Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Âm nhạc thời hội nhập: Chấp nhận sự khác biệt

Thứ Hai 15/01/2018 | 09:45 GMT+7

VH-  Nếu cần nói vài từ ngắn gọn về âm nhạc Việt Nam đầu thế kỷ XXI, có lẽ tôi sẽ chọn: chuyển biến, nhập cuộc, kết nối và đa dạng. Và, sự khác biệt đang tạo nên tốc độ phát triển cho âm nhạc.

 Đêm nhạc Lam Phương “Mùa thu yêu thương” của Nhà hát Tuổi Trẻ; ảnh minh họa

 Chuyển biến về thẩm mỹ nghe nhìn

Thực ra chuyển biến, nhập cuộc và kết nối không phải “độc quyền” của thời hiện tại. Bản chất của âm nhạc xưa nay vẫn là kết nối và các nhạc sĩ thời nào cũng luôn hết mình trong tinh thần nhập cuộc. Còn chuyển biến thì từ mốc “mở cửa” năm 1986 đã bắt đầu cuộc đổi mới tư duy trong đời sống văn học nghệ thuật. Cũng vào cuối thế kỷ XX còn có cuộc chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường và cuộc cách mạng kỹ thuật với các cơn lốc công nghệ điện tử (nhạc cụ, thiết bị âm thanh) và công nghệ thông tin (máy tính, internet). Những chuyển biến ấy đã và vẫn đang tác động dữ dội vào mọi hoạt động âm nhạc, từ sáng tác và biểu diễn đến đào tạo và thưởng thức.

Điều khác biệt nhất trong giai đoạn này là ở chỗ: ba yếu tố đầu - chuyển biến, nhập cuộc, kết nối - đều đi tới mối quan hệ tương tác với yếu tố cuối: tính đa dạng. Sáng tạo nghệ thuật không còn bị chi phối hoàn toàn bởi mục tiêu chính trị, tuyên truyền chính sách nhất thời. Âm nhạc không còn chỉ đóng khung trong giới hạn giáo dục, tuyên truyền, cổ động như trước đây. Chức năng nguyên thủy của âm nhạc là giải trí được chấp nhận sau nhiều thập niên bị hạn chế, thậm chí bị phủ nhận. Âm nhạc ngày nay có đủ loại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của các đối tượng khác nhau, không chỉ số đông, mà cả số ít nữa. Đề tài nội dung phong phú chưa từng thấy, không còn nhất nhất chỉ ngợi ca cái lớn lao, cao cả; bên cái Chung còn có cái Riêng, ngoài cái Ta còn có cái Tôi. Nở rộ nhất là chủ đề tình yêu đôi lứa với đủ trạng thái và các lứa tuổi (kể cả tuổi học trò), cứ như bù đắp lại tình trạng thiếu hụt sau nhiều thập niên bị kìm nén. Sáng tác mới chưa thỏa thì dùng lại tình khúc cũ. Nhiều bài hát trữ tình lãng mạn trước đây không được sử dụng, thậm chí bị cấm, đã xuất hiện trở lại. Trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn bắt gặp các cụm từ “dòng nhạc xưa”, “dòng nhạc bolero” (thực chất là những ca khúc lãng mạn trước năm 1954, những ca khúc trữ tình trước 1975, loại nhạc bình dân với cái tên thông tục quen tai là nhạc sến...). Ngoài ra còn có những chủ đề trước đây rất ít hoặc chưa hề khai thác, phản ánh những hiện tượng xã hội đương thời, như nạn đô thị hóa nông thôn, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chống thuốc lá và tệ nạn xã hội, gia cảnh bố mẹ ly dị; hoặc thương cảm những mảnh đời kém may mắn, như trẻ tự kỷ, trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ, người phụ nữ vô sinh, người lính sau chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam…

Sự vào cuộc không phải chỉ là hòa nhập vào đời sống xã hội hiện tại, mà còn biểu hiện ở xu hướng hội nhập thế giới. Việc tiếp nhận cái mới từ thế giới bên ngoài và những thử nghiệm táo bạo của giới trẻ dù chưa phải lúc nào cũng đủ sức thuyết phục, nhưng đã bày tỏ được khát vọng nhập cuộc với thời đại. Internet mở ra không gian rộng lớn cho giới nhạc tiếp xúc, học hỏi, quảng bá tác phẩm. Chưa bao giờ các nhạc sĩ có nhiều lựa chọn trong hình thức âm nhạc và ngôn ngữ biểu hiện đến vậy. Được tiếp cận với các trào lưu âm nhạc thế giới, các tác giả - đặc biệt thế hệ trẻ - có điều kiện thể hiện mình qua những phương thức biểu hiện mới mẻ, trong mảng nhạc giải trí phổ thông là pop, rock, jazz, soul, R&B, techno, acoustic, hip-hop, rap, dance… còn lĩnh vực khí nhạc chuyên nghiệp là những yếu tố hiện đại, hậu hiện đại, nhạc đương đại, nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm, nghệ thuật sắp đặt…

 Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN đang tập chương trình

Âm nhạc mở cửa ra thế giới

Nói đến xu thế hội nhập quốc tế cần nhắc tới sự kiện đặc biệt của giới nhạc chuyên nghiệp: Festival nhạc mới Á - Âu do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức vào hai năm 2014 và 2016. Hội tụ hàng trăm nhạc sĩ từ các châu lục Á - Âu - Mỹ, Festival là sự kiện lớn chưa từng có trong đời sống âm nhạc Việt Nam với hàng chục chương trình hòa nhạc giao hưởng thính phòng giới thiệu tác phẩm mới của các tác giả quốc tế cho công chúng Việt Nam, đồng thời quảng bá khí nhạc Việt Nam với đồng nghiệp quốc tế. Ngoài ra còn có các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm làm nghề giữa các nhạc sĩ. Bữa đại tiệc âm nhạc này có ý nghĩa rất thiết thực, tạo cơ hội cho giới nhạc chuyên nghiệp cập nhật âm nhạc thế giới và hiểu rõ hơn ta đang ở đâu so với mặt bằng khí nhạc toàn cầu.

Tiếp cận với thế giới bên ngoài đem lại nhiều trải nghiệm thú vị, nhưng cũng lắm băn khoăn và ngỡ ngàng, nhất là trước những thử nghiệm của các tác giả trẻ. “Ô, vừa hết một tác phẩm đấy à? Thế mà nãy giờ cứ ngỡ họ vẫn đang lên dây đàn, lại lấy làm lạ lên dây gì mà mãi chả xong!” - không ít khán giả ớ ra như thế sau tiết mục của các nghệ sĩ trẻ thuộc Viện Âm nhạc Mỹ. Cũng không ít người trong giới nhạc, nhất là thế hệ lớn tuổi thấy đêm nhạc của tác giả trẻ Việt Nam dễ hiểu và dễ cảm hơn nhờ tính giai điệu và chất liệu âm nhạc gần với nhạc cổ truyền của ta. Phải chăng đấy là một phản ứng như ta vẫn tự khen mình “tiếp nhận có chọn lọc” và “hòa nhập mà không hòa tan”?

Xu hướng hội nhập luôn khích lệ tinh thần về nguồn và ý thức dân tộc. Trong lĩnh vực nhạc cổ đã có sự chuyển biến lớn trong quan điểm, xóa bỏ dần những định kiến sai lầm. Nhiều tinh hoa cổ truyền từng bị phê phán cổ hủ, lạc hậu, thiếu tính chiến đấu, thiếu tính thời đại đã được “phục hồi danh dự”, một số thể loại đã được làm hồ sơ đệ trình UNESCO xét duyệt vào danh sách di sản thế giới. Từ hai quan niệm cực đoan trong quá khứ hoặc chỉ bảo tồn - phát huy cái gốc hoặc chỉ kế thừa - phát triển vốn cổ, dần dần giới nhạc cũng ý thức được rằng hai phương thức đó phải thực hành song song chứ không thể thay thế nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả những người trong cuộc đều thấu hiểu những yêu cầu cần khắc cốt ghi tâm đó. Vì thế vẫn luôn xảy ra hiện tượng lẫn lộn giá trị thực giả trong việc bảo tồn vốn cổ, nhất là với những thể loại nhạc cổ truyền đã được UNESCO vinh danh.

Sự đa dạng có hai mặt: tích cực - đời sống âm nhạc phong phú chưa từng có trước đây; tiêu cực - khó kiểm soát và quản lý không tốt thì dẫn đến mất cân đối. Để biết sinh hoạt âm nhạc hiện nay có cân đối hay không, cần nhìn thẳng vào hiện trạng: nhạc thị trường vẫn lấn át nhạc chính thống, ca khúc phổ thông lấn át ca khúc nghệ thuật, thanh nhạc lấn át khí nhạc, tính thương mại lấn át chất lượng nghệ thuật. Chính vì mất cân đối mà sinh ra nhiều ngộ nhận, sự lệch chuẩn và loạn chuẩn. Cũng từ đó dẫn đến những bất cập, như khoảng cách giữa tác phẩm có giá trị nghệ thuật với đời sống xã hội, giữa đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp với yêu cầu xã hội.

Khác biệt tạo nên sự phát triển

Thời đại của tính đa dạng càng cần hơn bao giờ hết những người quản lý có khả năng bao quát, cập nhật, theo sát, liên kết, phối hợp, điều chỉnh sao cho đời sống văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, được hài hòa. Thời đại của tính đa dạng không thể áp đặt quan niệm của thế hệ này cho thế hệ khác, không thể lấy thước đo loại nhạc này để đánh giá loại nhạc khác, mà cần phải biết chấp nhận sự khác biệt: chấp nhận những khác biệt trong sáng tạo, trong diễn tấu cũng như trong cảm thụ âm nhạc; chấp nhận những khác biệt về tuổi tác và nghề nghiệp, sở thích và thị hiếu, hoàn cảnh và môi trường sống, nhân sinh quan và trình độ thẩm mỹ…

Chẳng lẽ chúng ta lại sợ sự khác biệt? Chẳng lẽ chúng ta e ngại tính đa dạng? Chẳng lẽ chúng ta muốn tự nhốt mình trong sự đơn điệu nghèo nàn trước thế giới văn hóa đa sắc của thời đại toàn cầu hóa? Tất nhiên là không đời nào! Vậy thì hãy để âm nhạc được muôn màu muôn vẻ, và ở màu nào vẻ nào cũng cố đạt tới mức hay nhất có thể. Một tác phẩm âm nhạc thành công thường có hai yếu tố: tính tương phản và tính nhất quán. Tương phản tạo nên tính đa dạng trong ngôn ngữ, nhất quán tạo nên sự thống nhất cho tác phẩm. Với âm nhạc nói chung cũng cần đa dạng mà thống nhất. Đa dạng về sáng tạo và thống nhất ở một điểm: Chân - Thiện - Mỹ.

Nguyễn Thị Minh Châu

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top