Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

“Đỏ mắt" tìm… nhà vệ sinh

Thứ Hai 09/03/2020 | 12:09 GMT+7

VHO- Là trung tâm du lịch lớn của cả nước, TP.HCM thu hút hàng chục ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế mỗi năm.

 Khu nhà vệ sinh của quán cà phê cạnh Đường sách thu phí mỗi lượt 2.000 đồng

Thế nhưng, tại nhiều điểm tham quan nổi tiếng, vẫn còn tình trạng nhếch nhác, chèo kéo du khách, thậm chí thiếu nhà vệ sinh…

Đường... đã vậy

Theo khảo sát của chúng tôi vào những ngày qua, dù đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thế nhưng lượng khách quốc tế đến tham quan Bưu điện TP.HCM khá đông. Quan sát bên trong Bưu điện, nhìn khắp nơi không hề thấy có một bảng chỉ dẫn nào cho du khách biết điểm đi vệ sinh. Hỏi nhỏ một nữ nhân viên của Bưu điện mới biết Bưu điện không có nhà vệ sinh cho du khách. Chúng tôi thắc mắc, nếu du khách có nhu cầu cá nhân thì đi vệ sinh ở đâu? Nữ nhân viên chỉ ra các tòa nhà gần Bưu điện và nói “đi đỡ bên kia đó anh”. Vô tình nghe được cuộc nói chuyện của chúng tôi, một du khách người Việt lắc đầu nói “Bưu điện to thế này, lại là điểm tham quan nổi tiếng của thành phố văn minh mà không bố trí được khu nhà vệ sinh riêng cho du khách. Khách trong nước có thể hỏi nhỏ với nhau để biết đi vệ sinh ở đâu, còn khách quốc tế đến từng đoàn đông như vậy thì biết hỏi ai? Sao không lắp bảng chỉ dẫn WC cho du khách biết, có tốn kém bao nhiêu đâu?”.

Sát bên Bưu điện là Đường sách TP.HCM, nơi được đánh giá là không gian văn hóa - văn minh, là niềm tự hào của cư dân thành phố, du khách trong nước và quốc tế với hàng trăm sự kiện, hoạt động văn hóa diễn ra mỗi năm. Theo thống kê của Công ty Đường sách TP.HCM, trong năm 2019, trung bình một ngày có 8.500 lượt người đến Đường sách, trong đó có 30% là du khách nước ngoài chủ yếu đến từ các khu vực châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia, Thụy Điển...), tiếp đến là các quốc gia Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Đông Nam Á (Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore...). Đặc biệt, trong năm 2019, lượng học sinh từ mầm non tới cấp 2 đến Đường sách tăng cao, trung bình 2 trường/ngày.

Thú vị và hấp dẫn là vậy, thế nhưng vẫn còn những điều chưa đẹp trong mắt du khách. Tranh thủ ngày Chủ nhật cuối tuần được nghỉ, gia đình chị Thu Tâm và anh Minh Đức đưa hai con nhỏ từ quận 9 đến vui chơi, trải nghiệm Đường sách (quận 1). Đến khi có nhu cầu cá nhân, cả gia đình đi từ điểm đầu Đường sách (đoạn giao với đường Hai Bà Trưng) đến cuối Đường sách (giao Nhà thờ Đức Bà), dù quan sát rất kỹ nhưng vẫn không thấy bảng chỉ dẫn nào đi WC. Không còn cách nào khác, cả gia đình dẫn nhau băng đường Lê Duẩn để đi “nhờ” trong một trung tâm thương mại. Nhìn cảnh bất tiện này, chúng tôi hỏi nhân viên bảo vệ “Đường sách đi vào hoạt động bốn năm rồi, nhưng sao không có nhà vệ sinh công cộng, hay bảng chỉ dẫn nào cho du khách đi WC?” Nam nhân viên bảo vệ chỉ tay vào quán cà phê bên cạnh và nói “vô đó đi”. Tò mò tiến tới, thấy chúng tôi đi tới đi lui, một nữ lao công gọi “đi vệ sinh thì vào đây, 2.000 đồng/lượt. Đây là khu vệ sinh riêng của quán cà phê, không phải là nhà vệ sinh công cộng nên không có bảng chỉ dẫn gì đâu”, nữ lao công cho biết.

 Tình trạng nhếch nhác gần Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Điểm du lịch cũng chẳng hơn

Tại chợ Bến Thành, nơi vừa được UBND TP.HCM quyết định công nhận là điểm du lịch của thành phố. Lẽ ra môi trường nơi đây phải sạch đẹp, văn minh để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan của du khách. Thế nhưng ghi nhận của chúng tôi cho thấy, môi trường du lịch tại đây vẫn còn nhiều tồn tại, đó là tình trạng tập kết rác thải gây mùi hôi thối, mất mỹ quan đô thị ở ngay cửa Đông của chợ (phía đường Phan Bội Châu). Bên cạnh đó, còn có tình trạng người bán hàng rong chèo kéo du khách nước ngoài, tạo tâm lý bất an đối với du khách. Tiếp nhận phản ánh của Văn Hóa, đại diện lãnh đạo UBND phường Bến Thành cho biết, sẽ kiến nghị Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 di chuyển điểm tập kết rác đến nơi khác nhằm lập lại môi trường văn minh cho hoạt động du lịch. Sang khu vực quận 3, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là nơi thu hút rất đông du khách, nhất là khách quốc tế đến tham quan và trải nghiệm. Tuy nhiên, ngay ngã tư đường Lê Quý Đôn và Võ Văn Tần (tuyến đường du khách đi vào Bảo tàng) xuất hiện hình ảnh khó chấp nhận. Có rất nhiều vỏ quả dừa do người dân, thậm chí có cả du khách sử dụng xong vứt vào một góc đường, gây nhếch nhác, phản cảm.

Là đô thị đặc biệt, trung tâm du lịch lớn của cả nước, nhất là Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 đặt mục tiêu trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách được trải nghiệm những giá trị của di sản văn hóa, lối sống của một thành phố thông minh, mang đến sự hứng khởi và cảm xúc trên mỗi hành trình cho du khách, thiết nghĩ, ngành du lịch thành phố cần “để tâm” hơn nữa đến môi trường du lịch ngay từ bây giờ, đừng để du khách phải “đỏ mắt” tìm nhà vệ sinh ngay giữa trung tâm thành phố, đặc biệt là ngay tại các điểm tham quan nổi tiếng. 

 HOÀNG HẢI

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top