Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nỗi lo​​​​​​​ tăng học phí

Thứ Tư 21/04/2021 | 10:34 GMT+7

VHO- Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định mới quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

 Học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội

 Tuy nhiên, Dự thảo mới nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đa phần đều lo lắng không thể theo học một số trường như dự định nếu mức học phí vượt quá khả năng tài chính của các gia đình. Bộ GD&ĐT đã chính thức có thông tin trả lời về vấn đề này.

Mức học phí mới sẽ tăng đáng kể

Nghị định mới nếu được thông qua sẽ chia học phí thành 4 mức gắn với mức độ tự chủ và học phí trần. Cụ thể, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước là từ 1,25-2,45 triệu đồng/tháng. Các cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước (tự chủ mức 1), mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí được quy định. Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước (tự chủ mức 2), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí. Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và được tự chủ, đạt kiểm định chương trình đào tạo trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc kiểm định chất lượng quốc tế (tự chủ mức 3), được tự xác định học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan chủ quản phê duyệt. Như vậy, với dự thảo học phí này, mức học phí của sinh viên sẽ tăng mạnh, đạt mức trung bình đến hàng trăm triệu đồng ở mức tự chủ thứ 3.

Đáng chú ý, mặc dù Nghị định mới đang trong giai đoạn công bố lấy ý kiến nhưng nhiều trường ĐH đã thông báo kế hoạch sửa đổi mức học phí. Theo đó, hầu hết học phí của các trường được điều chỉnh theo hướng tăng khiến dư luận bất ngờ, lo lắng, đặc biệt là phụ huynh và HSSV. Trong đó có trường thuộc khối ngành sức khỏe có mức học phí dự kiến lên tới 220 triệu/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, để tính học phí thì cần dựa vào chi phí đào tạo một sinh viên, nhưng hiện không có cơ quan nào hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH về cách tính. Trong thời điểm mới áp dụng tự chủ học phí, việc một số trường tùy tiện đưa ra mức học phí là khó tránh khỏi. Chưa kể, việc tăng học phí liệu có tương ứng với chất lượng các chương trình dạy và học hay không hiện là câu hỏi còn bỏ ngỏ khiến dư luận băn khoăn là điều dễ hiểu.

Bộ GD&ĐT lên tiếng

Trước nhiều ý kiến lo lắng không thể theo học một số trường như dự định vì mức học phí vượt quá khả năng tài chính của các gia đình, Bộ GD&ĐT cho biết, các quy định về học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực khi năm học 2020-2021 kết thúc. Bộ GD&ĐT đã phối hợp các Bộ, ngành, lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, các cơ sở GD&ĐT trên cả nước để hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86. Tại dự thảo nghị định thay thế, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh. Đồng thời, tất cả các cơ sở giáo dục phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ khác cho cả lộ trình, khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục theo quy định.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện đổi mới thí điểm cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP thực hiện theo Đề án thí điểm cơ chế hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho từng cơ sở giáo dục đại học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Nghị định số 86, Chính phủ chỉ quy định khung học phí, còn mức thu học phí cụ thể từng năm do HĐND cấp tỉnh quy định cho từng khu vực, phù hợp với điều kiện thực tế của các vùng miền và mức tăng học phí hằng năm căn cứ theo chỉ số giá tiêu dùng do Nhà nước công bố. Về mức thu học phí của các cơ sở giáo dục ngoài dân lập, tư thục thì theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, không quy định khung, mức trần học phí…

Cũng theo Bộ GD&ĐT, dự thảo Nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục. Ngoài chính sách mới, các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP vẫn được giữ nguyên cho giai đoạn từ năm học 2021-2022 về sau. Đồng thời, thời gian gần đây Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, tăng cường trách nhiệm giải trình trước người học về các mức thu. Bộ cũng đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát những khoản thu, chi, lộ trình tăng học phí (nếu có) đảm bảo đúng định mức kinh tế - kỹ thuật tại Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT và các quy định hiện hành; xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý học phí theo Nghị định 127/2018/NĐ-CP.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã giải thích khá rõ ràng như vậy nhưng theo nhiều vị phụ huynh, việc tăng học phí dù chưa thực hiện trong năm học tới nhưng chắc chắn sẽ tăng trong những năm tiếp theo nếu Nghị định mới được phê duyệt. Vấn đề ở chỗ việc tăng học phí cần có lộ trình, minh bạch hóa và việc tăng học phí phải tương xứng với chất lượng đào tạo.

 QUỐC HÙNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top