Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Thưởng thức Truyện Kiều trên Youtube

Thứ Hai 05/04/2021 | 11:13 GMT+7

VHO- Khởi động đúng đợt giãn cách xã hội vì dịch bệnh, dự án Ngâm Kiều toàn tập do nghệ sĩ hát xẩm, nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long phụ trách lần lượt được giới thiệu vào 20h các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7 từ ngày 1 đến 24.4 trên kênh Youtube Dân ca và Nhạc cổ truyền do ông sáng lập. Lần đầu tiên, toàn bộ 3.254 câu Kiều sẽ được 10 nghệ sĩ ngâm, lẩy Kiều để công chúng được thưởng thức trọn vẹn, miễn phí.

 

 NSND Thanh Hoài ngâm Kiều

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, dự án được ông ấp ủ từ rất lâu, nhưng xác định đây là một công trình rất lớn, muốn thực hiện cần có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng và cần có một khoản kinh phí tương đối để vận hành nên việc thực hiện nằm ngoài khả năng cá nhân. Từng chia sẻ suy nghĩ của mình với NSND Thanh Hoài và nghệ sĩ Phạm Dũng cách đây chừng 4,5 năm, nhưng đến tháng 3.2020, khi các nghệ sĩ có phần rảnh rỗi hơn do dịch bệnh, không đi diễn và hoạt động nghề nghiệp được, ông Long bàn với mọi người về dự án ngâm toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát trong tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Hầu hết các nghệ sĩ đều đã thuần thục ngâm thơ, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, nhưng với dự án Ngâm Kiều toàn tập mới nghe ai cũng thấy khó mà thực hiện được.

“Gần như trong tiềm thức của bất cứ người Việt nào, Truyện Kiều đã rất gần gũi, chính sự gần gũi này lại là một trở ngại, bởi vì mọi người đã tiếp cận với Truyện Kiều bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Do đó, Ngâm Kiều toàn tập với 3.254 câu, thời lượng khoảng 10 tiếng đồng hồ và chỉ có ngâm ngợi như vậy thôi, khán giả sẽ tiếp cận nó như thế nào? Khó nhưng vẫn phải làm bởi đó không chỉ là di sản về văn học mà còn là di sản về âm nhạc. Chúng tôi muốn tôn vinh, tiếp nối với phần sáng tạo văn học của cụ Nguyễn Du, đồng thời nhắm tới việc phải hồi sinh lại lối hát Kiều này để mọi người hình dung ra được sự độc đáo của cha ông ta ngày xưa, nên quyết tâm bằng mọi giá để hoàn thành dự án này. Có thể phải chấp nhận không phù hợp với các bạn trẻ”, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang cho rằng: “Trong dịp kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du vừa qua, đã có nhiều tác phẩm chuyển thể, lấy cảm hứng từ Truyện Kiều. Chuyển Truyện Kiều sang thể loại khác là tài năng của nghệ sĩ hiện đại. Nhưng tôi nghĩ Kiều hay là ở những câu chữ của Nguyễn Du, và dự án Ngâm Kiều đã giữ được vẹn nguyên những câu chữ ấy, và vẫn truyền cho chúng ta chút cảm xúc cá nhân của những nghệ sĩ, giúp khán giả hiện đại có thêm cách cảm nhận tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du”.

Trong đời sống bình dân của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, có hẳn một lối ngâm Kiều với tư cách một thể loại, một lối hát riêng được sinh ra từ Truyện Kiều và góp phần đưa Kiều phổ biến hơn trong lòng người Việt, nhưng giờ đây đã gần như không còn được nhắc tới trong đời sống tinh thần. Vì thế, nhằm tôn vinh lối ngâm độc đáo được sinh ra gắn liền với kiệt tác văn học Việt Nam, dự án Ngâm Kiều toàn tập đã được ra đời. Sau khi được âm nhạc chắp cánh, toàn bộ 3.254 câu thơ trong tác phẩm Truyện Kiều có tổng thời lượng là 561 phút, tương đương khoảng gần 10 tiếng âm thanh đã được giới thiệu đến công chúng. Đảm nhiệm phần ngâm Kiều có: NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Quốc Khanh, Văn Phương, Thúy Nga; Dàn nhạc là các nghệ sĩ: Trần Quế Hương (đàn tranh), Phạm Đức Bình (đàn nguyệt), Lê Tiến Trung (sáo, bầu), NSƯT Xuân Hải (nhị). Phần thu âm được lồng trong hình ảnh 2D và kỹ xảo hình để minh họa tác phẩm. Phần này đều do các nghệ sĩ trẻ phụ trách. Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện thêm một phần các cảnh quay nghệ sĩ ngâm Kiều với dàn nhạc dân tộc ở đình Chèm, Hà Nội.

“Ngâm Kiều khác với các loại hình khác ở màu sắc ngôn ngữ, âm nhạc, cách rung, nhấn nhá, nảy hạt, trao gửi tâm trạng của người ngâm và nếu ngâm theo lối cổ thì ngâm xong một đoạn buộc phải có câu “vay”, tức hai chữ đầu của câu sáu tiếp theo. Các nghệ sĩ của dự án đều ngâm Kiều thuần thục, bởi họ rất gắn bó với nghệ thuật chèo và các loại hình âm nhạc dân gian của đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, NSND Thanh Hoài với lối ngâm cổ, sự chuẩn mực đã xuất hiện ngay ở phần đầu và phần cuối thu âm, còn các nghệ sĩ trẻ lại có nét tươi mới, cách tân, thể hiện rõ cá tính...”, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết.

Ở tuổi ngoài 70, miệt mài từ sáng tới tối thu âm cả hàng nghìn câu thơ, thậm chí phải thu lại vài lần do sự cố kỹ thuật, NSND Thanh Hoài cho biết, tham gia dự án vì nỗ lực của các bạn trẻ và lòng tự hào dân tộc: “Thời đại ngày nay đã mai một dần các giá trị cổ truyền, nên tôi rất vui khi các bạn trẻ đã nghĩ đến ngâm thơ Kiều, lẩy Kiều của cha ông xưa. Chính vì vậy, tôi tham gia để góp phần giữ lại bản sắc dân tộc, để mọi người hiểu thêm về Truyện Kiều, về những làn điệu dân gian mà cha ông ta xưa từng để lại”.

Với nguồn kinh phí chủ yếu là tự túc và thời gian có hạn, dự án Ngâm Kiều toàn tập đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm của những người nghệ sĩ luôn đau đáu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc trong đời sống hôm nay. Đồng thời góp phần lưu giữ, lan tỏa mạnh mẽ hơn hình thức ngâm Kiều, nhất là trong thế hệ trẻ. Bên cạnh phổ biến bản thu qua internet để nhiều người có thể tiếp cận, thưởng thức, nhạc sĩ Quang Long cũng cho biết dự định sẽ tổ chức những buổi trình diễn nhỏ trong không gian văn hóa thuần Việt như đình làng, phố cổ để ngâm Kiều, lẩy Kiều và tương tác với công chúng. 

 MINH HÀ; ảnh: VŨ MỪNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top