Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế : Cần được thực hiện dài hơi

Thứ Tư 14/04/2021 | 11:24 GMT+7

VHO- Sau 5 năm kể từ khi phê duyệt đề án Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, chỉ có 11 nhà vườn đã được hỗ trợ trùng tu, bảo tồn. Số lượng nhà vườn Huế đang xuống cấp hiện nay còn rất nhiều, cần sớm cứu vãn, song do vấn đề sở hữu, thừa kế cũng như nguồn định mức kinh phí hỗ trợ từng nhà chưa đủ so với thực tế nên nhiều gia đình e ngại…

 Phủ Đức Quốc công nằm trong danh mục đề án nhưng xin rút tên

Nhà vườn Huế được xem là di sản của vùng đất Cố đô với hệ thống các nhà thờ, phủ đệ rất lớn, nhiều công trình có giá trị kiến trúc. Hiện nay, UBND TP Huế đã có văn bản gửi các ngành và UBND tỉnh đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí trùng tu, bảo tồn cho các nhà vườn. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế cần được thực hiện dài hơi…

Thống kê của Phòng VHTT TP Huế cho thấy, hiện trên địa bàn TP còn 75 nhà vườn, trong đó có 25 nhà được đưa vào danh mục quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị theo đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Giai đoạn 2016- 2020, dự kiến có khoảng 15 nhà cần được trùng tu, trung bình mỗi năm cần trùng tu 3 nhà vườn. Khi triển khai đề án, một số gia đình đã từ chối tham gia và chỉ còn 18 nhà đăng ký. Đến nay, chỉ có 10 (trong số 18) nhà được hỗ trợ trùng tu theo đề án nói trên và 1 nhà vườn của bà Lê Thị Gái được hỗ trợ theo đề án cũ. Số lượng nhà vườn Huế đặc trưng được “cứu nguy” còn khá khiêm tốn.

Cũng trong giai đoạn này, UBND tỉnh đã cấp kinh phí hơn 9,36 tỉ đồng cho quỹ thực hiện đề án. Các nhà vườn trùng tu được hỗ trợ kinh phí từ gần 400 triệu đến 700 triệu đồng/nhà, tùy vào việc đánh giá xếp loại nhà vườn theo các tiêu chí đã ban hành. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí trùng tu, sửa chữa công trình nhà vườn, nguồn quỹ cũng dành kinh phí cho công tác chỉnh trang sân vườn, trang bị một số thiết bị phục vụ khách du lịch. Nhà vườn đặc trưng xứ Huế được xây dựng từ hàng trăm năm trước, trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung nên bị xuống cấp và hư hại nghiêm trọng. Công tác trùng tu tập trung chủ yếu vào việc thay thế, sửa chữa các cấu kiện gỗ đã hư hại (như đòn tay, rui, cột, kèo, xà đầu cột và ván liên ở mặt tiền…); thay ngói bằng ngói liệt; bổ, phục hồi hệ bờ nóc, bờ quyết mái, khu đầu hồi; tu bổ hệ cửa; chống mối cấu kiện gỗ…

Bên cạnh phần hỗ trợ tài chính theo quy định của đề án, với khả năng của mình, các chủ nhà vườn đã đóng góp thêm kinh phí để thực hiện một số hạng mục (không thuộc dự án) nhằm đáp ứng nhu cầu của gia đình và khai thác dịch vụ, như nhà vườn ông Hồ Văn Bình, ông Hồ Xuân Doanh, ông Lê Lương, ông Nguyễn Hữu Thông, phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn...

Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” thực sự đã hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế của di sản nhà vườn Huế đặc trưng. Qua đó, làm tiền đề để lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ những giá trị văn hóa Huế đặc trưng gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và thành phố Huế nói riêng.

Bên cạnh nhiều nhà vườn đặc trưng được trùng tu thì cũng có nhiều nhà vườn nổi tiếng xin rút khỏi danh sách tham gia đề án. Câu chuyện buồn này chủ yếu do liên quan đến yếu tố thừa kế, sở hữu và tình trạng xuống cấp quá trầm trọng ở một số nhà vườn là phủ đệ.

Phủ Đức Quốc công tại số 2 Kim Long, TP Huế là phủ thờ vợ chồng Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, được lập dưới thời vua Tự Đức, có giá trị lịch sử và kiến trúc rất độc đáo. Trải qua gần 200 năm, công trình đã bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng. Ông Phạm Đăng Thiêm, 79 tuổi hiện là người kế thừa và trông giữ phủ thờ Đức Quốc công cho biết, dù được nằm trong danh sách của đề án Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, nhưng gia đình đã buộc phải xin rút. Lý do mà ông Thiêm đưa ra chính là phủ được xếp loại 1 và được hỗ trợ kinh phí trùng tu 700 triệu đồng, song chừng đó không đủ để thực hiện bởi tình trạng xuống cấp, hư hại của phủ thờ rất nghiêm trọng.

“Phủ có diện tích hơn 3.000 m2, riêng diện tích sàn của nhà chính đã khoảng 500 m2. Chúng tôi có nhờ người có chuyên môn khảo sát, dự tính cũng phải có khoảng 3 tỉ mới trùng tu được. Tôi già yếu rồi, con cháu trong họ tộc ở nhiều nơi nên để huy động thêm được số tiền lớn như vậy không dễ dàng. Sợ đến khi hạ giải công trình rồi, ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi không đủ kinh phí đóng thêm thì công trình lại dở dang...”, ông Phạm Đăng Thiêm thông tin. Theo ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, các chính sách hỗ trợ hiện nay của đề án đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do tình hình thực tế kinh tế - xã hội sau 5 năm có nhiều thay đổi, một số nhóm chính sách để không còn phù hợp với thực tế hoặc không thể áp dụng. Nếu tiếp tục thực hiện đề án trong giai đoạn tiếp theo, cần bổ sung thêm một số chính sách và điều chỉnh một số chính sách để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là chính sách hỗ trợ trùng tu nhà chính; hỗ trợ kinh doanh dịch vụ du lịch; chính sách quản lý quy hoạch - kiến trúc và xây dựng; chính sách quản lý đất đai...

UBND TP Huế đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình HĐND tỉnh nâng mức hỗ trợ trùng tu để phù hợp với tình hình vật giá hiện nay. Cụ thể, kinh phí hỗ trợ trùng tu nhà vườn Huế đặc trưng xếp loại 1 là 1 tỉ đồng, loại 2 là 800 triệu, loại 3 là 600 triệu; riêng nhà vườn đã được công nhận là di tích cấp tỉnh trở lên là 2 tỉ đồng. 

SƠN THÙY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top