Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

“Chúng tôi không bị xã hội bỏ quên”

Thứ Sáu 17/04/2020 | 12:16 GMT+7

VHO- “Nếu bạn khó khăn, hãy đến lấy những thứ mình cần. Nếu bạn đủ đầy, hãy nhường cho người khác” là thông điệp mà Siêu thị hạnh phúc 0 đồng gửi gắm đến với những người có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội. 

 Mỗi người sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng cho mỗi lượt mua sắm

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, rất nhiều câu chuyện ý nghĩa, ấm áp tình người đã diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước. “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng” là một trong những hoạt động thiện nguyện giúp cho hàng ngàn người yếu thế đang phải chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh... 
Đi siêu thị “mua hạnh phúc” 
Dự án do một tập đoàn mở ra tại tòa nhà Grand Plaza (117 Trần Duy Hưng, Hà Nội) cùng nhiều tỉnh, thành khác như Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế… và dự định tiếp tục triển khai tại Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tại đây, những người được xác định thuộc diện hỗ trợ sẽ cầm theo giấy tờ tùy thân, ghi lại thông tin cá nhân tại bàn đăng ký. Sau đó, người mua được chọn một số mặt hàng nhu yếu phẩm gồm gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, thuốc…, thậm chí, còn có cả sách vở, quần áo… nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Với mỗi đơn hàng, khách hàng sẽ được mua với tổng giá trị không quá 100.000 đồng và được miễn phí toàn bộ số tiền này; một người sẽ nhận được hỗ trợ như vậy 2 lần mỗi tháng. 
Được biết, siêu thị mở cửa từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày (trừ ngày lễ, Tết) và sẽ được thực hiện cho đến khi Việt Nam công bố hết dịch. Ông Nguyễn Quang Huy, đại diện BTC dự án cho biết, để duy trì được mô hình này, đơn vị đã kêu gọi và nhận được hơn 6 tỷ đồng tiền tài trợ; thực hiện tích trữ hơn 500 tấn gạo cùng nhiều vật phẩm thiết yếu. Hàng hóa sẽ được đảm bảo đầy đủ để ai đến cũng không phải về tay không. “Chúng tôi mong muốn nhiều người nghèo, người yếu thế trong xã hội biết và tìm đến. Siêu thị không lấy một đồng lợi nhuận nào mà chỉ mong muốn tinh thần nhân văn lá lành đùm lá rách được nhân lên”, ông Huy chia sẻ. 
Theo ghi nhận của phóng viên Văn Hóa, mỗi buổi trong ngày, siêu thị đón khoảng 400 lượt người mua. Để tuân thủ nghiêm các quy tắc phòng dịch, BTC đã kẻ vạch sẵn, thực hiện việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, khách hàng phải đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Để hoạt động được diễn ra thông suốt, siêu thị cũng đã nhờ đến sự hỗ trợ từ lực lượng an ninh địa phương.

 Người dân đứng cách xa nhau 2m chờ đến lượt mua hàng

Bật khóc khi nhận hỗ trợ 
Mặc dù phải xếp hàng từ sáng sớm để chờ tới lượt mua hàng, nhưng không khách hàng nào tỏ ra mệt mỏi, nôn nóng. Và trên những gương mặt khắc khổ, đã có những giọt nước mắt. Bà Lê Thị Mận (60 tuổi, quê Thái Bình) bật khóc khi được tình nguyện viên hỗ trợ mua sắm. Bà kể, một thân một mình lưu lạc lên Hà Nội, làm nghề thu nhặt ve chai để mưu sinh đã hơn 20 năm nay. Dịch Covid-19 ập đến, bà không thể tiếp tục công việc do quy định hạn chế đi lại. Những đồng bạc lẻ chắt bóp được trong những ngày lao động vất vả cứ vơi dần đi, bà lo lắng không biết sẽ cầm cự được bao lâu. Nghe có người nói về “siêu thị 0 đồng”, bà đã đạp xe hàng chục cây số đến để xin nhận hỗ trợ. Cầm túi thực phẩm gồm gạo, mì gói trên tay, bà Mận nghẹn ngào: “Bình thường thu nhập đã bấp bênh nhưng khi dịch bệnh, tôi chẳng làm được gì, chỉ dám ăn cháo trắng qua ngày. Nhờ có siêu thị 0 đồng mà tôi có gạo, mì ăn cầm chừng. Thật sự không biết nói gì lúc này ngoài cảm ơn các anh chị thật nhiều!”. 
May mắn hơn bà Mận khi không cô đơn trong những ngày dịch bệnh, nhưng gánh nặng mưu sinh trong gia đình ông Đinh Xuân Hùng (55 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) lại tăng lên gấp nhiều lần. Đang hành nghề đánh giày, nuôi hai con học đại học thì ông buộc phải tạm ngưng vì lệnh giãn cách xã hội. Hàng quán đóng cửa, hai con của ông cũng mất đi công việc hằng ngày. Tìm đến “siêu thị 0 đồng”, nhận được gạo, mì, trứng, ông thở phào nhẹ nhõm vì gánh nặng cơm áo đã nhẹ đi phần nào: “Tôi vui lắm vì biết đang có nhiều người quan tâm đến những người khó khăn, chúng tôi đã không bị xã hội bỏ quên. Nhân viên siêu thị nói tôi nên lấy thêm đồ vì hóa đơn chưa đủ 100.000 đồng nhưng tôi muốn để dành phần đó cho những người khó khăn hơn mình”. 
Không chỉ có cây ATM gạo, giờ đây người nghèo đã có thể phần nào yên tâm khi có thêm sự hỗ trợ từ “siêu thị hạnh phúc 0 đồng”. Siêu thị đã góp phần chung tay cùng cộng đồng đoàn kết, vượt qua đại dịch, thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

 ĐÌNH TOÁN 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top