Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Chông gai như đưa cổ phục Việt vào điện ảnh

Thứ Sáu 09/08/2019 | 10:54 GMT+7

VHO- Nhận thấy mảng nghiên cứu, phục dựng cổ phục Việt vẫn là khoảng trống mênh mông, một nhóm những người trẻ đã quyết định dấn thân vào con đường được xác định sẽ rất lắm chông gai này.

 Trưng bày những bộ trang phục cổ

Quyết tâm từng bước khôi phục những trang phục truyền thống của người Việt, dần dần ứng dụng vào đời sống, sân khấu, điện ảnh..., tọa đàm “Cổ phục Việt - Từ đời sống đến điện ảnh” diễn ra sáng 8.8 tại Hà Nội đã bước đầu chia sẻ về những khó khăn trên con đường phục dựng cổ phục Việt của những người trẻ đầy tâm huyết đó.

Ứng dụng cổ phục vào điện ảnh

Tọa đàm “Cổ phục Việt - Từ đời sống đến điện ảnh” do Ỷ Vân Hiên, đơn vị chuyên nghiên cứu về trang phục cổ truyền thống phối hợp cùng êkip làm phim “Phượng Khấu” tổ chức. Đứng đầu Ỷ Vân Hiên, chàng trai 9X Nguyễn Đức Lộc chia sẻ, trong bối cảnh nghiên cứu về cổ phục còn rất nhiều khoảng trống, buổi tọa đàm trao đổi về những thuận lợi và hạn chế và hiện trạng của việc phục dựng cổ phục tại Việt Nam; những thành tựu và tầm nhìn của cổ phục Việt. Đặc biệt là đưa ra những nội dung về ứng dụng cổ phục Việt từ đời sống đến điện ảnh và sân khấu...

Cố vấn cho bộ phim “Phượng Khấu”, dự án điện ảnh khai thác đề tài về những câu chuyện thâm cung bí sử chốn hậu cung thời Nguyễn, nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ, tranh cãi về trang phục trong bất kỳ một bộ phim đề tài lịch sử, tái hiện một thời đại nào đó luôn là câu chuyện không mới nhưng vẫn rất thời sự. Êkip làm phim “Phượng Khấu” đã rất khôn, khéo khi chọn đúng quãng thời gian, bối cảnh lịch sử thuộc thời Nguyễn để qua đó có thể ứng dụng những trang phục cổ của người Việt một cách khéo léo, chân xác và tinh tế. Ông cho rằng, ở mảng đề tài nghiên cứu cổ phục, vừa nghiên cứu vừa tìm cách ứng dụng vào đời sống, điện ảnh, quả thật là một quyết tâm đầy mạo hiểm.

“Những người làm phim đã khéo léo chọn được khúc thời gian từ năm 1840 đến 1847, đời cầm quyền của vua Thiệu Trị, một giai đoạn hợp lý để vừa thể hiện được khái quát về thời nhà Nguyễn, vừa tránh được sự thiếu đồng nhất trong nhìn nhận lịch sử. Qua đó, những bộ trang phục cổ được dầy công nghiên cứu và phục dựng sẽ tham gia như một thành tố vô cùng quan trọng, hứa hẹn làm nên thành công cho bộ phim”, nhà sử học Lê Văn Lan nói.

Nói về cổ phục trong phim “Phượng Khấu”, nhà sử học Lê Văn Lan cũng cho rằng, cổ phục thời Nguyễn rất mênh mông cho nên “chốt” ở quãng nào thì các tác giả làm cổ phục phải có đầy đủ tư liệu để tạo nên các trang phục cho đúng. Theo ông, việc dư luận hài lòng hay không hài lòng về cổ phục trong một bộ phim về đề tài lịch sử đã không còn là câu chuyện mới: “Chúng ta đã từng làm phim lịch sử nhưng rất sơ sài. Thật tội nghiệp khi có những tác phẩm mà đạo diễn, diễn viên phải mượn trang phục của các đoàn tuồng, đoàn chèo, miễn là có vẻ “cổ cổ” một chút để đưa vào. Để rồi sau khi ra mắt đã bị phản ứng dữ dội của công chúng”.

Cái khó của những nhà làm phim lịch sử là đầu tư cho trang phục vì trình độ nhận thức về phần trang phục của các tác giả làm phim chưa nhiều. Đạo diễn phim “Phượng Khấu” Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ, lo lắng lớn nhất của êkip, đồng thời cũng là điểm “đắt giá” để xác định thành công cho phim chính là trang phục. “Xây dựng một bộ phim lịch sử với đòi hỏi vừa đủ tính giải trí để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, vừa không được phép sai sót thì yếu tố trang phục chính là một nhân tố chủ chốt quyết định thành bại. Thật may khi êkip làm phim đã có được cái bắt tay chặt chẽ, nghiêm túc và đầy tâm huyết từ Ỷ Vân Hiên, với những người trẻ đam mê nghiên cứu về cổ phục...”.

 Tọa đàm về Cổ phục Việt

Không được phép sai sót

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng bộc bạch rằng, rất cần những nghiên cứu sâu về cổ phục, đưa cổ phục ứng dụng vào đời sống và nghệ thuật với mục tiêu giáo dục lịch sử”. “Bắt tay làm “Phượng Khấu”, êkip làm phim với nhiều người trẻ thật may mắn đã có cơ hội được trang bị, giáo dục thêm nhiều kiến thức lịch sử cho mình. Trước đây, chúng tôi chưa hiểu hết được về triều đại nhà Nguyễn, nhưng khi làm phim, được “gặp” những chi tiết đắt giá như chiếc áo của nhà vua, hoàng hậu..., chúng tôi mới nhận thức sâu sắc hơn về kho tàng di sản văn hóa giàu có và vô giá của cha ông. Điều đó cũng thay thế cho nhận thức rằng trang phục ngày xưa vốn nghèo nàn...”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.

Nhà sử học Lê Văn Lan cũng nhấn mạnh, trang phục vừa là hình ảnh, vừa là biểu tượng, tinh kết của một thời đại, do đó cần được nghiên cứu kỹ càng và không được phép sai sót khi phục dựng, ứng dụng vào đời sống hay bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào. Tất nhiên, trong một bộ phim đề tài lịch sử như “Phượng Khấu”, trang phục là một phần của câu chuyện nhưng phần đó lại rất quan trọng để nói lên được những vấn đề của giai đoạn lịch sử đó. Một bộ phim lịch sử được hun đúc từ những chi tiết, yếu tố đắt giá, trong đó có trang phục thì sẽ khiến khán giả yêu mến nhân vật, yêu mến những bộ trang phục cổ và qua đó, sẽ góp phần giúp họ hiểu được giá trị lịch sử của từng giai đoạn.

Tuy nhiên, nghiên cứu và phục dựng, đưa trang phục cổ vào điện ảnh lại là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ, dự tính sẽ có trên 200 bộ phục trang cho gần 100 nhân vật trong phim “Phượng Khấu”. Ở những đại cảnh như đám tang vua Minh Mạng hay lễ thiết triều của vua Thiệu Trị, những bộ phục trang cùng hỗ trợ của kỹ xảo sẽ giúp tạo độ hoành tráng, hấp dẫn cho phim. Mặc dù vậy, với những thách thức rất lớn về kinh phí, chỉ có khoảng 35% bộ trang phục được thêu, còn lại là in để giảm giá thành. “Dù in hay thêu thì độ chân xác, mãn nhãn về trang phục cũng là yếu tố hứa hẹn thành công, hấp dẫn cho phim. Ở đó, khán giả sẽ nhận thấy một phần của những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam mà không gì có thể thay thế được...”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tâm sự.

“Nghiên cứu, phục dựng cổ phục không được phép sai sót. Chỉ một chi tiết nhỏ bị sai cũng là có tội”, Nguyễn Đức Lộc bộc bạch. Với tư tưởng đó, suốt thời gian qua Ỷ Vân Hiên đã từng bước, từng bước bóc tách những lớp lang của lịch sử để dần phục dựng và hiện thực hóa khát khao đưa cổ phục Việt trở lại, đi vào đời sống, phim ảnh. “Có những trang phục như chiếc áo Nhật Bình, để phục dựng rất lâu, kinh phí đến tiền tỉ, vậy làm thế nào để ứng dụng vào đời sống, hay đưa vào phim ảnh? Đứng trước bài toán đó, êkip làm phim cùng nhóm nghiên cứu, thiết kế trang phục đã phải tìm đến phương án là sử dụng kỹ thuật thêu tay đối với các chi tiết trang phục xuất hiện cận cảnh.

Ngoài ra, các phần trung cảnh, đại cảnh có thể khắc phục bằng thêu máy hoặc in, ứng dụng công nghệ 3D nhằm giảm chi phí. Nhưng dù thế nào thì yếu tố chân thực vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Làm cổ phục cho phim mà để sai sót sẽ dẫn đến thất bại”, Giám đốc Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc chia sẻ. 

 Chúng ta đã từng làm phim lịch sử nhưng rất sơ sài. Thật tội nghiệp khi có những tác phẩm mà đạo diễn, diễn viên phải mượn trang phục của các đoàn tuồng, đoàn chèo, miễn là có vẻ “cổ cổ” một chút để đưa vào. Để rồi sau khi ra mắt đã bị phản ứng dữ dội của công chúng.

(Nhà sử học LÊ VĂN LAN)

 

 HOÀNG VY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top