Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

29 Tháng Ba 2024

Phụ huynh lo ngại “Squid Game” ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ

Thứ Bảy 23/10/2021 | 14:56 GMT+7

VHO- Kim, 42 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã rất ngạc nhiên khi cô con gái 12 tuổi của mình biết toàn bộ câu chuyện xung quanh loạt phim “Squid Game”. Mặc dù, cô không hề cho con xem phim này.

“Squid Game” được cho là không phù hợp với trẻ em do có yếu tố bạo lực (Ảnh: Netflix)

Cô cho biết con gái của mình đã xem nhiều cảnh của “Squid Game” trên Youtube do tò mò về bộ phim mà “hầu như mọi người” đều nhắc về nó. “Gần như không chỉ người lớn mà bạn bè của tôi và bé đều nói về “Squid Game”. Vì vậy, việc con tìm xem trên mạng là điều dễ hiểu. Nhưng tôi thật sự quan ngại khi các cảnh cắt từ phim đều là những video xếp hạng R và chỉ được xem sau khi xác nhận độ tuổi”, cô Kim nói.

Hay với anh Lee, một nhân viên văn phòng 39 tuổi khác ở Seoul cũng cho biết, cả 2 đứa con 4 và 6 tuổi của anh đều đòi kẹo dalgona giống trong “Squid Game”. Bản thân anh cũng không hiểu rõ vì sao con mình lại biết đến bộ phim được dán nhãn 18+ này.

Hiện tại, nhiều phụ huynh ở Hàn Quốc đang dành sự quan tâm đến việc trẻ em quá dễ dàng trong việc tiếp cận một bộ phim có tính bạo lực. Thậm chí, “bóng dáng” của “Squid Game” còn hiện hữu ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hằng ngày như quần áo, sự kiện ngoài trời và trò chơi trên thiết bị di động. Bộ phim cũng xuất hiện trong các chương trình giải trí trên truyền hình dành cho mọi lứa tuổi. Một số chương trình như “Running Man” đã sử dụng các khái niệm hoặc hiệu ứng âm thanh từ “Squid Game” để thu hút sự chú ý của khán giả.

Baek Seo Hyun, một giáo viên tại Suwon thuộc tỉnh Gyeonggi đã chia sẻ với The Korea Times rằng: “Mặc dù bọn trẻ gần như không xem được toàn bộ các tập của phim nhưng tôi đã thấy chúng bắt chước một số cảnh trong lớp và sân chơi. Tôi tin rằng như vậy sẽ làm bọn trẻ thích thú nhưng xét ở góc độ giáo dục, tôi và các đồng nghiệp lại rất quan ngại do phim có tính chất bạo lực”.

Theo Giáo sư Tâm lý Kwak Keum Joo thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ vị thành niên từng xem nội dung bạo lực trên phương tiện truyền thông khi còn nhỏ có tính cách hung hăng, vô cảm hơn những đứa trẻ khác. Do đó, người giám hộ của chúng cần rất thận trọng trong việc kiểm soát những gì chúng xem và học. Nhất là trong giai đoạn đầu của sự phát triển nhân cách ở trẻ.

“Cha mẹ và người giám hộ cần nhận thức đầy đủ về tác hại của việc tiếp xúc sớm với yếu tố bạo lực ở con trẻ. Ngoài ra, giáo dục kiến thức về phương tiện truyền thông cần phải được cung cấp đầy đủ cho cả trẻ em và người lớn”, Giáo sư Kwak Keum Joo nói thêm.

Mối quan tâm như vậy không chỉ xuất hiện tại Hàn Quốc. Trong một bức thư gửi phụ huynh, Trường học Quận Bay ở Florida (Hoa Kỳ) đã viết: “Tất cả chúng tôi đều đồng ý “Squid Game” không phù hợp với trẻ em… Hãy đảm bảo rằng bạn biết tất cả những nội dung mà con bạn đang truy cập trực tuyến. Đồng thời, phụ huynh cần căn dặn các em không chơi các trò chơi bạo lực tại trường”. Các trường học tại Brazil, Bỉ, Australia cũng đã gửi các thông báo tương tự như vậy cho phụ huynh.

ĐÌNH TOÁN (Theo The Korea Times)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top