Giải thưởng âm nhạc đang mất dần “vị” riêng

VHO- Các giải thưởng âm nhạc đang bắt đầu vào mùa với việc Làn sóng xanh mở màn sớm bằng sự công bố những hạng mục được đề cử. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách và tiêu chí của giải thưởng này có thể thấy sự “bão hòa” giải thưởng âm nhạc.

Giải thưởng âm nhạc đang mất dần “vị” riêng - Anh 1

 Khi giải thưởng dựa vào lượt view để làm thước đo nghệ thuật là tự đánh mất "vị" riêng của mình

Nếu như trước đây, mỗi giải thưởng đều có “vị” riêng của mình thì nay các giải thưởng mới cũ gần như na ná nhau.

Liệu có công bằng

Từ những ngày đầu, Làn sóng xanh tạo “làn sóng” hâm mộ cuồng nhiệt với thể loại nhạc trẻ từ cuối thập niên 90, tạo dấu ấn của các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Lam Trường, Đan Trường, Mỹ Tâm, Cẩm Ly... Giải thưởng được coi là bảng đo các ca khúc và ca sĩ được yêu thích nhất trên sóng phát thanh “Zing Music award” là thước đo lượt nghe nhạc trực tuyến. Gần đây có một số giải thưởng như POPS Awards, Keeng Young Adwards cũng với những tiêu chí na ná nhau.

Đáng nói là, sau 20 năm duy trì giải thưởng, Làn sóng xanh đã phải thay đổi để thức thời trong thời đại 4.0. Số lượng người tham gia trong hội đồng bình chọn lên đến 250 thành viên nhằm đảm bảo tính công bằng. Thế nhưng, hội đồng này cũng đứng sau lượt bình chọn của khán giả, tức là dựa vào lượt view ảo. Mà ở thời nay, lượt nghe, xem hay lượt like vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi vì số triệu view chưa nói lên được điều gì. Ngay cả những cái tên như Sơn Tùng và ca khúc Chạy ngay đi có mặt trong 2 đề cử: “Ca khúc của năm” và “Bài hát hiện tượng” cũng sẽ tương tự. Nếu dựa vào lượt nghe, xem thì đúng là Sơn Tùng M-TP hoàn toàn có thể xuất hiện trong danh sách này. Còn bàn về chất lượng lại là vấn đề khác.

Một ca khúc tiếng Việt nhưng để nghe rõ lời, nội dung bài hát ra sao cũng là cả một vấn đề đáng nói. Thế nhưng Sơn Tùng lại có lượng fan hùng hậu, mỗi khi có ca khúc mới thì cuộc chiến cày view cho thần tượng là điều mà ai cũng biết. Con số chục triệu view là không bất ngờ.

Thị trường âm nhạc những năm gần đây xuất hiện rất nhiều ca sĩ, bài hát, MV ra đời với những thứ na ná nhau. Âm nhạc thiếu sáng tạo, bị sa đà vào những ca khúc với ca từ dễ dãi, thiếu chiều sâu hay đánh bóng bề nổi. Và lượt nghe, xem của khán giả cũng là ảo thì giải thưởng dựa vào điều này để để cử liệu có công bằng?

Sụt giá âm nhạc

Những bài hát xuất hiện với những cái tên gây tranh cãi như Chạy ngay đi; Hong Kong1... nghiễm nhiên vào danh sách đề cử khiến nhiều người chưng hửng. Rõ ràng một giải thưởng như Làn sóng xanh sau nhiều năm cũng muốn trụ lại thì nay cũng phải “giảm giá” để thích ứng với thị trường. Nhiều giải thưởng hay cuộc thi âm nhạc hiện nay dựa vào khán giả. Thế nhưng trong số những “thước đo” này không phải lúc nào cũng chính xác, nhất là trong bối cảnh cuộc đua cày view. Ai nhiều fan thì có khả năng giành chiến thắng áp đảo và nếu lấy đó làm thước đo nghệ thuật, liệu có bị khiên cưỡng?

Chính vì điều này mà nhiều cái tên trong danh sách để cử của các giải thưởng dễ gây ra tranh cãi khi mà yếu tố thị trường lên ngôi, nghệ thuật vẫn bị xếp sân sau thì đòi hỏi những giá trị lớn lao là khó. Một nhạc sĩ kể rằng, anh được mời làm chủ tịch hội đồng giám khảo một giải thưởng âm nhạc trực tuyến. Thế nhưng khi thấy một ca khúc thảm họa như “Da nâu” của Phi Thanh Vân trong danh sách đề cử vì có lượt view cao, vị giám khảo này đã một mực từ chối và không chịu chấm nếu không loại ca khúc thảm họa này ra khỏi danh sách. Và anh cũng từ chối làm giám khảo giải thưởng này những năm sau đó. Nói điều này để thấy, lượt view không thể quyết định nghệ thuật. Và trong thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, nếu có sự thỏa hiệp để có những gương mặt “hot” ảo trong giải thưởng thì chừng ấy giải thưởng đang đánh mất “vị riêng” của mình. Dẫn đến hiện tượng, một ca sĩ ẵm cùng lúc nhiều giải thưởng giống nhau trong một năm.

Cũng dễ hiểu khi nhiều người đặt vấn đề có vẻ như giải thưởng âm nhạc ngày càng mang yếu tố thương mại hơn là thước đo giá trị của âm nhạc...

 MAI LINH

Ý kiến bạn đọc