Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt” : Chạm đến trái tim và tình yêu của các nhà thiết kế

Thứ Hai 13/04/2020 | 10:15 GMT+7

VHO- Tiếp tục quảng bá và tôn vinh Áo dài Việt Nam, tạo môi trường sáng tạo cho các nhà thiết kế, nghệ nhân và người yêu áo dài, một trong biểu tượng văn hóa Việt Nam… là ý nghĩa của cuộc vận động thiết kế áo dài với chủ đề “Tự hào Áo dài Việt” vừa được Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ VHTTDL phát động. Sự kiện được xem như ngọn gió thúc đẩy những sáng tạo, bằng tình yêu và nhiệt huyết đối với biểu tượng áo dài Việt Nam.

 Hoa hậu Mỹ Linh duyên dáng trong tà áo dài, hào hứng chụp ảnh cùng sinh viên trong một lễ hội Áo dài Ảnh: THƯƠNG ĐẶNG

Cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt” nằm trong chuỗi các hoạt động với chủ đề “Áo dài- Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam và Bộ VHTTDL phối hợp tổ chức.

Tôn vinh tà áo quê hương

Cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt” được tổ chức nhằm tăng cường, quảng bá rộng rãi và tôn vinh Áo dài Việt Nam, nâng tầm vị thế và ý nghĩa Áo dài, di sản văn hóa của Việt Nam trong đời sống xã hội. Sự kiện đặc biệt này cũng góp phần xây dựng nguồn tư liệu về Áo dài, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; tạo môi trường sáng tạo cho các nhà thiết kế, các nghệ nhân và người yêu Áo dài trong nước; khuyến khích các tác giả, nhóm tác giả đăng ký sở hữu trí tuệ về các thiết kế, nhãn hiệu… theo Luật Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, thông qua cuộc vận động thiết kế cũng biểu dương, tôn vinh tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Áo dài Việt Nam.

Cuộc vận động thiết kế nhằm tôn vinh nét đẹp của áo dài Việt

Đối tượng tham gia cuộc vận động thiết kế là người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở Việt Nam, là các nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp: các nghệ nhân, các nhà thiết kế thời trang, sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang; những người thiết kế không chuyên nghiệp: thợ may, người yêu áo dài…

Tác phẩm tham dự phải là bản gốc và do chính tác giả thực hiện; chưa từng tham dự trong các cuộc thi về sáng tạo và thiết kế Áo dài trong và ngoài nước. Nội dung yêu cầu đối với các tác phẩm tham dự là trang phục Áo dài dành cho phụ nữ và trẻ em gái thuộc mọi lứa tuổi, vừa mang tính hiện đại, vừa thể hiện được bản sắc, nét đẹp truyền thống của Áo dài Việt Nam. Tác phẩm tham gia có kiểu dáng phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Chất liệu vải, mẫu thiết kế do nhà thiết kế tùy ý lựa chọn. Theo đó, ưu tiên thể hiện các nét đặc trưng, giá trị văn hoá của Việt Nam, bao gồm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di sản của Việt Nam, các danh lam thắng cảnh, nét độc đáo của văn hóa các dân tộc Việt Nam… Các chất liệu truyền thống như tơ, lụa, thổ cẩm, các kỹ thuật thêu đính thủ công truyền thống… cũng là những “gạch đầu dòng” được chú trọng ưu tiên.

Theo BTC, mỗi tác giả được tham dự cuộc vận động thiết kế với 5 mẫu. BTC nhận mẫu phác thảo dự thi từ 8.3 đến hết ngày 30.6.2020. Các mẫu vào vòng chung kết thể hiện trên chất liệu vải gửi về BTC từ ngày 15.7 đến hết ngày 15.9.2020. Thiết kế tham gia được tuyển chọn và chấm qua 2 vòng. Vòng sơ khảo diễn ra từ ngày 1- 10.7.2020. Tại vòng này, BTC sẽ xét chọn khoảng 60 bộ tác phẩm trong số các mẫu phác thảo tham dự để tác giả tiếp tục thực hiện mẫu thật. Vòng Chung kết diễn ra từ 05- 15.10.2020. Địa chỉ nhận tác phẩm: Trung tâm Phụ nữ và Phát triển- Hội LHPN Việt Nam (20 Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội).

 Di sản VN sống động trên Bộ sưu tập S Vietnam của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam

Ngoài hai vòng chấm chọn chính thức, nhằm tạo sức lan tỏa cho cuộc vận động thiết kế, BTC sẽ tổ chức hình thức bình chọn trực tuyến, đăng tải 60 bộ tác phẩm đã được lựa chọn vào vòng chung kết và tổ chức bình chọn trực tuyến mẫu thiết kế được đông đảo người dân yêu thích (từ ngày 20-30.9.2020). Kết quả bình chọn là một kênh tham khảo đối với Ban giám khảo vòng chung kết. Giải thưởng sẽ có hai hạng mục dành cho nhà thiết kế chuyên nghiệp và nhà thiết kế không chuyên nghiệp. Bên cạnh các giải thưởng chính thức sẽ có các giải Sáng tạo, giải Thiết kế trên chất liệu đặc trưng, giải Nhà thiết kế trẻ, giải Triển vọng, giải được khán giả yêu thích nhất.

Lễ trao giải và trình diễn các tác phẩm đoạt giải được tổ chức trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (20.10.2020) tại Hà Nội.

Trên hành trình di sản

Đánh giá cao ý nghĩa và sức lan tỏa của cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt” trong chuỗi các hoạt động “Áo dài- Di sản văn hóa Việt Nam”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho biết, trong các công tác phối hợp triển khai lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các giá trị liên quan đến Áo dài Việt Nam, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp với Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia mang tên “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”. Đây là nội dung nhằm củng cố, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Áo dài Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Chùa Một Cột, biểu tượng văn hoá ngàn năm của Hà Nội xuất hiện trên tà áo dài nằm trong BST trình diễn mở màn New York Couture Fashion Week 2019

“Việc công nhận Áo dài Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là một dấu mốc vô cùng quan trọng để áo dài khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trong đời sống người Việt và trên trường quốc tế. Từ đó, những người liên quan có thêm động lực để thực hiện các hoạt động tiếp theo để tôn vinh như sử dụng áo dài thường xuyên hơn, tổ chức các sự kiện áo dài trong nước và quốc tế, hình thành và phát triển đội ngũ các nhà thiết kế, tạo mẫu áo dài…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ. Tham gia các nội dung của cuộc vận động thiết kế, CLB Áo dài Việt Nam do nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam làm Chủ tịch cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa tôn vinh, quảng bá áo dài Việt cũng như tạo sức lan tỏa, khuyến khích tham gia cuộc thi đối với hàng ngàn thành viên của CLB. Theo đó, CLB Áo dài Việt Nam và Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển- Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp xây dựng và vận hành website Aodaivn. com.vn, fanpage “Tự hào Áo dài Việt” trên facebook để quảng bá về các hoạt động chủ đề “Áo dài- Di sản Văn hóa Việt Nam”.

Một tín hiệu đáng mừng cho sự lan tỏa của hình ảnh áo dài Việt trên cộng đồng mạng cũng như trong đời sống xã hội là chỉ sau 2 tháng thiết lập, nhóm facebook với tên gọi “Tự hào áo dài Việt Nam” đến nay đã có gần 10 ngàn thành viên với hàng ngàn bài viết, hình ảnh được đăng tải. “Trong hành trình đưa áo dài đến gần với sự tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể, ngoài sự tích cực của các nhà thiết kế thì một điều quan trọng là làm thế nào để áo dài luôn hiện hữu trong đời sống. Năm 2020, Hội LHPN Việt Nam và Bộ VHTTDL đã thống nhất sẽ tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá áo dài trên một hành trình của di sản văn hóa Việt. CLB Áo dài Việt Nam cũng sẽ tham gia các hoạt động này với nhiệt huyết lớn nhất nhằm tôn vinh biểu tượng tà áo quê hương…”, nhà thiết kế đã gắn bó hàng chục năm với chiếc áo dài Việt Nam, Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ.

Cũng theo anh Đỗ Trịnh Hoài Nam, với các nhà thiết kế Việt, áo dài không chỉ là một trang phục truyền thống để mặc mà ở đó còn chứa đựng niềm khao khát những thiết kế áo dài của mình sẽ đi vào đời sống. Bên cạnh đó, áo dài Việt Nam ngày nay còn mang thêm sứ mệnh là quảng bá những hình ảnh, vẻ đẹp danh lam thắng cảnh Việt Nam, những di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận… Với ý nghĩa đó, cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt” thực sự đã chạm đến trái tim và tình yêu của các nhà thiết kế, những người luôn mang trong mình niềm tự hào không giới hạn với áo dài. 

Với vai trò là Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam, tôi sẽ tích cực tham gia, phối hợp với Hội LHPN Việt Nam và Bộ VHTTDL nhằm tạo sức lan tỏa rộng rãi cũng như hiệu ứng của cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt”. Hàng ngàn thành viên của CLB Áo dài Việt Nam chắc chắn cũng sẽ rất hào hứng bắt tay vào cuộc vận động thiết kế có ý nghĩa đặc biệt này…

(Nhà thiết kế ĐỖ TRỊNH HOÀI NAM)

 

 BẢO NGÂN

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top