Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Ai về làng gốm Hương Canh?

Thứ Ba 20/08/2019 | 10:53 GMT+7

VHO- Bây giờ nhắc về Hương Canh- Bình Xuyên, Vĩnh Phúc người ta thường nghĩ đến hội kéo song mỗi khi xuân về nhưng ít ai biết rằng ở đó chính là cái nôi của làng gốm đã có từ hơn 300 năm trước.

  

Du khách trải nghiệm làm thợ nghề tại một cơ sở sản xuất gốm

Theo chân một người bạn dẫn vào làng gốm Hương Canh, một hình ảnh lạ lẫm đập vào mắt chúng tôi là hầu hết tường rào của các nhà trong làng đều được ghép bằng những viên ngói, miếng sành, gốm hay thậm chí là cả những cái tiểu mà theo tìm hiểu tôi được biết đó là những sản phẩm không đạt yêu cầu đã được trưng dụng. Người bạn đi cùng cho biết, nếu trước đây khi chưa phát triển thì cả làng có đến vài trăm ngôi nhà có tường rào như vậy, nó cũng chính là điểm báo cho mọi người biết những nhà đó là có lò nung gốm nung gạch, ngói. Hơn 300 năm trước, sau chiến tranh, thấy xóm làng tiêu điều, dân chúng phiêu bạt không kế mưu sinh, quan Nội phủ Trịnh Xuân Biên của triều Lê- Trịnh đã nhận thấy thổ nhưỡng vùng này thích hợp cho việc làm ra các sản phẩm từ đất sét nung như  gốm, sành…. nên đã tìm người về dạy dân trong làng làm nghề gốm cũng như phục hồi sản xuất nông nghiệp. Kể từ đó người dân nơi đây cho ra đời các sản phẩm nổi tiếng đặc trưng từ đất sét xanh của Hương Canh như chum, vại, chén, bát… Mặc dù làng gốm Hương Canh sinh sau đẻ muộn so với một số làng nghề cùng loại khác nhưng gốm Hương Canh trước đây rất được người dân ưa chuộng chính bởi nguyên liệu từ đất sé xanh. Đất sét xanh của Hương Canh có ưu điểm độ mịn, độ dẻo và độ béo rất cao nên các sản phẩm làm ra không cần tráng men vẫn có độ bóng, mang tính thẩm mỹ cao ở sự mộc mạc và giản dị.Hơn nữa cũng do cấu tạo của đất nên khi các sản phẩm được nung già lửa thì độ kín rất cao, ánh sáng cũng như nước không thể thẩm thấu được bên trong nên những sản phẩm tiêu biểu thời bấy giờ của gốm Hương Canh được ưa chuộng nhất là chum đựng rượu hay bình đựng trà….Chính vì vậy mỗi dịp làm hàng phục vụ Tết nguyên đán thì cả làng Hương Canh nhộn nhịp, phải thuê cả thợ lao động ở các vùng lân cận sang thì mới làm đủ cho các đơn hàng từ các nơi gửi đến.

         Một bức tường trong làng được xây từ các sản phẩm không đạt yêu cầu

Theo ông Nguyễn Văn Cự, một cao niên trong làng thì làng gốm Hương Canh phát triển cực thịnh vào những năm 60,70 của thế kỷ trước. Sản phẩm gốm Hương Canh làm ra đến đâu bán hết đến đó, cung không đủ cầu. Nhưng theo dòng thời gian thì người dân có nhiều sự lựa chọn về hàng tiêu dùng hơn nên gốm Hương Canh không còn thu hút được người mua như trước nữa. Với sự phát triển của xã hội thì làng gốm Hương Canh lại chuyển sang sản xuất gạch, ngói. Không chỉ riêng những hộ dân làng gốm mà còn nhiều hộ dân khác cũng đổ xô ra xây lò nung sản xuất gạch ngói. Ngói Hương Canh nổi tiếng khắp các tỉnh thành phía Bắc thời bấy giờ bởi màu sắc đỏ tươi, độ bền cao, ít cong vênh hơn so với các sản phẩm nơi khác. Người bạn đi cùng dẫn tôi đến nhà ông Trần Đoàn người có thâm niên mấy chục năm làm gạch ngói ông cho biết: “ Thời bấy giờ cả làng Hương Canh có hàng trăm lò nung gạch ngói hoạt động ngày đêm nên cả làng không có nổi một bóng cây, cả làng khói bụi mù mịt, ai cũng biết môi trường ô nhiễm nặng nhưng vì thu nhập quá tốt nên ai cũng mặc kệ. Về sau chính quyền thấy tình trạng khai thác đất của người dân đã vô cùng nghiêm trọng, không chỉ lấy đất ao, hồ mà người dân còn đào cả đất ruộng nên bắt đầu siết chặt việc quản lý sản xuất gạch, ngói. Từ việc bị siết chặt quản lý cộng với đất nguyên liệu nhập nơi khác về không đạt yêu cầu nên việc làm gạch ngói trong làng bắt đầu mai một dần đi”.

Làng nghề Hương Canh phát triển là vậy nhưng đến nay cũng chỉ còn bốn hộ dân trong làng tiếp tục làm ra các sản phẩm từ gốm như các đồ thờ tự, chum, hũ ngâm rượu… và vẫn giữ nguyên vẻ mộc mạc từ đất sét nung chứ không dùng men phủ như các nơi khác. Cũng theo ông Cự chính quyền nên tạo điều kiện cho các hộ dân làm nghề trước mắt là mặt bằng sản xuất cũng như đưa các hộ dân sản xuất, cơ sở kinh doanh vào một khu vực tập trung xa dân cư để vừa tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như tạo điều kiện mua sắm tập trung cho khách thăm quan. Hơn nữa các nghệ nhân, thợ lành nghề như thế hệ ông đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nên hy vọng chính quyền các cấp có kế hoạch sớm để ông cùng các nghệ nhân khác có thể bắt tay vào việc truyền bá cho các thế hệ sau, tránh “ khai tử” đi một nghề truyền thống lâu đời nổi tiếng của bà con nơi đây.

                                                                          VĨNH QUẢNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top