Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nhiều ý kiến trái chiều về “hộ chiếu vắcxin”

Thứ Tư 10/03/2021 | 09:45 GMT+7

VHO- Trong khi một số nước ủng hộ ý tưởng “hộ chiếu vắcxin” vì cho rằng việc cho phép những người đã tiêm chủng được tự do đi lại là lối thoát cho ngành Du lịch và Hàng không, thì một số quốc gia khác lại tỏ nghi ngại.

 “Hộ chiếu vắcxin” đã thực sự cần thiết? Ảnh: SKY NEWS

Vì lẽ đó mà ý tưởng này cho đến nay đang tạo ra một cuộc tranh luận chưa có hồi kết.

Đã thực sự cần thiết?

“Hộ chiếu vắcxin” có thể hiểu như giấy chứng nhận đã tiêm chủng ngừa Covid -19. Theo đề xuất của một số nước, trong tương lai, bên cạnh hộ chiếu thông thường, “hộ chiếu vắcxin” sẽ là bắt buộc nếu bạn muốn du lịch đến một quốc gia. Những người ủng hộ cho rằng, cấp giấy chứng nhận quốc tế đã tiêm chủng ngừa Covid -19 là cách làm hay để nhanh chóng khôi phục cuộc sống xã hội và hoạt động kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vừa thông tin trên tài khoản Twitter của bà rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đề xuất cấp một loại chứng nhận có tên là Thẻ xanh kỹ thuật số cho phép những người đã được tiêm ngừa Covid-19 được đi lại tự do hơn, giúp họ di chuyển an toàn trong EU hoặc nước ngoài để làm việc hay du lịch. Tại một cuộc họp với các Nghị sĩ Đức và EU, bà Ursula von der Leyen cho biết, EC sẽ tìm cách tạo một cơ chế kỹ thuật để chứng nhận tiêm chủng dưới dạng kỹ thuật số, dựa trên thông tin tương đương ở tất cả 27 nước thành viên. Trước đó, Chủ tịch EC khẳng định các loại chứng chỉ tiêm chủng sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt của EU. Trong khi đó, Phó Chủ tịch EC Margarittes Schinas cho biết, dự luật của EC sẽ được trình Nghị viện châu Âu (EP) vào ngày 17.3, sau đó sẽ được đưa lên lãnh đạo EU thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 25.3.

Ý tưởng về “hộ chiếu vắcxin” đã được một số tập đoàn, trong đó có Microsoft, Salesforce, Oracle… và nhiều quốc gia đề cập. Cộng hòa Síp, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italia, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển là những quốc gia đã tuyên bố có kế hoạch giới thiệu “giấy thông hành vắcxin”, hoặc có kế hoạch cho phép nhập cảnh không hạn chế đối với những người có giấy tờ đó, cũng như thể hiện sự ủng hộ đối với loại chứng nhận này cho đến nay.

Cuộc tranh luận chưa hồi kết

Không ít quốc gia ủng hộ sáng kiến trên, cho rằng đây là “lối thoát” cho ngành du lịch và hàng không đang gặp khó khăn. Nhưng cũng có không ít quốc gia lại bày tỏ lo ngại khi hiện chỉ một tỷ lệ nhỏ dân số trên thế giới được tiêm chủng. Hầu hết các nước EU, dẫn đầu là Pháp và Đức, lại cho rằng việc cung cấp chứng nhận tiêm chủng là quá sớm khi tỷ lệ dân số châu Âu được tiêm là rất ít, trong khi các loại vắcxin được EU phê chuẩn đến nay đều yêu cầu phải tiêm 2 liều mới hiệu quả. Các nước này lo ngại nếu coi đó là một tấm “hộ chiếu vắcxin” thì đa phần người dân đang chờ đến lượt tiêm phòng sẽ tiếp tục bị hạn chế hoạt động. “Trong tương lai, chắc chắn sẽ rất tốt nếu có chứng nhận này, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ những người có hộ chiếu như vậy mới có thể đi du lịch”, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sau cuộc họp tuần trước. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không muốn những người trẻ, đối tượng hiện chưa được ưu tiên tiêm vắcxin Covid-19, bị phân biệt đối xử. Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic cho rằng loại hộ chiếu này là “vô nghĩa” và “phản châu Âu” vì chúng sẽ gây ra sự phân biệt đối xử.

Không chỉ có vậy, nhiều người cho rằng, để có thể đưa vào áp dụng “hộ chiếu vắcxin”, có rất nhiều vấn đề đặt ra. Về mặt kỹ thuật, nếu như ý tưởng là tạo ra một loại giấy tờ kỹ thuật số, EU sẽ bắt buộc phải thiết lập một nền tảng chung có giá trị tại tất cả các nước thành viên để xác minh tính hợp lệ của loại giấy tờ trên, cũng như bảo vệ thông tin y tế nhạy cảm.

Mặc dù được đánh giá có thể đạt hiệu quả cao, song “hộ chiếu vắcxin” Covid-19 chưa nhận được sự ủng hộ của WHO. Cơ quan y tế này cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid -19, cũng như nguồn cung cấp còn hạn chế. Hơn nữa, khi đa phần dân số tại một quốc gia đã được tiêm, câu hỏi đặt ra là chi phí về mặt xã hội và kinh tế của “hộ chiếu vắcxin” có xứng đáng với mức giảm lây nhiễm rất ít mà nó mang lại khi đó? Nếu tiêm phòng giúp kiểm soát được tỷ lệ lây nhiễm rồi, thì “hộ chiếu vắcxin” có còn cần thiết nữa hay không. 

 HOÀNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top