Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Triệt phá đường dây tội phạm cổ vật chưa từng có

Thứ Hai 22/06/2020 | 09:47 GMT+7

VHO- Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Cảnh sát hình sự châu Âu (EUROPOL) và Hải quan quốc tế (WCO) đã phối hợp triệt phá các đường dây tội phạm trong chuyên án Athena II và Pandora IV tại châu Âu.

242 cổ vật bị các nhà chức trách Colombia bắt giữ, vụ bắt giữ cổ vật lớn nhất ở quốc gia này Ảnh INTERPOL

 101 đối tượng đã bị bắt giữ cùng 19.000 cổ vật khảo cổ và các tác phẩm nghệ thuật khác bị thu giữ với 300 cuộc điều tra được tiến hành, đây là một phần trong chuyên án toàn cầu liên quan đến 103 quốc gia trong chuyên án quốc tế triệt phá các đường dây buôn bán bất hợp pháp cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp trên phạm vi thế giới.

Chiến dịch mang tầm quốc tế

Những kết quả có được trong chuyên án Athena II toàn cầu do WCO và INTERPOL điều phối, được thực hiện đồng thời với chuyên án Pandora IV tập trung ở khu vực châu Âu do Lực lượng bảo vệ dân sự Tây Ban Nha (Guardia Civil) và EUROPOL điều phối trong khuôn khổ của EMPACT. Hai chuyên án này được triển khai từ mùa thu năm 2019. Đây là lần thứ hai EUROPOL, INTERPOL và WCO tiến hành phối hợp để triệt phá các đường dây buôn bán bất hợp pháp các cổ vật, tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Do hoạt động điều tra, bắt giữ mang tính quốc tế nên WCO, INTERPOL và EUROPOL đã thành lập Đơn vị phối hợp hoạt động 24h (OCU).

Ngoài việc hỗ trợ trao đổi thông tin và đưa ra cảnh báo, OCU còn tiến hành hoạt động kiểm tra, đối chiếu thông tin trên các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế và của các quốc gia với nhau, chẳng hạn như thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu của INTERPOL về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp với thông tin trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về lĩnh vực này của các nước châu Âu. Kết quả đã phát hiện và thu giữ 8.670 tang vật liên quan đến lĩnh vực di sản văn hoá giao bán trực tuyến. Số lượng tang vật bị thu giữ nói trên chiếm 28% tổng số cổ vật được thu giữ trong chuyên án quốc tế được tiến hành. Các tang vật bị thu giữ bao gồm tiền xu qua các thời kỳ, các vật thể khảo cổ, đồ gốm sứ, vũ khí, tranh vẽ và hóa thạch. Các công cụ liên quan như máy dò kim loại cũng bị thu giữ. Các sỹ quan thực thi pháp luật đặc biệt chú ý đến hoạt động giám sát mua bán trực tuyến và các trang web giao bán trên Internet, đây là bộ phận quan trọng trong hoạt động buôn bán bất hợp pháp các cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp.

Quy mô tội phạm mang tính toàn cầu

“Số lượng các vụ và các đối tượng bị bắt giữ cho thấy quy mô và phạm vi mang tính toàn cầu của hoạt động buôn bán bất hợp pháp các tạo tác di sản văn hóa, nơi mỗi quốc gia có di sản văn hoá phong phú là một mục tiêu tiềm ẩn hướng tới của tội phạm. Nếu lượng tiền đáng kể có liên quan và bí mật được giao dịch, thì điều này còn đưa đến hoạt động rửa tiền và lừa đảo cũng như tài trợ cho các mạng lưới tội phạm có tổ chức”, Tổng thư ký INTERPOL Jürgen Stock nói. Đánh giá về kết quả của chiến dịch này, ông Catherine de Bolle, Giám đốc điều hành EUROPOL, cho rằng tội phạm có tổ chức liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Buôn bán bất hợp pháp các cổ vật, các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp là một trong các hoạt động của loại tội phạm này: Đó không phải là hoạt động kinh doanh hấp dẫn được điều hành bởi những doanh nhân lịch lãm, mà do các đường dây tội phạm quốc tế điều hành. Không thể xem xét hoạt động của loại tội phạm này tách biệt với tội phạm ma tuý và buôn bán vũ khí. Các nhóm tội phạm này có sự câu kết chặt chẽ với nhau trong hoạt động, sử dụng khối lượng tiền khổng lồ. “Đây là hoạt động mang tính quốc tế có liên quan đến nhiều quốc gia, trong đó có thể là quốc gia nguồn, quốc gia quá cảnh hoặc là quốc gia điểm đến, theo đó điều cực kỳ quan trọng là lực lượng hành pháp của các quốc gia phải phối hợp chặt chẽ với nhau mới có thể đấu tranh được với loại tội phạm này”, ông Catherine de Bolle nói.

“Thành công trong hoạt động phối hợp của lực lượng Hải quan và các lực lượng hành pháp cho thấy buôn bán bất hợp pháp cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp đang là vấn đề nổi lên, diễn ra ở các châu lục. Đặc biệt, mua bán trực tuyến bất hợp pháp đã trở thành phương thức hoạt động chính của tội phạm này. Tuy nhiên, chính các giao dịch trực tuyến đã để lại dấu vết, giúp Hải quan, Cảnh sát và các lực lượng liên quan tìm ra, triệt phá các đường dây buôn bán bất hợp pháp xuyên biên giới thông qua thiết lập cơ chế phối hợp hành pháp có hiệu quả”, tiến sĩ Kunio Mikuriya, Tổng Thư ký của WCO khẳng định.

 NGUYỄN HƯNG-H. LAI

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top