Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Phim nghề nghiệp nở rộ, liệu có phải “miền đất hứa”?

Thứ Tư 14/10/2020 | 11:24 GMT+7

VHO- Những tháng cuối năm 2020 đang chứng kiến một thời điểm có tới 3 sản phẩm truyền hình lên sóng với cùng chủ đề nghề nghiệp, điều này cho thấy sự “nở rộ” của xu hướng làm phim ngành - nghề. Liệu sự đổi mới này có được khán giả đón nhận, khi thể loại phim gia đình trước đó đã quá thành công?

 “Nàng dâu order” xen kẽ yếu tố kịch tính gia đình

Dòng phim này đang được xem là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà làm phim, bởi luôn nóng hổi hơi thở đương đại cũng như mang tính thời sự cao. Chính vì thế, những mảng sáng, tối của nghề nghiệp ngày càng được các biên kịch, đạo diễn Việt đi sâu khai thác.

Mở ra những góc nhìn chân thật

Truyền hình Việt đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và táo bạo từ đề tài gia đình ăn khách sang hướng làm phim liên quan đến những nghề đang “hot” của xã hội. Có thể nhận thấy, nổi trội nhất trong dòng phim này có lẽ là về ngành cảnh sát, công an với những series đình đám một thời như Cảnh sát hình sự, Chạy án, Bí mật tam giác vàng... Phim về showbiz cũng ngày càng thăng hoa, nhất là trên màn ảnh rộng như Scandal 1 và 2, Vòng eo 56… Phim về nghề báo là điểm nhấn không thể thiếu mỗi dịp 21.6 hàng năm, có thể kể đến như Nguyệt thực, Phóng viên thử việc… Ngành y cũng là mảng đề tài được các nhà làm phim ưa thích, với những cái tên như Blouse trắng, Thẩm mỹ viện… Thế nhưng, đa phần những bộ phim này chỉ mới chạm nhẹ lên bề mặt của nghề nghiệp chứ chưa phản ánh được hết bản chất đặc thù.

Phải đến Quỳnh búp bê, dòng phim ngành - nghề mới bắt đầu thể hiện đậm nét, khán giả được tận mắt chứng kiến cái nghề nhiều góc khuất, khó hình dung của các cô gái “ngành” trong Quỳnh búp bê. Những câu chuyện căng thẳng xoay quanh cuộc đấu tranh với mặt tối, mặt tiêu cực trong ngành điều tra, phá án từ Mê cung, Sinh tử… Hay thậm chí chỉ là câu chuyện tưởng như đơn giản, nhưng lại lắm vấn đề trong ngành buôn bán online ở Nàng dâu Oder.

Xu hướng phim ngành - nghề thật sự “rôm rả” khi cuối năm nay có đến 3 phim lên sóng cùng lúc. Mang đến góc nhìn về cuộc sống đương đại, mối nguy hiểm mà những người lính cứu hỏa, bác sĩ phải đối mặt hằng ngày qua bộ phim Lửa ấm; hay Bánh mì ông Màu khai thác công việc ẩm thực đường phố và Vua bánh mì bản Việt xoáy vào quá trình làm ra những chiếc bánh Tây thơm ngon, đầy màu sắc. Dòng phim này thực sự kích thích trí tò mò của khán giả, khi những góc nhìn mới và chân thật về nhiều nghề nghiệp được mở ra, từ đó tạo sự đồng cảm, chia sẻ đối với cộng đồng. Về lâu dài, việc mang đến dòng phim mới sẽ chuẩn bị cho người xem tâm lý luôn đón nhận sự mới mẻ, dọn đường cho những chủ đề khác lạ hơn sau này.

 Phim “Lửa ấm” gia giảm nhiều mâu thuẫn “ngôn tình”

Thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay

Thế nhưng, liệu dòng phim ngành - nghề có thể “bám trụ” được lâu dài khi đứng trước sự đa dạng của các thể loại phim như hiện nay? Trái với chủ đề gia đình, các sản phẩm khai thác khía cạnh công việc thường khó tiếp cận và thu hút được khán giả. Những tình huống quen thuộc trong phim gia đình như: Mẹ chồng - nàng dâu, mâu thuẫn vợ - chồng, ngoại tình... là những vấn đề dễ dàng khai thác sâu, người xem dễ đồng cảm và tiếp nhận. Trong khi đó, những rắc rối chuyên môn riêng của mỗi ngành thì dường như khá xa lạ và khô khan đối với người xem. Buộc khán giả phải thay đổi “khẩu vị” một cách chóng vánh thì thật là khó, chính vì thế, dòng phim này buộc phải gia giảm thêm nhiều “gia vị” để phim không quá sa đà vào yếu tố nghề nghiệp. Cụ thể, yếu tố gia đình cần phải được xen kẽ mạnh mẽ, để luôn có một cán cân giữa công việc và đời tư, từ đó tạo ra những xung đột gây cấn, bất ngờ nhưng vẫn toát lên được hình ảnh của ngành nghề đó. Ví dụ như bộ phim Lửa ấm, là một đội trưởng của đội cứu hỏa, Minh (Trương Minh Quốc Thái đóng) phải vật lộn với nguy hiểm mỗi ngày để giải cứu người bị nạn. Nhưng ngược lại, cuộc sống cá nhân của anh thì lại vô cùng phức tạp. Ngọc (Thu Quỳnh đóng), bạn gái cũ của Minh trở về từ nước ngoài để “giành bố” lại cho con gái, trong khi Minh đã có vợ con. Thế là, ngoài việc vật vã chiến đấu với lửa mỗi ngày, Minh còn phải chiến đấu để giữ được hạnh phúc riêng tư.

Cũng sẽ dễ trở thành phim tài liệu, hư cấu nếu quá tập trung vào việc miêu tả những yếu tố đặc thù nghề nghiệp. Vì thế, để bảo đảm độ mới lạ, hấp dẫn người xem thì phim ngành - nghề phải mang đến sự đa dạng trong nội dung. Nàng dâu order đã xen kẽ khéo léo giữa chuyện vừa làm nhà văn, vừa buôn bán online của Lam Lam (Lan Phương đóng) với yếu tố kịch tính gia đình. Ngoài chuyện lo lắng cho sự nghiệp, Lam Lam còn phải đối phó với bà nội chồng cực kỳ “tai quái” và cô “em gái mưa” chai mặt của chồng.

Hơn nữa, ngành nào cũng đều có những “bí mật nghề nghiệp”, diễn viên dù xuất sắc đến đâu thì cũng khó mà có thể đảm nhận một cách hoàn hảo. Chưa kể đến các kiến thức chuyên ngành, ngôn ngữ nghề nghiệp, tác phong nghiệp vụ liên quan cũng khó có thể truyền tải đủ và đúng. Chính vì thế, phim về ngành - nghề thì nhiều nhưng thành công thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu mải mê kể chuyện công việc, phim có thể trở nên khô khan rồi đánh mất khán giả. Ngược lại, nếu để nhiều yếu tố tình cảm, gia đình đi kèm thì sản phẩm có thể trở thành phim gia đình hoặc ngôn tình và không còn đúng bản chất phim ngành - nghề ban đầu nữa.

 HỒNG HẠNH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top