Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Thanh Hóa: Dấu ấn một nhiệm kỳ

Thứ Sáu 23/10/2020 | 20:00 GMT+7

VHO-Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Đây là cơ sở, điều kiện để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục vững bước tiến lên, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra

Thanh Hóa đã có bước tăng trưởng nhanh và đột phá về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng gấp 1,5 lần so với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015, dự kiến đạt 12,1%, vượt mục tiêu Đại hội (12%). Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 131.199 tỉ đồng, gấp 1,77 lần năm 2015, vươn lên vị trí đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.616 USD, gấp 1,8 lần năm 2015.

 Dáng vóc mới của Thanh Hóa hôm nay. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán giao và vươn lên nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; năm 2020, dự kiến đạt 28.967 tỉ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn và du lịch phát triển đột phá đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Dự kiến năm 2020, tỉ trọng ngành nông, lâm, thủy sản còn 10,4% (giảm 7,4% so với năm 2015); công nghiệp - xây dựng chiếm 48,2% (tăng 8,9%); dịch vụ chiếm 32,2% (giảm 6,3%); thuế sản phẩm chiếm 9,2% (tăng 4,8%).

Lĩnh vực công nghiệp ngày càng giữ vai trò chủ đạo và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm dự kiến tăng 20,1%, vượt kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay; năm 2020 dự kiến đạt 144.532 tỉ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Thanh Hóa đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp mới, đặc biệt là Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước), triển khai xây dựng một số dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; đô thị phát triển theo hướng hiện đại, tạo ra diện mạo mới cho phát triển của tỉnh. Trong đó, liên đô thị thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn đang được đầu tư kết nối; các đô thị Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng có bước phát triển mới, các công trình hạ tầng giao thông lớn, có tính kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh được ưu tiên đầu tư. Tỉnh đã nâng cấp hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân, tạo điều kiện mở thêm đường bay mới. Hệ thống cảng biển (cảng nước sâu, cảng tổng hợp) được quy hoạch và đầu tư, năm 2019 đã đưa tuyến container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn vào hoạt động hiệu quả.

Đồng thời, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư; hằng năm tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư ở các nước có nguồn lực đầu tư lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Năm 2017 Thanh Hóa tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia. Bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, từ năm 2016 đến nay tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 94.404 tỉ đồng và 3.305 triệu USD; đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thanh Hóa hiện có 111 dự án FDI đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 13,86 tỉ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Ngoài ra, Thanh Hóa đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch; nhiều công trình có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi mạnh mẽ du lịch của tỉnh, như: Khu đô thị du lịch sinh thái FLC (giai đoạn 1), các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Du lịch sinh thái ở khu vực miền núi được quan tâm đầu tư, khai thác. Giai đoạn 2016 - 2020, ngành du lịch đón 42,58 triệu lượt khách, vượt 0,7% kế hoạch (khách quốc tế 1,28 triệu lượt người, vượt 1,6% kế hoạch); tổng doanh thu đạt 59.946 tỉ đồng, vượt 0,2% kế hoạch.

Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đã có 8 đơn vị cấp huyện, 313 xã (chiếm 65,75%) đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng hiện đại, văn minh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật như: giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm; có thêm 2 di tích Hang Con Moong và Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, đã ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật mới tại các bệnh viện tuyến tỉnh; tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm, giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được chú trọng     

  Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đạt nhiều kết quả tích cực trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện nghiêm túc. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa và các cấp ủy đảng đã tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém về công tác xây dựng Đảng; sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy chế, quy định để quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; tăn g cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chỉ đạo các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 08- QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa của quê hương, qua đó khơi dậy được niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.

Tỉnh ủy Thanh Hóa trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc giai đoạn 2015-2020 tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn, đem lại hiệu quả thiết thực; đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019), kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người đã để lại ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên giáo được quan tâm đầu tư nâng cấp; quy mô, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm chính trị cấp huyện được nâng lên; đã có 25/27 Trung tâm chính trị được công nhận đạt chuẩn.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở và thu được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tỉnh đã tập trung chỉ đạo sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố, để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố, theo đó, toàn tỉnh đã giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố, xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố (giảm 1.578).

Đã hoàn thành việc sáp nhập 143 xã, thành 67 xã, (giảm 76 xã), là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị. Việc sáp nhập các xã, thôn, tổ dân phố không chỉ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, mà còn góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được đẩy mạnh; các vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, chính xác, góp phần củng cố lòng tin của đảng viên và Nhân dân.

Đặc biệt, ngày 5.8.2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh Thanh Hoá, mà còn là khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thanh Hóa đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58 sẽ giúp Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, với tác động cộng hưởng, lôi kéo, thúc đẩy kinh tế vùng; cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, giảm áp lực cho thủ đô về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giảm áp lực cho ngân sách Trung ương; trở thành hình mẫu về phát triển hài hòa, nhanh và bền vững.

Những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện.

Tiếp tục coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, công nghiệp là then chốt, dịch vụ là quan trọng; tăng cường ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội và đời sống của Nhân dân; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

MẠNH DŨNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top