Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

"Nút thắt" nào khiến phim Việt chưa vươn ra thế giới

Thứ Tư 30/09/2020 | 09:42 GMT+7

VHO- Có thể thấy, phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam đang trên đà khởi sắc khi gần đây rất nhiều bộ phim đã gây bão phòng vé, gây bão trên sóng truyền hình. Thế nhưng phim Việt vẫn chưa thể vươn đến tầm quốc tế như các nước trong khu vực. Vậy cái gốc của vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng kinh phí đầu tư không xứng tầm, hay đề tài phim của ta hiện nay không mang đậm bản sắc dân tộc, không mang hơi thở của xã hội- cuộc sống Việt Nam?

Loay hoay tiếp cận công chúng

Nhu cầu xem phim của khán giả chưa bao giờ là cạn, vấn đề là phim Việt đã đáp ứng tốt hay chưa? 

Đầu tiên là những phim chiếu rạp, sau một thời gian dài “ngủ đông” để tìm lời giải cho bài toán khán giả, các nhà làm phim đã “khoanh vùng” được đối tượng là những khán giả trong độ tuổi 16 - 25. Từ khảo sát này, phim điện ảnh đã có sự chuyển mình về đề tài, chính vì thế mà trong vài năm trở lại đây rất hiếm hoi những phim về đề tài lịch sử, dân tộc…thay vào đó là hàng loạt các đề tài tâm lý xã hội tình cảm dành cho lứa tuổi này và mang lại hiệu ứng tốt như: Hoa vàng trên cỏ xanh, Những tháng năm rực rỡ, Mắt biếc

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gây được hiệu ứng tốt

Nhưng ăn riết một món ăn, thậm chí thừa mứa cũng khiến khán giả ngán ngẩm và bội thực. Các nhà làm phim lại tiếp tục đau đầu tìm những giải pháp mới, những đề tài mới đáp ứng thị hiếu khán giả. Các nhà làm phim Việt mải mê theo “trend”, cứ thấy đề tài nào đang “gây bão” từ phòng vé là đua nhau chạy theo mà không dám lội ngược dòng hay tạo một hướng đi riêng. Hiếm hoi lắm mới có được một vài một phim Việt vừa tạo hiệu ứng khán giả, vừa mang được bản sắc văn hoá dân tộc như Song Lang.

Còn phim truyện truyền hình thì sao? Từ khi Luật Điện ảnh sửa đổi ngày 18.6.2009, có hiệu lực từ ngày 7.7.2010 quy định tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim. Thị trường sản xuất phim truyền hình đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết, khi có rất nhiều bộ phim trong khoảng thời gian này tạo được hiệu ứng khán giả không khác gì phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Tuy nhiên, thời kỳ vàng son cũng không kéo dài được bao lâu, khi nhà đài bắt đầu có dấu hiệu “đuối sức”. Điều này đã tạo khoảng trống cho các công ty truyền thông lấp sóng giờ vàng phim Việt bằng các chương trình game show, truyền hình thực tế… khiến cho phim Việt gần như tê liệt, thất thế.

 Vì thế mà bài toán tiếp cận khán giả của các nhà làm phim Việt luôn luôn là bài toán nan giải. Việc làm phim hướng về khán giả khác hoàn toàn với việc làm theo thị hiếu khán giả.

Nan giải về kịch bản

Nhìn chung, phim Việt vẫn đang thiếu những kịch bản hay, những kịch bản có chất lượng hay việc đầu tư kịch bản chưa xứng tầm, nhất là kịch bản truyền hình. Đội ngũ biên kịch còn thưa thớt, chưa lành nghề hay chỉ được đào tạo cấp tốc, không đáp ứng đủ nhu cầu kịch bản cho phim điện ảnh lẫn truyền hình. Vì thiếu kinh nghiệm, vốn sống nên các tay bút trẻ đã cho ra những sản phẩm nhàn nhạt, phim nào cũng na ná phim nhau, không có gì mới lạ, độc đáo, ấn tượng.
Phát biểu tại Đại hội Hội Điện ảnh TP.HCM nhiệm kỳ VIII (2020 - 2025), Nhà báo - Nhà biên kịch Đặng Thanh Bình cho rằng: “Là một nhà biên kịch, ít nhiều đã có được những phim được khán giả chú ý, tôi nghĩ cái gốc của phim Việt vẫn là kịch bản. Nhưng cảm giác, dường như cái gốc của này vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức…”

Song song với việc đầu tư cho những kịch bản thuần việt có chất lượng cao, các nhà làm phim đã bắt đầu nghĩ tới việc re-make những kịch bản phim đình đám của nước ngoài. Đây là một khuynh hướng tốt và bằng chứng là chúng ta đã có một loạt những phim hay từ truyền hình cho đến điện ảnh như: Người phán xử (Israel), Gạo nếp gạo tẻ ( Hàn quốc), Em là bà nội của anh (Hàn Quốc) , Tháng năm rực rỡ (Hàn Quốc) …

Phần 2 của phim Gạo nếp gạo tẻ không còn re-make

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một bước đi tạm nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu kịch bản hay thuần Việt. Vì nếu không khéo những đề tài re-make sẽ tạo ra toàn những bộ phim “lai căng” làm mất bản sắc dân tộc Việt Nam.

Nhà văn - Nhà lý luận phê bình - Đạo diễn Tô hoàng cho rằng: “Một nền điện ảnh giàu tính nhân văn, giàu tính người, mang đậm phong vị quê hương xứ sở, giàu ngôn ngữ điện ảnh, càng không thể mắc phải những căn bệnh lai căng, bắt chước nay giống Hàn, mai giống Hollywood, ngày kia giống Đài Loan...”

Sức ép cân đong lỗ lãi

Về phương diện huy động vốn để làm phim, có lẽ sẽ còn là trở ngại, là thử thách còn lâu dài đối với việc sản xuất phim ở nước ta. Trong khi ở Hàn Quốc, chính phủ đã đầu tư, xây dựng để phim ảnh xứng tầm là một ngành công nghiệp giải trí sinh lời, hơn nữa qua đó quảng bá văn hoá dân tộc, đưa hình ảnh đất nước con người Hàn Quốc ra thế giới.

Nhiều đạo diễn trẻ Việt Nam lo lắng vì sự tụt hậu của điện ảnh nước nhà so với điện ảnh trong khu vực và thế giới. Họ mong muốn những bộ phim mà mình làm ra phải vừa có doanh thu đồng thời mang tính nghệ thuật, điển hình như những bộ phim của các đạo diễn trẻ: Trúng số (Dustin Nguyễn), Quyên (Nguyễn Phan Quang Bình), Hotboy 2Khi con là nhà (Vũ Ngọc Đãng)… Song việc làm ra những bộ phim như thế chưa trở thành một trào lưu và những đạo diễn này vẫn luôn trong tình trạng “đỏ mắt” tìm đầu vào.

Trúng số bộ phim vừa có doanh thu cao vừa mang tính nghệ thuật

Nhiều đạo diễn vẫn chịu sức ép cân đong lỗ lãi của các nhà sản xuất. Vì vậy, dù muốn hay không họ phải tuân thủ theo công thức tình + hài + hành động + diễn viên tên tuổi. Đồng nghĩa với việc đạo diễn bị hạn chế ý tưởng, sắp đặt, sáng tạo của mình.

Chính vì vậy, để ra đời một bộ phim xứng tầm khu vực, xứng tầm quốc tế thì đồng vốn đổ vào phim phải đủ lớn, phải dồi dào, không thể “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành” và càng không thể chưa bấm máy mà nhà sản xuất đã luôn giật mình vì lo thua lỗ hay cứ mãi “nhồi nhét” những công thức cổ xúy vào phim Việt.
Nút thắt của phim ảnh Việt Nam vẫn luôn hiện hữu và việc gỡ được những nút thắt ấy không thể ngày một ngày hai. Để phim Việt vươn ra thế giới, có lẽ các nhà nhìn phim nên nhìn nhận lại vấn đề kịch bản, nhìn nhận lại cách làm phim của mình. Đổi mới tư duy để dung hoà hiện đại và truyền thống, đặc biệt là giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, để có thể định hướng thị hiếu khán giả, chứ không phải chạy theo thị hiếu khán giả và vẫn mang lại lợi nhuận.

HỒNG HẠNH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top