, độc đáo. Không chỉ được biết đến là một cơ sở thờ tự Phật giáo, Chùa Hang còn là điểm dừng chân của những người đam mê sản phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo với xưởng dạy nghề điêu khắc của các nghệ nhân là người Khmer.

Nghệ nhân ưu tú Sơn Sóc (ngồi) đang hướng dẫn các sư chạm trổ

 Chùa Hang tọa lạc tại huyện Châu Thành, cách trung tâm tỉnh Trà Vinh chưa đến 10 km, cổng chùa được thiết kế như một cái hang khổng lồ nên người dân quen gọi là Chùa Hang. Không gian thoáng đãng, hòa mình với thiên nhiên bởi xung quanh là một rừng cây cổ thụ và đông đảo chim, cò về trú ngụ.

Xưởng điêu khắc gỗ nằm ẩn phía trong ngôi chùa, kế bên là phòng trưng bày hàng trăm sản phẩm đã được các nghệ nhân của xưởng hoàn chỉnh, tạo dáng. Các tác phẩm mỹ nghệ đủ mọi hình dạng, kích cỡ, nhiều nhất là dòng tác phẩm động vật hoang dã, trong đó đặc biệt là những tạo dáng các tác phẩm gần gũi với đồng bào Khmer Nam Bộ, hình tượng 12 con giáp, tứ linh, các hoa văn trang trí cho chùa Khmer, mô phỏng các sinh hoạt, lao động của đồng bào Khmer, dụng cụ trang trí, hình ảnh rắn thần Naga trong văn hóa Phật giáo, cũng như các kiến trúc của đồng bào Hoa như long lân quy phụng, tượng Quan âm, tượng Phật… Tất cả đều được điêu khắc trên thân nhiều loại cây gỗ qua bàn tay chăm chút của các nghệ nhân và thợ mộc nơi đây.

Theo các sư trong chùa kể lại, vào khoảng năm 2002, chùa có mời nghệ nhân Thạch Buôl quê ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) đến để hoàn thành một số hạng mục điêu khắc trong khu chánh điện như các hoa văn, họa tiết, trang trí... Nhiều sư trẻ thấy thích thú với nghề điêu khắc gỗ nên nhà chùa đã nhờ nghệ nhân ở lại truyền dạy nghề cho các sư. Từ đó xưởng điêu khắc gỗ hình thành. Ban đầu xưởng có vài sư học, về sau nhiều sư cùng học, có cả các sư ở nhiều chùa khác của Nam Bộ và thanh niên đồng bào Khmer xung quanh cũng đến để học nghề. Năm 2005, sư cả Thạch Suông đứng ra thành lập Câu lạc bộ điêu khắc chùa Hang với hơn 10 thành viên là những vị sư sãi có tay nghề cao, vừa mở rộng việc dạy nghề cho thanh niên Khmer, đồng thời quảng bá, bán sản phẩm để có nguồn kinh phí trang trải cho công tác dạy nghề miễn phí. 17 năm qua, xưởng đã đào tạo được hàng trăm thợ thành thạo nghề điêu khắc gỗ, hàng nghìn tác phẩm điêu khắc đã được hoàn thành từ xưởng điêu khắc gỗ ở Chùa Hang này. Nhiều người sau khi lành nghề đã trở về gia đình mở cơ sở điêu khắc và có cuộc sống ổn định. Trong số đó có những thợ giỏi đã tình nguyện ở lại để truyền nghề cho người đến sau.

Nghệ nhân ưu tú Sơn Sóc, thuộc thế hệ thợ đầu tiên đến chùa để học nghề, hiện phụ trách xưởng điêu khắc gỗ đồng thời là thầy dạy chính cho các thợ của xưởng chia sẻ, hiện xưởng có gần 20 thợ đang học nghề, trong đó có 6 nhà sư cùng các thanh niên trong vùng. “Tất cả các sản phẩm đều được điêu khắc bằng tay nên đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức hiện nay, khi mà công nghệ máy móc hiện đại ra đời đang ngày càng cạnh tranh với các sản phẩm làm thủ công. Trong khi thợ làm bằng tay thì vài ngày, có khi cả tháng mới hoàn thành được sản phẩm, còn công nghệ máy móc thì ra sản phẩm hàng loạt”, nghệ nhân Sơn Sóc tâm tư. Ông cũng cho hay một trong khó khăn nữa là lượng gỗ khai thác ngày càng thu hẹp, những loại gỗ có tuổi đời lâu năm đang ít dần đi, vì thế có những sản phẩm khó tạo tác vì không tìm được gỗ ưng ý.

Cũng giống như những ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam Tông Khmer khác, Chùa Hang có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Khmer. Chùa không chỉ là nơi tu hành của các vị sư, mà còn là nơi giáo dục đạo đức cho các thanh niên Khmer và bảo tồn tinh hoa văn hóa của dân tộc. Từ bao năm qua, trong chùa luôn duy trì lớp học dạy chữ cho các tăng ni, phật tử. Nghệ thuật điêu khắc gỗ thủ công của các sư trong Chùa Hang không chỉ tạo việc làm mà còn là nét đặc trưng riêng của nhà chùa, qua đây đã duy trì một ngành nghề truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh. 

THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top