Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Để thể thao trở thành con gà đẻ trứng vàng (Bài 2): Bản quyền truyền hình V.League chưa bằng 1% so với Thai League

Thứ Tư 19/05/2021 | 09:22 GMT+7

VHO- Thể thao là “con gà đẻ trứng vàng” ở các nước phát triển nhưng còn nhiều hạn chế ở Việt Nam. Ngay cả bóng đá vốn được coi là môn thể thao vua nhưng cũng chưa thể tự nuôi sống mình, nhất là ở các CLB bóng đá chuyên nghiệp.

Bản quyền truyền hình của V.League chưa bằng 1% so với Thai League Ảnh: TUẤN TÚ

 Mới đóng góp khoảng 10 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước mỗi năm

Theo báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động kinh tế thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã có nguồn thu tăng dần hằng năm trong giai đoạn vừa qua. Năm 2009, nguồn thu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là 73 tỉ đồng, đến năm 2011 đạt trên 150 tỉ đồng và năm 2019 đạt trên 244 tỉ đồng. Trung bình mỗi năm, VFF đóng góp khoảng 10 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Từ năm 2012 công ty Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hằng năm có doanh thu từ giá trị thương quyền của giải thi đấu tới 70-100 tỉ đồng. Chỉ riêng tiền đầu tư và tài trợ của các doanh nghiệp cho 14 câu lạc bộ bóng đá dự V.League đã lên tới trên 500 tỉ đồng.

Về thị trường quảng cáo, tài trợ thể thao, tuy có sự phát triển khá nhanh trong những năm qua, song có thể đánh giá quy mô thị trường này trong hoạt động thể thao ở nước ta còn nhỏ bé so với tiềm năng. Hiện trong số hơn 30 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia đang hoạt động, chỉ có 9 liên đoàn là có nguồn thu trên 1 tỉ đồng từ hoạt động tài trợ, quảng cáo trong năm 2017, trong đó thu cao nhất vẫn là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Năm 2019, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ký được hợp đồng tài trợ của hầu hết các giải bóng đá trong hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia, kể cả các giải trước đây khó khăn trong việc tìm tài trợ, như các giải bóng đá trẻ U15, U17, các giải hạng Nhì và giải bóng đá nữ quốc gia. Thế nhưng, các hợp đồng tài trợ bóng đá có giá trị tài trợ lớn vẫn chủ yếu thuộc về đội tuyển bóng đá nam quốc gia và đội tuyển bóng đá U23 nam.

Đấy là ở bình diện VFF và các đội tuyển quốc gia, còn ở cấp CLB việc kiếm tiền để nuôi được đội bóng luôn là bài toán nan giải. Thực tế cho thấy hầu hết các đội ở V.League hiện nay đều đang sống bằng hầu bao của các ông bầu và chưa có khả năng tự nuôi sống được mình. Đơn cử như CLB mạnh hàng đầu V.League hiện nay là CLB Hà Nội, sở hữu dàn sao khủng, có thương hiệu nhất, làm truyền thông tốt nhưng CLB này vẫn không thể tự sống bằng nguồn quảng cáo hay bán vé. Dàn sao của đội bóng như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng… đều sở hữu cả triệu followers (người theo dõi) trên mạng xã hội Facebook nhưng vẫn chưa đủ sức hút với các nhà quảng cáo. Đội bóng Thủ đô vẫn đang sống bằng hầu bao của bầu Hiển. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay việc phải đảm bảo mức kinh phí tối thiểu là 35 tỉ đồng/mùa theo quy định đã là khó khăn chứ chưa nói đến hàng trăm khoản chi khác để duy trì đội bóng.

Còn nhiều hạn chế

CLB Hà Nội dù sở hữu dàn sao nổi tiếng như Quang Hải nhưng cũng chưa giải bài toán tự nuôi được mình. Ảnh: VPF

Vấn đề nêu trên cho thấy, với môn thể thao vua có sức hấp dẫn nhất là bóng đá, việc tự tìm được nguồn thu để nuôi sống mình đã rất khó khăn, chứ chưa nói gì đến các môn khác. Trên tổng thể chung, nhiều chuyên gia cho rằng trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong những năm gần đây, kinh tế thể thao ở nước ta đã hình thành, đang phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh, Trường Đại học Hoa Sen TP.HCM ở nước ta hiện nay kinh tế thể thao còn chưa được xem là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế sự phát triển của kinh tế thể thao còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo các chuyên gia, do thị trường kinh tế thể thao ở nước ta còn sơ khai, chưa hoàn thiện, căn cứ thực trạng các loại hình hoạt động kinh doanh, dịch vụ thể thao ở nước ta, có thể tạm phân loại thị trường kinh tế thể thao thành 7 phân đoạn thị trường. Đó là thị trường sản xuất, kinh doanh hàng hóa, trang thiết bị thể thao; Thị trường xây dựng các công trình thể thao; Thị trường bán vé và tổ chức sự kiện thể thao; Thị trường quảng cáo, tài trợ trong lĩnh vực thể thao; Thị trường bản quyền truyền hình về thể thao; Thị trường thể thao chuyên nghiệp; Thị trường dịch vụ thể thao (bao gồm cả dịch vụ đặt cược thể thao).

Trong 7 phân đoạn thị trường kinh tế thể thao, thị trường bản quyền trong thể thao thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong bối cảnh bùng nổ về truyền hình và truyền thông đa phương tiện, xu thế chung của thế giới hiện nay là bản quyền truyền hình sẽ đóng vai trò là nguồn thu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp thể thao. Tuy nhiên, ở nước ta thì nguồn thu từ bản quyền truyền hình còn thấp, bởi nhiều lý do khác nhau. Năm 2018, trong khi V.League thu tiền bản quyền truyền hình, ước tính khoảng 1 tỉ đồng, thì Giải VĐQG Malaysia ước tính thu tương đương khoảng 490 tỉ đồng/năm; Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J League) thu 172 triệu USD/năm.

Trước đây bóng đá Việt Nam luôn đặt câu hỏi bao giờ thì chúng ta mới vượt qua được người Thái? Về góc độ chuyên môn việc đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2018 và hàng loạt danh hiệu khác, đã là một câu trả lời đầy thuyết phục. Thế nhưng trong lĩnh vực bản quyền, chúng ta lại một lần nữa bị người Thái bỏ xa. Theo Bangkok Post, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan đã bán được bản quyền truyền hình trong 3 năm, từ năm 2018-2020 với kênh True Visions với giá là 1,2 tỉ baht/mùa (tương đương với trên 882 tỉ đồng). Trong khi đó theo một nguồn tin, bản quyền truyền hình của V.League trong năm vừa qua chỉ là hơn 3 tỉ đồng, chưa bằng 1% so với Thai League. Đáng chú ý, sau khi hết hạn với True Visions vào tháng 10.2020, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan cũng đã hoàn thành quá trình đấu thầu bản quyền truyền hình với Zense Entertainment Co, với bản hợp đồng có thời hạn từ năm 2021- 2028 bao gồm bản quyền của Thai League, Cúp FA và Cúp Liên đoàn với giá đề nghị trả 1,5 tỉ baht/mùa (trên 1.103 tỉ đồng).

Như vậy việc thu từ việc bán bản quyền truyền hình bóng đá trong nước là khá thấp, nhưng có một nghịch lý là chúng ta phải chi một khoản tiền khá lớn để mua bản quyền truyền hình trực tiếp đối với một số trận đấu có đội tuyển bóng đá quốc gia hoặc đội tuyển U23 thi đấu tại nước ngoài. Hiện ngoài bóng đá, mới chỉ có bóng chuyền là thu được bản quyền truyền hình từ các giải vô địch quốc gia, cúp quốc gia. Những ví dụ trên cho thấy sự phát triển của kinh tế thể thao ở nước ta còn nhiều hạn chế, nhất là khi đây chưa được coi là một ngành kinh tế để có những chính sách “cởi trói” tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. 

 Bài 3: Việc quản lý đối với kinh doanh TDTT còn nhiều bất cập

 THU SÂM

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top