Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Đối phó với dịch cúm mùa: Khẩn trương nhập khẩu thuốc

Thứ Sáu 20/12/2019 | 11:48 GMT+7

VHO- Bệnh dịch cúm mùa đang gia tăng từ hơn một tháng gần đây, đồng thời dẫn đến khan hiếm thuốc Tamiflu điều trị cúm A. Trước tình trạng này, cơ quan chức năng của Bộ Y tế liên tục ban hành công văn để đối phó với dịch bệnh.

 Bệnh nhân nhi khám và nhập viện vì bệnh cúm tăng

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ em mắc cúm bị biến chứng hô hấp tăng đột biến. Từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần Bệnh viện tiếp nhận từ 100 đến 130 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm với các mức độ khác nhau.

Bệnh nhi nhập viện tăng, thuốc lại hết

TS. Ðỗ Thiện Hải, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong hơn một tuần vừa qua, tối nào cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám chủ yếu vì cúm, gia tăng 10- 20% số bệnh nhân so với thời gian trước đó.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, theo bác sỹ Phạm Thị Như Hoa (Khoa Nhi), trước đây mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận khám cho 50- 60 ca thì vào đợt thay đổi thời tiết, đặc biệt đang trong mùa dịch cúm A, ngày cao điểm nhất như ngày 16.12 có tới hơn 200 bệnh nhi tới khám, trong đó nhập viện tới 100 ca. Còn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, những tuần gần đây, thời tiết giao mùa, chuyển lạnh cũng làm gia tăng từ 15 - 20% số trẻ mắc bệnh về hô hấp, trong đó nhiều bệnh nhi mắc cúm mùa bị biến chứng.

Tamiflu là một trong những loại thuốc đặc trị cúm A, thường được các bác sĩ ưu tiên kê đơn cho trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai vì sức đề kháng yếu, sốt quá cao dễ gây biến chứng. Tuy nhiên những ngày gần đây, việc khan hiếm thuốc Tamiflu đã trở nên phổ biến ở các đô thị lớn. Tại Hà Nội chỉ còn một vài điểm còn có thuốc này để bán nhưng giá bán đã hơn 100.000 đồng/viên so với ngày thường (45.000 đồng/viên). Lo lắng về dịch và khan hiếm về thuốc, một số gia đình có con nhỏ có biểu hiện sốt, dù chưa có kết luận cúm A cũng đi tìm mua thuốc Tamiflu về dự trữ.

Trong khi đó tại các bệnh viện cũng trong tình trạng hết thuốc. Ngày 13.12, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có công văn gửi Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về việc vay thuốc Tamiflu 75mg từ nguồn phòng chống dịch. Ngày 12.12, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tại TP HCM cũng có báo cáo tới Sở Y tế TP HCM về việc hết thuốc Tamiflu 75mg. Trước thực tế này, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi Công ty CP dược liệu Trung ương 2 về việc khẩn trương thực hiện các thủ tục để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75mg để phục vụ nhu cầu điều trị của người dân. Ngoài ra, ngày 18.12, cơ quan này cũng có công văn gửi các Sở Y tế trong cả nước, các Bệnh viện, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá thuốc.

Bộ Y tế khuyến cáo gì?

“Các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chứa oseltamivir (có trong thuốc Tamiflu) có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu đơn vị cung cấp nào có loại thuốc này nhưng chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh thì khẩn trương lập hồ sơ để Cục Quản lý dược xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để đảm bảo đủ thuốc phòng chống dịch bệnh”, công văn nêu rõ.

Liên quan đến cúm mùa, ngày 19.12, Cục Y tế dự phòng đã có thông báo về phòng chống dịch bệnh, trong đó nêu rõ Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.

Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm. Tại Việt Nam, năm 2019, số ca mắc cúm và tử vong do cúm trong cả nước thấp hơn so với năm 2018, cụ thể: 11 tháng năm 2019 ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong (giảm 10,4% số mắc và giảm 02 trường hợp tử vong so với cùng kỳ 11 tháng năm 2018). Tại các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM có gia tăng số trường hợp cúm nhập viện do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện tuyến trước, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.

Dự báo trong thời gian tới, số người mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết nguyên đán, lễ hội tập trung đông người. Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc; Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời... 

 THẾ NGUYỄN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top