Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

“Tổng kiểm kê” các loại hình lễ hội Việt Nam: Nhận diện thực trạng để phát huy giá trị

Thứ Sáu 12/03/2021 | 11:05 GMT+7

VHO- Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy vừa có buổi làm việc với Cục Văn hóa cơ sở về “Kế hoạch triển khai thực hiện điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam”. Việc điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam nhằm rà soát, đánh giá thực trạng các loại hình lễ hội để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi làm việc về Kế hoạch thực hiện điều tra lễ hội Ảnh: MINH KHÁNH

Thông qua kế hoạch này để tiến tới việc số hóa lễ hội phục vụ công tác tra cứu tư liệu, tuyên truyền, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam.

Tiêu chí thống kê phải đảm bảo chính xác

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, những năm gần đây công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có nhiều thay đổi tích cực, hoạt động lễ hội dần đi vào nền nếp, đặc biệt đã có nhiều văn bản, quy định pháp luật mới điều chỉnh lĩnh vực này đi vào đời sống, phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh này, Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện điều tra, thống kê các loại hình lễ hội là cần thiết, qua đó nắm bắt thực trạng chính xác của công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương.

“Lâu nay, dư luận và báo chí vẫn nêu con số hơn 8.000 lễ hội đang tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên đây là con số chưa đảm bảo tính chính xác, được đưa ra trên cơ sở các địa phương thống kê với những phương pháp khác nhau, tiêu chí chưa rõ ràng. Do vậy, cần có một cuộc “tổng kiểm kê” với những tiêu chí được xây dựng đảm bảo tính khách quan, chính xác. Điều này rất cần thiết đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay...”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho hay, mục đích của việc triển khai thực hiện điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam là để rà soát, đánh giá thực trạng các loại hình lễ hội ở nước ta phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống, tiến tới việc số hóa lễ hội phục vụ công tác tra cứu tư liệu, tuyên truyền, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội ở nước ta trong giai đoạn tới.

Việc thống kê lễ hội phải đảm bảo tính khách quan, chính xác. Đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chí phân loại các loại hình lễ hội. Thống kê lễ hội được tổ chức định kỳ hằng năm hoặc hai, ba năm một lần được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Số liệu thống kê về lễ hội phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền xác nhận... là những yêu cầu đặt ra đối với cuộc “tổng kiểm kê” này. Theo Kế hoạch dự kiến, các nội dung thực hiện gồm: Rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng biểu mẫu thống kê, mẫu phiếu thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam gửi về các địa phương. Điều tra, khảo sát phân loại các loại hình lễ hội. Biên tập, tổng hợp số liệu và hoàn thiện biểu thống kê số liệu các loại hình lễ hội tại Việt Nam. Việc rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng biểu mẫu thống kê, mẫu phiếu thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam gửi về các địa phương sẽ được thực hiện trong tháng 3.2021. Cụ thể, việc điều tra, khảo sát phân loại các loại hình lễ hội được triển khai với các bước như phát phiếu điều tra thu thập thông tin về nguồn gốc lịch sử, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi truyền thống; những biến đổi về nội dung và hình thức tổ chức lễ hội ở nước ta hiện nay. Khảo sát tại địa phương, thu thập thông tin, tư liệu viết, hình ảnh và tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát, phân loại các loại hình lễ hội.

Cục Văn hóa cơ sở sẽ thực hiện việc điều tra, khảo sát từ tháng 5- 9.2021. Từ tháng 10-11.2021, Cục sẽ phối hợp với địa phương chỉnh lý thông tin, số liệu thống kê, phân tích các loại hình lễ hội; Biên tập, chỉnh sửa, in và phát hành Tổng tuyển tập Thống kê lễ hội ở Việt Nam.

 Một loại hình lễ hội văn hóa dân gian ở đồng bằng Bắc Bộ Ảnh: TƯ LIỆU

Số lượng các lễ hội sẽ giảm

Dự kiến theo tiêu chí thống kê, phạm vi các lễ hội được thống kê gồm: Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử, văn hóa; lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; Lễ hội văn hóa là hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, thể thao tiêu biểu, đặc sắc, tiềm năng du lịch về đất nước, con người Việt Nam; Lễ hội ngành nghề là hoạt động quảng bá về đặc trưng, thế mạnh của các ngành nghề, tôn vinh các tổ chức, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề; Lễ hội có nguồn gốc nước ngoài, là những hoạt động giới thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội của nước ngoài với công chúng Việt Nam.

Phòng Nếp sống văn hóa (Cục Văn hóa cơ sở) cho biết, theo kết quả thống kê lễ hội năm 2008, tổng danh mục lễ hội được thống kê gồm 7.966 lễ hội, với các loại hình: Lễ hội dân gian: 7.039 lễ hội (chiếm 88,36%), lễ hội tôn giáo: 544 lễ hội (6,82%), lễ hội lịch sử cách mạng: 332 lễ hội (4,16%), lễ hội du nhập từ nước ngoài: 10 lễ hội (0,12 %) và các lễ hội khác... “Trong đợt thống kê từ năm 2008, nhiều địa phương liệt kê cả các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống, thậm chí hoạt động của các dòng họ... Do vậy con số thống kê chưa chính xác, theo các tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Việc triển khai điều tra, thống kê các loại hình lễ hội lần này sẽ đưa ra các tiêu chí để các địa phương làm căn cứ và phân loại lễ hội. Các tiêu chí được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội cũng như đặc thù các loại hình lễ hội...”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho biết.

Từ những tiêu chí được xây dựng, dự kiến con số thống kê các lễ hội sẽ giảm so với tổng danh mục lễ hội đợt thống kê năm 2008. Cục Văn hóa cơ sở cho biết sẽ tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, nhà văn hóa về nội hàm các tiêu chí thống kê nhằm đảm bảo cho các địa phương dễ dàng triển khai phân loại, thống kê. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy lưu ý, để công tác thống kê đạt được mục đích như mong muốn, việc quan trọng nhất là cần xây dựng và xác định rõ tiêu chí thống kê. Tiêu chí phải dễ hiểu, địa phương dễ áp dụng, thực hiện, đảm bảo tính chính xác, phù hợp với tiêu chí số hóa. “Việc điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam phải đặt ra “đề bài” rõ ràng để các địa phương thực hiện...”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Lâu nay, dư luận và báo chí vẫn nêu con số hơn 8.000 lễ hội đang tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên đây là con số chưa đảm bảo tính chính xác, được đưa ra trên cơ sở các địa phương thống kê với những phương pháp khác nhau, tiêu chí chưa rõ ràng. Do vậy, cần có một cuộc “tổng kiểm kê” với những tiêu chí được xây dựng đảm bảo tính khách quan, chính xác. Điều này rất cần thiết đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay...

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

 

Trong đợt thống kê từ năm 2008, nhiều địa phương liệt kê cả các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống, thậm chí hoạt động của các dòng họ... Do vậy con số thống kê chưa chính xác, theo các tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Việc triển khai điều tra, thống kê các loại hình lễ hội lần này sẽ đưa ra các tiêu chí để các địa phương làm căn cứ và phân loại lễ hội. Các tiêu chí được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội cũng như đặc thù các loại hình lễ hội...

(Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở NINH THỊ THU HƯƠNG)


 HOÀNG NGÂN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

VHO - Ngày 28.3, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Chi tiết
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top