Hướng dẫn người dân cách bảo quản, gìn giữ các tư liệu sắc phong

VHO- Trong thời gian từ ngày 2 đến ngày 8.6, các đơn vị Bảo tàng Đà Nẵng, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM đã phối hợp khảo sát và tiến hành số hóa các sắc phong tại 29 đình làng, 4 họ tộc tại các huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, quận Sơn Trà, quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng).

Hướng dẫn người dân cách bảo quản, gìn giữ các tư liệu sắc phong - Anh 1

Tư liệu sắc phong còn nguyên vẹn

Kết quả báo cáo thể hiện, đoàn khảo sát đã số hóa (scan) 320 tài liệu, trong đó có 315 sắc, 1 văn tế, 4 tài liệu khác. Qua đó phân loại được 300 sắc phong Thần; 10 Sắc phong Tước; 1 Văn tế; 4 Chế, với các nội dung đặc biệt. Về niên đại: Sắc Huỳnh Văn Tịnh - Gia Long thứ 2 (1803); Sắc Thiên Y A Na  - Minh Mệnh thứ 7 (1826); Sắc Thự Thành thủ úy Thành  Điện  Hải - Minh Mệnh thứ 7 (1826); Sắc Huỳnh Văn Tịnh, làng Minh Châu, nay là Quan Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.

Đánh giá hiện trạng của các sắc phong, anh Nguyễn Giang Quân - Phụ trách phòng số hóa thư viện Khoa học tổng hợp TP HCM cho biết, bên cạnh những tư liệu sắc phong đã bị hư hại thì lượng sắc phong còn lành lặn đã được bảo quản khá tốt, do trước đó, Bảo tàng Đà Nẵng đã hướng dẫn người dân cách bảo quản sắc phong đúng cách. Theo khảo sát, tổng số sắc hư hỏng là 69/320 tài liệu; ép nhựa:15 sắc. Số sắc phong rách góc, mất chữ, bị ố vàng là 7 sắc. Rách hư hỏng nhiều: 60 sắc. 

Ông Phạm Văn Chánh - Phó Trưởng ban quản lý đình làng Hòa Mỹ (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) cho biết, sau khi khảo sát, đoàn công tác đã tư vấn cho dân làng cách bảo quản sắc phong hiệu quả, như sử dụng giấy dó bọc lại, dùng ống giấy, hoặc ống nước nhựa để lưu giữ tạm. Không nên dùng ép nhựa, đặt tại các môi trường có nhiệt độ cao, ẩm mốc, côn trùng, sâu bọ dễ làm tổ. Ngoài ra cần định kỳ kiểm tra, vệ sinh tư liệu để kịp thời xử lý tình trạng hư hỏng tài liệu… những kiến thức này sẽ giúp dân làng bảo vệ tài liệu sắc phong tốt hơn, hạn chế tối đa tình trạng mục nát, hư hại.

Hướng dẫn người dân cách bảo quản, gìn giữ các tư liệu sắc phong - Anh 2

Cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng hướng dẫn các bô lão ở đình làng bảo quản tư liệu sắc phong đúng cách

Đối với công tác quản lý, đoàn khảo sát đã thống nhất đưa ra các đề xuất về công tác tập huấn cho cán bộ thư viện và đại diện các họ tộc kiến thức bảo quản, cách sử dụng giấy dó bồi nền. Lên kế hoạch triển khai công tác số hóa giai đoạn 2, đồng thời nhanh chóng xử lý các sắc đã số hóa, biên dịch, in thành sách để quảng bá, phục vụ nghiên cứu. Ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng cũng cho biết, sau khi hoàn thành công việc số hóa và lưu trữ các tài liệu này, Đà Nẵng sẽ tuyên truyền, phổ biến các tư liệu đến bạn đọc và toàn quốc để giới thiệu cho người dân, học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu được biết, đơn vị sẽ phối hợp nâng cao công tác kiểm tra, bảo quản tư liệu hiện nay đang được giữ gìn trong dân cũng như trong các tộc.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, việc gìn giữ, bảo tồn phát huy các di sản văn hóa là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đồng thời cũng cần sự chung tay của người dân: “Trong 2021 chúng tôi sẽ triển khai số hóa, sao chụp, phục chế toàn bộ địa bạ, hương ước trên toàn thành phố Đà Nẵng, đây là công tác bảo tồn phát huy giá trị sản rất quan trọng mà chúng ta cần thực hiện - đặc biệt với tốc độ đô thị hóa như hiện nay”.

N.HÀ

Ý kiến bạn đọc