Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Hiến kế giảm nhiệt cho trang phục phòng dịch

Thứ Tư 02/06/2021 | 11:42 GMT+7

VHO- Những ngày này, nền nhiệt của một số tỉnh ở miền Bắc trong đó có Bắc Giang, Bắc Ninh lên đến 40 độ, người dân theo dõi tình hình dịch bệnh không khỏi xót xa và vô cùng cảm phục đội ngũ y bác sĩ phải mặc bộ trang phục chống dịch hàng giờ liền.

 Mặc cho nắng nóng tới 39-40 độ C, làm việc đến kiệt sức nhưng nhân viên y tế một lòng quyết tâm nhanh chóng dập dịch

Nhưng với những người chiến sĩ áo trắng, khó khăn cũng không làm họ nản lòng, chỉ có một quyết tâm còn “nóng” hơn cả thời tiết là nhanh chóng dập được dịch.

“Mới choáng thôi chứ chưa ngất”

Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6, lực lượng cán bộ y tế hằng ngày phải vật lộn với khối lượng công việc khổng lồ dưới cái nắng nóng như thiêu đốt lại trong trang phục bảo hộ kín mít, dẫn đến nhiều trường hợp sốc nhiệt, kiệt sức. Thế nhưng, dường như càng khó khăn thì ý chí của cán bộ, nhân viên y tế lại càng quật cường, không lời kêu than, chỉ mong dịch nhanh chóng được kiểm soát.

Một nhân viên y tế làm nhiệm vụ truy vết, đón F1 về địa điểm cách ly tập trung tại Bắc Giang chia sẻ: “Bất kể ngày đêm, trưa hay tối, cứ có thông tin F1 là chúng tôi lại lên đường, có hôm còn làm xuyên đêm. Lắm lúc đón một người nhưng phải chờ đợi 2 tiếng mới đón được, mặc quần áo phòng dịch này khó khăn, dù vậy chúng tôi không bao giờ bỏ về”. Hiện có hơn 2.700 cán bộ, nhân viên y tế khắp cả nước đang có mặt ở Bắc Giang để hỗ trợ địa phương này kiểm soát dịch bệnh. Đoàn y tế của Quảng Ninh là một trong những đoàn có mặt sớm nhất và đến nay đã quá nửa tháng. BSCKII Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí), Trưởng đoàn bày tỏ: “Thực sự, giữa mùa hè nóng bức, khoác trên mình đồ bảo hộ kín mít và chỉ nhìn thấy nhau qua ánh mắt. Nhưng cái nắng cái nóng của Bắc Giang cũng không làm khó được tinh thần cả đội. Hiện tại, đội bố trí thời gian triển khai công việc từ sáng sớm đến trưa nắng nóng sẽ nghỉ và chiều tối tiếp tục, có khi làm đến đêm”.

Theo chia sẻ của bác sĩ Ngọc Điệp, trong những ngày đầu đến Bắc Giang, đoàn được phân công hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân KCN Quang Châu và Vân Trung. Khi KCN đóng cửa, cả đội chuyển sang hỗ trợ lấy mẫu trong cộng đồng. Mới đầu đoàn làm PCR gộp, sau PCR đơn rồi test nhanh đều bám theo đúng kỹ thuật được GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn. Hiện đoàn hỗ trợ cho huyện Việt Yên lấy 15.000 mẫu/ngày. Theo chị, trở ngại lớn nhất hiện nay chính là thời tiết quá nóng bức và nhân viên phải mặc bộ phòng dịch để làm việc, tuy vậy chị vẫn luôn nhìn điều đó dưới một góc độ lạc quan: “Mặc những bộ này, các thành viên Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí mới choáng chứ may chưa ngất”, nữ Trưởng đoàn nói.

Đánh giá cao tinh thần cống hiến, tận tuỵ và chuyên nghiệp của tất cả những “chiến sĩ” áo trắng, Tổng chỉ huy Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Giang, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn luôn lo lắng cho sức khỏe của nhân viên. Đây cũng chính là quan ngại của Bộ Y tế đối với những nhân viên y tế làm việc trực tiếp ngoài cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của sinh viên các trường Y, dược. “Bộ đã chỉ đạo các đoàn công tác phải đảm bảo về mặt sức khỏe cho thành viên, bồi dưỡng về dinh dưỡng và một số nước uống sẵn sàng để các em nâng cao sức khỏe. Bộ cũng yêu cầu các đoàn lấy mẫu từ sáng sớm đến 9h và chiều từ 7h đến 11h đêm. Bên cạnh đó, các điểm lấy mẫu cũng phải được bố trí ở các vùng râm mát, có thông khí và có quạt; buổi tối đầy đủ ánh sáng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu

Trước thực trạng thời tiết khắc nghiệt, kéo dài sẽ nhanh chóng ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần của nhân viên y tế, nhiều ý kiến được đưa ra để cải tạo bộ quần áo phòng dịch kín mít trong mùa hè nóng nực này. Ý kiến mang tính cá nhân của các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, cơ quan chức năng nên cân nhắc chỉ cần trang bị khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay và “tạp dề” cho nhân viên y tế. Ngoài ra, bố trí khu vực lấy mẫu ở nơi thoáng mát (ngoài trời) và phía sau nhân viên y tế là một chiếc quạt công nghiệp thổi hết tốc lực, cách làm này có thể giúp tránh được lả nhiệt hoặc say nóng nhưng vẫn có thể phòng và chống lây nhiễm được.

Nếu phối hợp phun khử khuẩn thường xuyên nơi lấy mẫu thì hiệu quả phòng bệnh sẽ cao hơn. Tuy nhiên ý kiến này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần đầu tư, nghiên cứu một loại áo có chất liệu làm mát, giảm nhiệt phía trong bộ bảo hộ để tránh sốc nhiệt cho nhân viên y tế… Trước những “kế sách” này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, tiêu chí an toàn cho người đi lấy mẫu phải đặt lên hàng đầu và từ trước đến giờ, tất cả nhân viên đều mặc trang phục bảo hộ phòng dịch. “Chúng tôi sẽ lưu ý và nghiên cứu, nhưng trong tình hình hiện nay, nếu bỏ bộ trang phục phòng dịch thì mất vũ khí bảo vệ cho nhân viên lấy mẫu, xét nghiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị Viện Vệ sinh lao động nghiên cứu các giải pháp trong vấn đề này. Hiện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã có một số giải pháp. Khả thi nhất là giải pháp thông gió cá nhân sử dụng quạt đeo giúp không khí đối lưu trong khi mặc đồ bảo hộ để giảm nóng hay khó chịu. Viện đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đánh giá xong, sau khi kêu gọi được nhà tài trợ và sản xuất, sản phẩm có thể đưa vào sử dụng”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

PHƯƠNG THẢO – TUẤN DŨNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top