Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Ám ảnh nơi Rào Trăng 3

Thứ Sáu 23/10/2020 | 09:57 GMT+7

VHO- Vụ việc núi lở vùi lấp 13 cán bộ, chiến sĩ ở Trạm kiểm lâm 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) và hiện trường ngập bùn lẫn tiếng nước róc rách, luôn là nỗi ám ảnh của một người lần đầu đặt chân đến.

 Những người lính không rời mắt để tìm dấu vết đồng đội

Là một trong những nhà báo tiếp cận hiện trường nơi đây sớm nhất (14.10), đến giờ tôi mới có thể cầm bút. Một dòng suối từ khe núi tuôn nước róc rách. Nước chảy vào giữa bãi bùn lầy khổng lồ. Một nhánh khác thì rẽ sang phía bên trái, chảy bên cạnh bàn thờ tạm trước khi tuôn xuống suối nằm song song với tuyến đường 71 dẫn từ xã Phong Xuân lên Thủy điện Rào Trăng 3.

Hành trình vào Khe Cát

“Trong dòng nước chảy dọc bờ lau lách, có thể là nơi linh hồn của những người đã nằm xuống, ở bên kia bờ của sự sống, nhưng vẫn nhìn ngắm người thân lần cuối”, chúng tôi thầm nghĩ điều này và đi dọc theo ven suối tìm thêm những đồ vật có thể bị trôi nổi.

Nhưng giữa những khe đá chỉ có những thân cây keo lai bị bẻ dập nát mắc vào kẽ đá. Những cây to mà còn bị đất đá nghiến nát như đưa vào chiếc cối xay gỗ thì da thịt con người làm sao chống chọi lại nổi. Có mặt tại hiện trường bãi tìm kiếm ngay từ ngày đầu, người viết choáng ngợp và vã mồ hôi khi thấy hàng trăm người lính đang lội giữa đám bùn lầy khổng lồ. Xe xúc là loại chuyên trèo đèo lội suối, không ngán gì đất nhão. Nhưng giữa đám bùn lầy này, chiếc xe phải vật vã, lắc lư như con lật đật khi lăn bánh xích để tiến vào góc bên trái bãi bùn rộng khoảng 5.000m2, nơi được xác định là nền nhà của Trạm kiểm lâm 67.

Để vào được bãi bùn này, đội hình công binh và tướng lĩnh quân đội chỉ huy tìm kiếm đã phải đi dưới những mảng núi sạt. Từ trung tâm xã Phong Xuân đi khoảng 2 km là bắt đầu vào đường núi. Có thể hình dung ra con đường này bằng cách đứng trên tầng 2 của UBND xã và nhìn về phía trước, đó là 2 dãy núi rất cao nằm giáp nhau, cung đường 71 được xẻ nằm giữa 2 ngọn núi này, sau đó đi men theo sườn núi, tụt xuống một bình nguyên, tới lòng chảo, rồi tiếp tục men theo các sườn núi nằm ngay mép vực.

Ngày 14.10, trời đã tạnh mưa, nhưng khung trời vẫn u ám, mây đen quần lượn. Đi trên cung đường này và thử hình dung ra được, ngày 12.10, đoàn công tác đã đi giữa cơn mưa nặng hạt và những mảnh núi nhão nhoét đổ xuống đường mà chúng tôi vừa đi qua đã luôn là cái bẫy treo trên đầu họ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 và đoàn công tác 21 người đã đi rất sâu vào cung đường đầy điểm núi sạt, đá lở, vực cheo leo. Những người sống sót kể lại có lúc đoàn dừng chân, tính toán, rồi lại đi khi thông tin về những công nhân đang bị mắc kẹt ở Thủy điện Rào Trăng 3 chưa rõ sống chết đều nằm trong sự quyết định “đi tiếp” của tướng Man.

Con đường vào Trạm kiểm lâm 67, có một điểm gọi là Khe Cát (suối băng ngang đường). Nếu mưa lớn thì dòng nước sẽ ngập tới ngang ngực và chảy xiết. Nếu muốn vượt ngầm thì phải có dây căng ngang cho người bám vào để di chuyển. Nhưng trong ngày mưa gió đó, đoàn vẫn oằn mình vượt Khe Cát để đi tiếp vào sâu trong núi. Càng vào sâu thì núi lở càng nhiều. Ở vị trí cách Trạm kiểm lâm 67 khoảng 4 km có những đoạn đường sụt xuống vực sâu. Sau khi được sửa chữa tạm thời, con đường này giống như một miếng bột dẻo được dán vào mép vực để nới rộng nền đường. Nếu mưa đổ thì con đường vào núi sẽ tiếp tục bị ách tắc.

 Một người lính lặn lội giữa bùn lầy để tìm vết người nằm xuống

Tạc các anh vào rừng núi

Quay lại chuyện tìm kiếm 13 liệt sĩ giữa đám bùn lầy lội. Tôi từng có mặt trong các đoàn đi vào rừng quy tập hài cốt liệt sĩ, từng ở lại qua đêm, từng thắp nén hương và cầu nguyện “anh em nằm chỗ nào thì báo chừng để sớm đưa về quê”. Nhưng đó là những bộ hài cốt đã nằm trong rừng suốt mấy chục năm. Đó là những cánh rừng đã im tiếng súng. Còn ở Trạm kiểm lâm 67 là những thi thể còn nguyên da thịt. Cảm giác đau xót như bị cứa vào tim, gan. Nơi đây không phải là bãi chiến trường có tiếng súng. Nhưng người lính có phương châm “phòng chống lụt bão là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Từ phương châm đó có thể hiểu ra được, đây cũng chính là mặt trận của người lính, mặt trận chống thiên tai để mang lại sự bình yên cho nhân dân. Trên mặt trận thì chắc chắn phải có sự hy sinh. Nhưng sự hy sinh ở Rào Trăng 3, tiếp đến là Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 quả là mất mát quá lớn.

Trạm kiểm lâm 67 nằm ở một vị trí, nếu quan sát sơ bộ thì đây là địa điểm khá an toàn. Trước trạm kiểm lâm là một khoảng đất rộng dẫn ra bờ suối róc rách. Bên trái của trạm là một dòng suối nhỏ, dòng nước uốn lượn từ khe núi chảy dọc theo bãi đất. Dòng suối này trông khá hiền hòa, nhưng cuối cùng lại là đường đi của tử thần. Từ đoạn gấp khúc của dòng suối nhỏ đi sâu vào núi khoảng 300 mét là một ngọn đồi trồng keo lai. Trong đêm định mệnh, khi đoàn công tác dừng chân tại Trạm kiểm lâm 67 thì ngọn núi này sập xuống, biến thành một thác bùn lầy lẫn đá và cây keo lai. Nhìn những cây keo lai già nhưng vẫn bị bẻ nát vụn đã đủ hiểu sức cuốn của dòng thác đất đá màu đỏ như máu.

Ngày 15.10, trước khi đoàn tìm kiếm kết thúc trong đêm và đưa toàn bộ 13 thi thể liệt sĩ rời bìa rừng, tôi đã dừng lại thật lâu bên bờ suối, cắm một bó hương và khấn nguyện hương hồn các anh hãy theo anh em trở về. Không có tiếng hồi đáp, chỉ nghe tiếng suối róc rách, lúc gần, lúc xa, cùng tiếng gió bỗng dưng xào xạc như ai đó vừa đi qua, lay bờ lau lách. Dù đã đưa toàn bộ anh em trở về rồi, nhưng nơi 13 anh em nằm lại, trong tâm tưởng của nhiều người, mãi mãi là một ngôi nhà của 13 liệt sĩ. Dù mai này đất bằng, rồi cây cỏ rồi sẽ lại mọc. Nhưng câu chuyện 13 liệt sĩ được lòng người khác tạc như bia đá núi. 

 Nổ mìn phá đá thông đường lên Rào Trăng 3

Sáng qua 22.10, lực lượng quân sự, giao thông sau khi khảo sát đã lên phương án nổ mìn để phá đá nằm án ngữ trên tuyến đường 71 thông lên thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Theo đó, lực lượng quân sự của Quân khu 4 đã tiến hành khoan đặt thuốc nổ để phá 2 tảng đá bị sạt trượt nằm chắn ngang trên tuyến đường 71 trên đường dẫn lên thủy điện Rào Trăng 3. Hai tảng đá này nặng hàng chục tấn, nằm cạnh nhau và cách đường lên thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 2 km.

Hiện tại các phương tiện xe múc, xe ủi đang tập trung xử lý các điểm sạt trượt nhỏ. Sau khi phá được các tảng đá lớn, thông đường 71 sẽ tập trung phương tiện, nhân lực xử lý các điểm sạt lở lớn trên tuyến. Trong sáng 22.10, lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp tục duy trì lực lượng khoảng 100 người gồm quân sự, công an, dân sự và hàng chục phương tiện cơ giới thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Đến thời điểm hiện tại, đường từ tiểu khu 67 lên thủy điện Rào Trăng 4 đã thông (4 km), đoạn từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 thông khoảng 7 km, còn đoạn giữa 3 km chưa thông vì có 2 điểm sạt lở lớn, trôi lòng đường.P.V

 LÊ VĂN CHƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top