Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Covid-19 làm gia tăng phân cực giàu nghèo

Thứ Hai 03/05/2021 | 08:33 GMT+7

VHO- Trong khi những người nghèo chịu tác động nặng nề nhất từ Covid-19 và phải mất cả chục năm mới có thể phục hồi được, thì những người giàu nhất thế giới vẫn tiếp tục gia tăng khối tài sản khổng lồ.

 Gia tăng bất bình đẳng kinh tế - xã hội vì Covid-19 Ảnh: FT

Các chuyên gia cảnh báo, đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng tại các quốc gia và nếu không được giải quyết thì có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Gia tăng bất bình đẳng

Theo Ngân hàng thế giới (WB), khoảng hơn 100 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực và phải mất hơn một thập kỷ thế giới mới có thể kéo giảm số người nghèo trở về mức trước khi xảy ra đại dịch. Trong khi giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9.2020, tài sản tích lũy của các tỉ phú thế giới đã tăng thêm 3.900 tỉ USD. Riêng tài sản ròng của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng thêm tới 540 tỉ USD, số tiền đủ để không ai phải rơi vào cảnh nghèo đói do đại dịch và cũng đủ để chi trả mua vắcxin ngừa Covid-19 cho tất cả mọi người trên thế giới. Bên cạnh đó, tổ chức từ thiện Oxfam cũng chỉ ra, đại dịch giúp tăng khối tài sản cho nhóm người giàu nhất thế giới, song lại khiến những người nghèo nhất phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi. Theo Oxfam, 1.000 người giàu nhất thế giới đã bù đắp được thua lỗ do Covid-19 chỉ trong 9 tháng, nhưng với những người nghèo nhất có thể phải mất hơn 10 năm mới có thể phục hồi.

Báo cáo về Covid-19 và phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng cho thấy sự chênh lệch lớn trong khả năng ứng phó dịch bệnh giữa các nước giàu và các nước nghèo. Theo đó, các quốc gia phát triển và có chỉ số phát triển con người (HDI) cao thì có trung bình 55 giường bệnh, hơn 30 bác sĩ, 81 y tá cho mỗi 10.000 người, trong khi con số này tại các quốc gia kém phát triển chỉ có trung bình 7 giường bệnh, 2,5 bác sĩ và 6 y tá. Không chỉ vậy, trước thực trạng trường học đóng cửa và chênh lệch trong khả năng học trực tuyến, UNDP ước tính có khoảng 86% số trẻ em tiểu học ở các quốc gia có HDI thấp không được tiếp cận giáo dục, còn ở các quốc gia có HDI cao thì con số này là 20%.

Giải pháp thu hẹp khoảng cách

Theo nhận định của Cơ quan các vấn đề kinh tế xã hội (DESA) của Liên Hợp Quốc, Covid-19 đang làm suy yếu nghiêm trọng các nỗ lực toàn cầu nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. Bởi vậy, sự phối hợp giữa các quốc gia là cần thiết để ứng phó với hệ quả trước mắt và phục hồi dài hạn. Trong đó, việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng cần được ưu tiên hàng đầu, bởi điều này không chỉ giúp người dân thoát nghèo và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia, mà còn tạo ra năng lực chống đỡ những cú sốc như đại dịch này. Đồng quan điểm với DESA, tổ chức Oxfam cho rằng, kinh tế công bằng hơn chính là chìa khóa để kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Oxfam cũng kêu gọi đánh thuế cao hơn đối với tài sản của người giàu và các tập đoàn, đồng thời, áp dụng các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với người lao động.

Trước tình trạng phân cực rõ rệt trong xã hội, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi tăng thuế đối với những người giàu nhất, xóa bỏ khoảng cách cũng như hiện đại hóa chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các nước tạo nguồn thu để đầu tư cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chương trình tiêm chủng và tìm kiếm việc làm. Theo IMF, chính phủ các nước có thể cân nhắc kêu gọi những gia đình có thu nhập cao, đóng góp cho quỹ tạm thời để khôi phục sau đại dịch. Và việc sử dụng nguồn quỹ này cho các chương trình an sinh xã hội quan trọng có thể tạo ra tác động mạnh, khi có tới 6 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển và mới nổi có nguy cơ phải bỏ học trong năm 2021.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva gợi ý 4 ưu tiên nhằm ngăn tổn thất lâu dài về kinh tế và xã hội tại những quốc gia nghèo. Cụ thể, các chính phủ cần ưu tiên y tế để đẩy lùi dịch bệnh, với trọng tâm là người già và những người dễ bị tổn thương nhất. Đồng thời, ngân sách cần được phân bổ tập trung cho các lĩnh vực then chốt. Thêm nữa, các nước cần chuẩn bị cho tương lai bằng cách xem xét chuyển đổi sang các nền kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường ứng dụng kỹ thuật số. Các nước giàu cũng cần tăng cường các nguồn viện trợ bằng hình thức trợ cấp, cho vay ưu đãi và xóa nợ.

Rõ ràng, tình trạng bất bình đẳng ngày càng nới rộng đang trở thành thách thức lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia. Và bài toán thu hẹp khoảng cách phân cực giàu - nghèo cần phải được các nước chú trọng giải quyết song hành cùng với cuộc chiến đẩy lùi Covid-19. 

 HẢI MINH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top