Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Du lịch Việt Nam 2021-2023:  Trọng tâm vẫn là tập trung khai thác du lịch nội địa

Thứ Hai 05/04/2021 | 11:07 GMT+7

VHO- “Trong giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Việt Nam vẫn sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó, sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới”.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện Ảnh: GIANG HUY

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi tọa đàm “Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ”, do Tổng cục Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số đơn vị phối hợp tổ chức tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Sức bật của thị trường nội địa

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới nới lỏng hạn chế đi lại vào giữa năm 2021, thì cũng sẽ mất 2,5 - 4 năm để du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019. Vì vậy, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành Du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng kế hoạch phục hồi Du lịch của chúng ta cần được tính toán trên nhiều phương diện. Về định hướng phục hồi du lịch, cần tập trung vào công tác phối hợp để vừa đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, có phương án phản ứng nhanh với mọi tình huống khi dịch có nguy cơ bùng phát. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, cần phát triển sản phẩm mới, làm mới sản phẩm cũ, gia tăng trải nghiệm cho du khách đối với những sản phẩm hiện có, phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh. Đẩy mạnh liên kết giữa các điểm đến, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, hình thành và triển khai hiệu quả các liên minh kích cầu, thu hút, trao đổi khách.

Theo khảo sát mới đây của VnExpress, 53,4% người tham gia khảo sát năm 2021 dự định đi nghỉ từ tháng 5 - 9; 30,2% cho biết đã sẵn sàng du lịch trong tháng 3 và 4. Điều đó cho thấy, nhu cầu du lịch của người dân vẫn cao. Bà Hương Trần Kiều Dung Phó chủ tịch FLC cho rằng, cơ quan nhà nước nên tiếp tục phát động các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Truyền thông tổng thể sẽ giúp người dân tiếp cận du lịch trong nước. Đồng thời, cần bổ sung thêm ngày nghỉ, ngày du lịch Việt Nam, bố trí sát vào các kỳ nghỉ hiện hành.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Flamingo Redtours chia sẻ, qua những biến cố thời đại dịch Covid-19 cho thấy, những người làm trong ngành Du lịch đều rất giỏi xoay xở, thay đổi nhanh chóng, kịp thời thích ứng. Thực tế, hoạt động du lịch của Việt Nam vẫn đang phát triển tốt so với các nước. Chúng ta đã có những lần kích cầu nội địa rất thành công, kịp thời và linh hoạt đối phó với các tình huống. Ông Hoan đề xuất, trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần kích cầu du lịch nội địa bằng các chương trình mới mẻ, sáng tạo, không chỉ giảm giá mà còn phải làm mới sản phẩm, đa dạng, có thêm khuyến mãi về dịch vụ, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, sản phẩm du lịch dành cho mỗi khách hàng cần được cá biệt hóa.

 Thị trường trong nước sẽ là trọng tâm của du lịch trong thời gian tới

Chuẩn bị kỹ trước khi mở lại thị trường quốc tế

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đối với thị trường quốc tế, cần những bước chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh khi các hoạt động du lịch quốc tế quay trở lại. Trước mắt, các thị trường gần trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là các thị trường mà Du lịch Việt Nam cần chú trọng trong giai đoạn phục hồi 2021 - 2023. Có thể chuẩn bị từng bước thí điểm lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng hộ chiếu vắcxin, tạo điều kiện đón khách đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế là rất cần thiết vì dù phát triển đến thế nào thị trường nội địa cũng không thể thay thế hoàn toàn thị trường quốc tế. Hơn nữa, việc tiêm vắcxin ngừa dịch Covid-19 đang được triển khai trên nhiều quốc gia. Các nước trong khu vực ASEAN cũng đã chuẩn bị và sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại. Nếu chúng ta không nhanh, rất có thể sẽ không cạnh tranh được với các nước trong khu vực. “Công ty chúng tôi đã rất sẵn sàng đón khách quốc tế. Chúng tôi đã đưa ra các kịch bản cho việc này. Nếu các ban, ngành chuẩn bị sẵn ba bước mở cửa thị trường hàng không thì ngành Du lịch cũng chuẩn bị kế hoạch ba bước để đón khách vào Việt Nam”, ông Nguyễn Công Hoan khẳng định.

Tuy nhiên hiện nay, sau hơn một năm Covid-19 diễn ra, thị trường du lịch, tâm lý du khách thay đổi nhưng chưa có một khảo sát hay đánh giá tổng quát nào về việc thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam có thay đổi hay không. Điều này gây khó khăn cho việc định hướng lại cho các công ty lữ hành hoạch định chiến lược phát triển thời gian tới. Bên cạnh đó, việc xúc tiến tới các thị trường quốc tế là chưa có. Doanh nghiệp đang mong chờ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đi vào hoạt động để thúc đẩy hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Thời gian qua nhân sự ngành Du lịch chuyển nghề rất nhiều, nên để phục vụ thị trường nội địa hay quốc tế đều cần chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực. “Cơ quan quản lý nhà nước cần có hướng dẫn doanh nghiệp đón khách quốc tế, xây dựng sẵn bộ tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn nhưng đừng quá chặt chẽ. Bên cạnh đó, các Bộ, ban, ngành cũng không nên đưa ra những tiêu chí mà doanh nghiệp không thực hiện được. Cuối cùng là cần xác định nếu mở cửa thị trường quốc tế, có thể sẽ gặp những rủi ro. Vậy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào, cần phải có cơ chế cụ thể”, ông Nguyễn Công Hoan đề xuất.

Ông Lê Tuấn Linh, nhà sáng lập Phoenix Voyages (doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế thị trường châu Âu) cho rằng, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa nên dù luôn sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nguồn lực về tài chính là thách thức rất lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể đón khách có hộ chiếu vắcxin, đồng thời cần đẩy nhanh quá trình tiêm chủng trong nước để đảm bảo yếu tố được ưu tiên nhất và an toàn bởi miễn dịch cộng đồng. Với việc mở lại thị trường quốc tế, vấn đề lớn nhất của du khách là cách ly sau khi nhập cảnh. Tuy lộ trình mở cửa cần triển khai từ từ, nhưng Việt Nam cần có chính sách rõ ràng.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định: “Để phát triển thời gian tới, ngành Du lịch cần cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng, kiến tạo dịch vụ thân thiện với từng cá nhân, kết nối địa phương để tạo nên chuỗi liên kết phát triển du lịch… Chúng ta cũng cần xây dựng kịch bản truyền thông riêng cho điểm đến, tăng cường chất lượng các chương trình đã có trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước”. Chính sách hỗ trợ du lịch hồi phục hiện nay chưa rõ ràng và thực sự thiết thực. Ông đề nghị trong gói giải pháp sẽ bổ sung chính sách hỗ trợ cho ngành Du lịch và ngành Hàng không. Các chính sách cho vay với lãi suất thấp hoặc không có lãi suất đều rất cần thiết.

Cần tập trung vào công tác phối hợp để vừa đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, có phương án phản ứng nhanh với mọi tình huống khi dịch có nguy cơ bùng phát. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, cần phát triển sản phẩm mới, làm mới sản phẩm cũ, gia tăng trải nghiệm cho du khách đối với những sản phẩm hiện có, phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh.

(Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN)

 

Để phát triển thời gian tới, ngành Du lịch cần cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng, kiến tạo dịch vụ thân thiện với từng cá nhân, kết nối địa phương để tạo nên chuỗi liên kết phát triển du lịch… Chúng ta cũng cần xây dựng kịch bản truyền thông riêng cho điểm đến, tăng cường chất lượng các chương trình đã có trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.

(Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VŨ TIẾN LỘC)

 THÚY HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top