Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Đà Nẵng: Khách sạn tăng đột biến nhưng số ngày lưu trú giảm

Thứ Năm 26/12/2019 | 22:30 GMT+7

VHO- Lo ngại trước những chênh lệch cung- cầu trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL), mới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng đã báo cáo UBND thành phố Đề án Định hướng phát triển CSLTDL trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

Khu đất "vàng" ở Đà Nẵng nằm dọc bãi biển Mỹ Khê chen kín khách sạn

Lượng phòng khách sạn 3-5 sao tăng gần gấp đôi so với dự báo năm 2020

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, mục tiêu của Đề án này là đánh giá thực trạng mật độ phân bố CSLTDL theo từng khu vực và tuyến đường thuộc quận, huyện trên địa bàn thành phố trong mối tương quan các hạ tầng giao thông, cấp thoát nước và các hạ tầng kỹ thuật khác; đồng thời khảo sát, đánh giá hiệu quả kinh doanh và thực trạng các loại hình CSLTDL hiện nay (theo Luật Du lịch), cân đối cung - cầu thị trường của từng loại hình.

Đề án cũng nhận định những mặt được và bất cập trong phát triển hệ thống CSLTDL hiện nay, những đề xuất và dự báo nhu cầu của thị trường hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, Đề án đã nghiên cứu đề xuất các giải pháp, "hàng rào kỹ thuật" trong khuôn khổ pháp luật nhằm điều tiết đầu tư các loại hình CSLTDL trên địa bàn thành phố gắn với các quy hoạch thành phố Đà Nẵng và quy hoạch chung thành phố đang nghiên cứu điều chỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu cụ thể năm 2020, tổng số nhu cầu phòng CSLTDL trên địa bàn thành phố dự kiến là 40.610 phòng. Trong đó, khối 4-5 sao là 14.538 phòng, chiếm 35,8% tổng số phòng; khối 1-3 sao trở xuống là 21.117 phòng, chiếm 52% tổng số phòng; khối 1-2 sao chiếm 32,2% tổng số phòng.

Năm 2025, tổng số nhu cầu phòng CSLTDL dự kiến là 74.435 phòng. Năm 2030, tổng số nhu cầu phòng CSLTDL dự kiến là 109.051 phòng.

Đề án cũng đưa ra định hướng phát triển CSLTDL theo từng khu vực nhất định như khu vực trọng điểm (các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu), khu vực ven sông ven biển, khu vực trung tâm, khu vực các tuyến đường khác…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng lưu ý đơn vị thực hiện đề án việc cần có đánh giá chung về tốc độ phát triển của các cơ sở lưu trú hiện nay; xác định có hay không tình trạng mất cân đối giữa các loại hình lưu trú, sự khác nhau về tỷ lệ phòng và tốc độ tăng trưởng khách. Bên cạnh đó, cần phải có điều tra về cơ sở hạ tầng, năng lực đáp ứng về khách sạn…; cần phải làm việc với các đơn vị liên quan để xác định số liệu chính xác, xác định khu vực tiềm năng có thể phát triển khách sạn để có được phân vùng khu vực, cân đối với hạ tầng cho phù hợp. Đồng thời phải điều tra được số liệu cụ thể rồi mới đưa vào các định hướng phát triển; cần xác định được ngưỡng phát triển du lịch của Đà Nẵng; định hướng chất lượng khách, xác định loại hình khách, dòng khách ưu tiên để đưa ra các loại hình lưu trú cho phù hợp…

Năm 2017, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08- NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã đề ra các mục tiêu để xây dựng thành phố trở thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Trong đó, dự kiến CSLTDL đến năm 2020 sẽ có 26.000 phòng, tăng 8.050 phòng so với năm 2015, trong đó số phòng khách sạn 3-5 sao sẽ tăng 5.500 phòng, nâng tổng số phòng khách sạn từ 3- 5 sao lên 15.000 phòng.

Dải bờ biển ở Đà Nẵng khách sạn mọc lên liên tiếp

Trong khi đó, 11 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ ước đạt 5,5 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó khách quốc tế ước đạt 3,2 triệu lượt, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 11.2019, trên địa bàn thành phố đã có 925 cơ sở lưu trú với 39.429 phòng, tăng 177 cơ sở với 5.600 phòng so với cùng kỳ năm 2018; trong đó khách sạn 3-5 sao và tương đương đạt 205 khách sạn với 24.578 phòng, chiếm 62,3% tổng số phòng. Có nghĩa là, đến năm 2019, số phòng khách sạn 3-5 sao tại Đà Nẵng đã tăng gần gấp đôi so với số phòng dự báo của năm 2020.

Sẽ đề xuất tạm dừng cấp phép xây dựng các CSLTDL

Tại kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng vừa qua, đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung cũng dẫn chứng việc, Sở Du lịch Đà Nẵng xác định đến năm 2020, số cơ sở lưu trú trên địa bàn đạt khoảng 23.000 phòng. Thế nhưng, đến nay số phòng đã hơn 40.000 phòng (tăng 1,8 lần). Nếu cộng thêm những dự án đã được cấp phép thì dự báo đến năm 2025, số lượng phòng lên đến 60.000 (tăng 1,5 lần so với hiện nay). Bà Phan Thị Tuyết Nhung cho rằng: “Sở Du lịch thành phố cần có giải pháp cảnh báo, tư vấn cho nhà đầu tư đồng thời sớm có đề án về sức chứa điểm đến để đảm bảo về hạ tầng giao thông, môi trường, nước sạch có hiệu quả…”

Theo lý giải của Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh: “Hiện nay, ngành Du lịch gặp khó khăn trong việc quy hoạch phát triển CSLT, cơ chế giám sát chưa thực hiện được do Luật Quy hoạch không cho phép quy hoạch ngành. Thành phố đang thiếu dữ liệu cảnh báo quá tải hạ tầng để có giải pháp phù hợp”.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, thống kê cho thấy, mỗi năm Đà Nẵng tăng khoảng gần 5.000 phòng. Riêng năm 2019, khối khách sạn 4 - 5 sao tăng 1.000 phòng; khối khách sạn 3 sao tăng 18 khách sạn với 2.000 phòng.

Liên quan đến việc CSLTDL ở Đà Nẵng tăng đột biến, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết: “Thời gian tới, Sở sẽ đề xuất thành phố thực hiện tổng điều tra khảo sát hiện trạng và khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông, xả thải, cấp nước, cấp điện… kết hợp với tiến độ hoàn thành các dự án nâng cấp hạ tầng của thành phố để xác định thực trạng CSLTDL của Đà Nẵng đã quá tải hay chưa và quá tải ở khu vực nào. Từ đó, đề xuất HĐND thành phố thông qua nghị quyết tạm dừng cấp phép xây dựng các CSLTDL và condotel trong một thời hạn nhất định”.

Trước thực trạng CSLTDL tăng đột biến trên địa bàn thành phố hiện nay, Đà Nẵng cần tăng cường xử lý vi phạm cấp phép và xử lý vi phạm về xây dựng, công tác nghiệm thu công trình theo đúng quy định, đồng thời siết chặt chuyển đổi công năng từ nhà ở, văn phòng sang kinh doanh lưu trú; thực hiện nghiêm cấp phép kinh doanh CSLT như phải có chứng nhận và đảm bảo đủ điều kiện về: PCCC, môi trường, an ninh trật tự, VSATTP… trước khi đi vào hoạt động.

Vấn đề lớn của ngành du lịch Đà Nẵng hiện nay là chạy theo lượng khách. Vì thế xảy ra tình trạng tổng lượt khách tăng cao nhưng số ngày lưu trú thấp hơn so với năm trước, công suất buồng phòng khách sạn giảm. Du lịch của Đà Nẵng tăng trưởng khá nhưng sản phẩm phục vụ du khách về đêm thì thiếu. Các cơ sơ dịch vụ du lịch như ẩm thực, mua sắm chủ yếu quy mô nhỏ, nằm rải rác trong khu dân cư, chưa có quỹ đất để xây dựng các khu vui chơi giải trí quy mô lớn. Các dịch vụ có âm thanh như: bar, pub… hiện chỉ hoạt động đến 24 giờ theo quy định nên hạn chế hoạt động trải nghiệm cho du khách về đêm. Những năm gần đây, một loạt cơ sở lưu trú mọc ra, đầu tư theo phân khúc thấp, đã có sự “bão hòa” và xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường.

Đà Nẵng sẽ nghiên cứu, phát triển kinh tế đêm thời gian tới

Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc rà soát, đánh giá khả năng cung- cầu của thị trường khách sạn ở Đà Nẵng, lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo Sở Du lịch và các đơn vị liên quan tập trung phát triển kinh tế đêm một cách chuyên nghiệp, quy mô lớn. Trong đó, thời gian tới ngành du lịch Đà Nẵng cần xây dựng các sản phẩm từ kinh tế đêm, sản phẩm mới, sản phẩm sáng tạo để phát triển ngành du lịch.

Trước Đà Nẵng, UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định tạm dừng cấp phép xây dựng đối với những công trình kinh doanh dịch vụ lưu trú nhỏ, khách sạn mini khi tình trạng kinh doanh dịch vụ lưu trú tự phát ở tỉnh này gây ra tình trạng quá tải về giao thông, không gian du lịch lộn xộn, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Vài năm trở lại đây, chỉ riêng thành phố Quy Nhơn đã có trên 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú nhỏ được xây dựng và đưa vào hoạt động. Có nơi diện tích rất nhỏ, chỉ vài chục m2.

UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu Sở Xây dựng tiến hành rà soát lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, khách sạn mini, sau đó đề xuất UBND tỉnh ban hành các điều kiện về cấp phép xây dựng, quy định về diện tích, khống chế chiều cao, bãi đậu đỗ xe và yêu cầu về kiến trúc, mỹ quan đô thị.

NGUYỄN ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top