Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Tổng đạo diễn “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”: Áo dài phải được xác định “danh phận”

Thứ Hai 20/04/2020 | 11:11 GMT+7

VHO-  Là Tổng đạo diễn chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, với NTK Minh Hạnh, đây không chỉ là một sự kiện mà còn là một “chiến dịch” với đích đến Áo dài sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mẫu thiết kế của NTK Minh Hạnh

NTK Minh Hạnh là người đã có ý tưởng táo bạo cách đây 20 năm khi đề nghị tổ chức Lễ hội Áo dài đầu tiên trên cầu Trường Tiền tại Festival Huế 2000. Bà đã có cuộc trao đổi với Văn Hóa về các sự kiện tôn vinh áo dài - di sản văn hóa Việt Nam.

Mẫu của NTK Cao Duy

 P.V: Đã từng tổ chức nhiều chương trình lớn nhằm tôn vinh và quảng bá áo dài, với NTK Minh Hạnh, chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” lần này có ý nghĩa như thế nào?

- NTK Minh Hạnh: Đối với tôi, đây không chỉ là một sự kiện mà phải gọi là một “chiến dịch” để Áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì thế, “chiến dịch” được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và dự kiến sẽ được tổ chức tại các địa điểm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Huế, Công viên Văn hóa Ký ức Hội An, TP Buôn Ma Thuột, TP Hồ Chí Minh, Bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Các NTK hàng đầu trong làng thời trang Việt tham gia “chiến dịch” với sự tự hào và khát vọng Áo dài sẽ có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, cũng như sẽ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và thế giới với đầy đủ tính pháp lý khoa học. Cho đến thời điểm này, chiếc áo dài đã đi vào cuộc sống và có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, nhưng dường như chúng ta đã quên hoặc tự cho rằng đương nhiên Áo dài là di sản văn hóa rồi mà chưa từng có một xác định sở hữu trí tuệ. Nói một cách khác, Áo dài phải được xác định “danh phận” bằng văn bản cụ thể.

Mẫu của NTK Chu La

 Xin bà chia sẻ một vài phác thảo về hành trình của Áo dài gắn với các di sản Việt Nam đã được các NTK sáng tạo trong chương trình?

- Tất cả các ý tưởng của các NTK tham gia chương trình luôn bám sát vào những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam đã được thế giới công nhận như Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử… Có thể nói, đây là một đề tài khó, nhưng với tình yêu không giới hạn dành cho Áo dài, các NTK đã diễn đạt bằng ngôn ngữ riêng qua các chất liệu truyền thống. Tôi có thể thấy các NTK đã thăng hoa trong từng chi tiết trên các bộ sưu tập. Điều này cho thấy quyết tâm chứng minh một cách nghiêm túc đối với thế giới về nguồn gốc và vẻ đẹp của Áo dài. Tiềm tàng trong những thiết kế là tính vĩnh cửu của Áo dài. Đây là điều khiến tôi tâm đắc và ngạc nhiên với các NTK tham gia chiến dịch quảng bá áo dài lần này.

Mẫu thiết kế của NTK Công Huân

Bà đã chia sẻ rằng mình hài lòng với những gì mà “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” làm được, cụ thể là những thiết kế đặc biệt của các NTK. Điều đó theo bà có ý nghĩa như thế nào trong quá trình xây dựng hồ sơ di sản của Áo dài?

- Chúng ta đã thấy một thực tế là Áo dài - một chiếc áo truyền thống mà lại được sử dụng như một trang phục phổ biến trong đời sống hiện tại ở nhiều lĩnh vực. Thông thường, trang phục truyền thống khó phù hợp với đời sống hiện tại, chỉ có Áo dài Việt Nam mới có “quyền lực” đến như thế. Biết quý trọng bản sắc, trân trọng và hiểu rõ nguồn cội, thích nghi được với những yêu cầu của thời đại, Áo dài với ý tưởng gắn liền những di sản Việt Nam đã được thế giới công nhận chính là một trong những “biện pháp” chứng minh nguồn gốc, là chiếc chìa khoá giúp Áo dài sớm được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng như đưa chúng ta đến gần với thế giới.

Mẫu thiết kế của NTK Lan Hương

 Trong khuôn khổ các hoạt động tôn vinh áo dài, năm 2020 có một cuộc vận động thiết kế áo dài mang tên “Tự hào Áo dài Việt”, không chỉ dành cho các NTK chuyên nghiệp mà cả các nghệ nhân, thợ may, những người yêu áo dài… Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của cuộc vận động thiết kế này?

- Cuộc vận động mang tính phong trào là rất cần thiết cho chiến dịch quảng bá “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”. Vừa qua, ngay trong cơn đại dịch Covid-19, chúng ta đã chứng kiến những hình ảnh ấn tượng của Áo dài “phủ sóng” ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Không cần quá cầu kỳ trau chuốt, phụ nữ Việt Nam vẫn rạng rỡ trong những tấm ảnh được chụp bằng điện thoại, qua đó, có thể hiểu được tình yêu của người Việt dành cho Áo dài là không giới hạn. Áo dài là hiện thân của lịch sử và Việt Nam hôm nay.

Mẫu thiết kế của NTK Thanh Thúy

Chương trình sẽ phải lùi lại do dịch bệnh, vậy trong thời gian này, các nghệ sĩ, NTK đã có những hoạt động gì để chuẩn bị cho “chiến dịch”?

- Hiện nay, sự kiện đầu tiên của “chiến dịch” dự kiến tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ dời sang tháng 9.2020. Các NTK đang có nhiều thời gian hơn để hoàn thiện cho những bộ sưu tập của mình. Ngoài ra, chương trình sẽ có sự xuất hiện của những NSND, những người mà chiếc Áo dài đã đi cùng với cuộc đời và sự nghiệp của họ, luôn đồng hành cùng họ trong hành trình quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

 Xin cảm ơn NTK Minh Hạnh!

TÂN AN (thực hiện)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top