Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Việt Nam và Đông Nam Á là nguồn cảm hứng cho bom tấn mới của Disney

Thứ Năm 11/03/2021 | 11:47 GMT+7

VHO- Bom tấn Disney tạo nên một thế giới thần tiên tuyêt đẹp, ảnh hưởng đậm nét từ văn hóa Đông Nam Á và truyền tải thông điệp ý nghĩa về lòng tin vào những giá trị nhân văn của con người.

"Raya và Rồng thần cuối cùng" là dự án hoạt hình mới nhất của Disney, được thai nghén và sản xuất bởi ê-kíp gồm nhiều nghệ sĩ Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam (biên kịch Quí Nguyễn, nữ chính Kelly Marie Trần). Khác với những bộ phim chuyển thể hay remake gần đây, nhà Chuột xây dựng một câu chuyện hoàn toàn mới về vùng đất giả tưởng Kumandra, lấy cảm hứng dòng sông Cửu Long chảy qua phần lớn Đông Nam Á, nơi con người từng sinh sống hòa thuận cùng những thần rồng.

Cảm hứng từ sông Mê Kông.

Cảm hứng từ sông Mê Kông

Tuy nhiên, sau một cuộc chiến sinh tử, toàn bộ loài rồng hy sinh để tạo ra một viên ngọc thần, với sức mạnh vô song để phong ấn loài quái vật Druun, nhằm bảo vệ nhân loại khỏi diệt vong. Sisu là cá thể duy nhất sống sót nhưng đi ở ẩn vùng sông nước bí ẩn.

Câu chuyện phim bắt đầu 500 năm sau cuộc chiến vĩ đại của người dân Kumandra. Tuy nhiên, loài người, với quá nhiều hoài nghi và ham muốn, dần chia cắt thành những vương quốc nhỏ. Raya – công chúa của vùng đất Long Tâm – cùng cha chịu trách nhiệm bảo vệ viên ngọc thần khỏi sự dòm ngó của những kẻ muốn chiếm đoạt nó, nhằm chiếm lấy sức mạnh siêu nhiên của loài rồng.

Núi lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long.

Núi lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long

Trong một buổi gặp gỡ giữa thủ lĩnh các vương quốc, Namaari – công chúa xứ Long Nanh – lợi dụng sự cả tin của Raya và chiếm lấy viên ngọc. Tuy nhiên, trong lúc giao tranh, nhóm người vô tình làm vỡ nó, đồng thời phá phong ấn chế ngự loài Drunn. 

Sai lầm của Raya khiến cha cô bị lũ Drunn hóa đá. Toàn bộ các tiểu vương quốc tại Kumandra rơi vào thảm họa diệt vong. Họ phải xây dựng thành phố bao quanh những dòng nước - thứ ngăn cản sự tấn công của loài Drunn. Trong suốt sáu năm, cô chu du dọc con sông hình rồng của xứ Kumandra, nhằm tìm kiếm tung tích của cá thể rồng Sisu huyền thoại để hồi sinh cha, giải cứu thế giới. 

Thuộc thể loại phiêu lưu, giả tưởng, ê-kíp "Raya và Rồng thần cuối cùng" kiến tạo nên một thế giới cực kỳ sinh động, thú vị. Mỗi tiểu vương quốc đều được tạo hình độc đáo và những đặc điểm, cá tính riêng. Những đặc điểm của Đông Nam Á xuất hiện và bao trùm toàn bộ phim. Long Tâm - quê nhà của Raya – là đồng bằng thịnh vượng, lấy cảm hứng từ các vùng châu thổ ven sông Mekong và Vịnh Hạ Long. Long Trảo nổi bật với hình ảnh chợ nổi, đặc trưng của các quốc gia Đông Nam Á...

Khán giả hoàn toàn có thể bị choáng ngợp trước những bối cảnh hoành tráng trong phim, từ vùng sông nước, sa mạc, rừng rậm cho đến những thành phố cổ đại, hầm mộ đầy cạm bẫy... Theo chân Raya, người xem được khám phá từng vùng đất, trải qua những thử thách thú vị để tìm kiếm các mảnh vỡ của ngọc rồng. Từ đây, ê-kíp giới thiệu dàn nhân vật phụ đáng yêu, nhí nhảnh như Boun - thuyền trường “nhí” của tàu đánh bắt tôm, băng cướp khỉ với sự điều hành của cô bé sơ sinh Noi hay Tong – chiến binh có bề ngoài hung dữ nhưng bên trong đa cảm, giàu tình thương. 

"Raya và Rồng thần cuối cùng" có nhiều phân đoạn hành động rượt đuổi, đánh đấm thú vị, chân thực. Ê-kíp học tập các thế võ cổ truyền như Pencak Silat (Indonesia), Muay Thai (Thái Lan) và Vovinam (Việt Nam) cho các cảnh giao đấu trong phim. Các nhân vật sử dụng vũ khí lấy cảm hứng từ kris, loại vũ khí cổ xưa của các bộ lạc ở Indonesia. Phim cũng được khen ngợi ở khâu lồng tiếng, diễn thoại. Minh tinh Awkwafina có màn hóa thân xuất sắc khi thể hiện được tính cách hồn nhiên, nhí nhảnh của cô rồng Sisu. 

Chặng đường tìm ngọc rồng của Raya đồng thời là quá trình tìm lại chính mình. Sau khi trải qua nhiều bất hạnh, cô bé ngây thơ mất lòng tin với con người, đi trái lại những đạo lý từng được cha dạy bảo trong quá khứ. Với sự giúp đỡ của Sisu và những người bạn đồng hành mới, Raya dần hiểu ra sức mạnh của sự đoàn kết và vượt qua nỗi sợ bị phản bội, lừa dối. Thông điệp này được lồng ghép một cách rõ ràng trong suốt bộ phim. Hướng đi này giúp khán giả ở mọi lứa tuổi có thể dễ dàng hiểu được chủ đề tư tưởng của toàn tác phẩm. 

Kịch bản "Raya và Rồng thần cuối cùng" cũng mở ra nhiều cảnh cửa tiềm năng cho hãng phim nhà chuột tiếp tục đào sâu, khai thác. Giới phê bình dự đoán nếu phiên bản điện ảnh thành công, Disney hoàn toàn có thể làm tiếp các phần hậu truyện, ngoại truyện về các tiểu vương quốc, nhân vật trong phim. Đặc biệt, họ cũng dự đoán các ý tưởng về phiên bản series, truyền hình đang được êkíp thai nghén để phục vụ cho dự án phim trực tuyến Disney+.

"Raya và Rồng thần cuối cùng" là một dự án đầy tham vọng của Disney nhắm tới thị trường Đông Nam Á. Trên tinh thần đề cao sự đa dạng văn hóa, ê-kíp thể hiện được sự tỉ mỉ trong khâu nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm của người dân nơi đây và tái hiện chúng lên màn ảnh qua những khung hình sống động, đầy màu sắc. Cùng với đó, thông điệp phim được truyền tải nhẹ nhàng, không giáo điều giúp đem tới những phút giây giải trí, thư giãn tuyệt vời cho khán giả. "Raya và Rồng thần cuối cùng" cũng được giới phê bình đánh giá cao, hiện đạt điểm tích cực lên đến 96% trên tổng 157 bài nhận xét, theo số liệu của Rotten Tomatoes.

VOV.VN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top