Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

19 Tháng Ba 2024

Những “thủ lĩnh” của ngành nghệ thuật biểu diễn: Ước vọng mùa xuân

Thứ Hai 24/01/2022 | 10:46 GMT+7

VHO- Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng năm 2021 vừa qua, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vẫn để lại nhiều dấu ấn và thành tựu đáng ghi nhận. Phía sau thành tích và kết quả đạt được, phải kể tới vai trò quan trọng của những vị “thủ lĩnh” đứng đầu các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG

 Tại Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Cục Nghệ thuật biểu diễn, một số “nhà cầm quân” đã chia sẻ những suy nghĩ, ý kiến tâm huyết khi đối diện với một năm mới cũng sẽ vô cùng khó khăn và thách thức.

 Chương trình nghệ thuật giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu năm 2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức

Cần kinh phí để quảng bá tác phẩm nghệ thuật

Cho tới thời điểm này, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đã quen và chấp nhận với những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhờ vào sự chỉ đạo đúng hướng của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, lãnh đạo của 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL đã đoàn kết và tạo ra những sản phẩm nghệ thuật chung, thích ứng với tình hình mới. Hiện nay, các nhà hát đã có được nhiều sản phẩm nghệ thuật được đặt hàng đạt chất lượng cao, là tâm huyết sáng tạo của cả tập thể nghệ sĩ. Điều chúng tôi cần nhất bây giờ là những đề án quảng bá, tiếp cận khán giả phù hợp để đối diện với thực tế nếu như dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

(Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND TẠ DUY ÁNH)

 Mong thu hút nguồn nhân lực cao cho sân khấu truyền thống

Ai cũng có thể nhìn thấy, đối với một số loại hình nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là với Tuồng thì việc đào tạo sẽ phải từ nhỏ. Với cách thức như hiện nay thì diễn viên khi ra trường về đơn vị sẽ ở trình độ Trung cấp; có cố gắng mấy, đạt danh hiệu NSƯT, thậm chí cả NSND thì đa phần vẫn chỉ dừng ở ngạch diễn viên hạng IV. Muốn thu hút nguồn nhân lực cao, thu hút tài năng trẻ đến với Tuồng, chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý cần tính toán để có chính sách, chế độ đào tạo đặc thù riêng như nâng trình độ đào tạo, nâng ngạch bậc, làm sao để diễn viên Tuồng được đứng ngang hàng với các ngành nghề khác trong xã hội, có vậy mới mong bảo tồn và phát huy tốt nghệ thuật truyền thống trong đời sống hôm nay.

(Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, PHẠM NGỌC TUẤN)

Cái đích hiện nay đó là tìm lại khán giả nên đừng sợ đánh mất bản quyền

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã trở thành động lực khơi dậy khát vọng sáng tạo cho những người làm văn hóa nghệ thuật. Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đều khẳng định cần phải đầu tư cho các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như Tuồng, Chèo, Cải lương… Chúng tôi ý thức rằng nếu cứ bo bo sợ mất bản quyền tác phẩm mà không tìm cách giới thiệu cho công chúng biết và đến với Chèo thì rồi nghệ thuật Chèo sẽ bị mai một khi đánh mất một thế hệ khán giả. Đó là lý do chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để quảng bá Chèo với nhiều hình thức trên YouTube và Fanpage của Nhà hát. Chưa tính tới doanh thu ở thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, bài toán chúng tôi tự đặt ra cho mình đó là làm sao thu hút khán giả.

(Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND THANH NGOAN)

 Mỗi nhà hát cần có một chiến lược truyền thông

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam luôn chú trọng tới khâu truyền thông các sản phẩm nghệ thuật. Bên cạnh việc giữ vững truyền thông cổ điển trên báo chí thì có một cách tiếp cận mới đó là trên mạng xã hội Facebook, Instagram… Theo tôi, đã tới lúc mỗi nhà hát cần xây dựng một ban truyền thông và phải có người chuyên trách để cập nhật liên tục các thông tin của từng đơn vị. Truyền thông là cách để nghệ thuật biểu diễn khẳng định chúng ta đang sống, đang tồn tại, chia sẻ những thành công và cả những khó khăn mà chúng ta đối diện… Dĩ nhiên, mỗi nhà hát cũng phải xác định được đặc trưng loại hình nghệ thuật của mình để tìm ra chiến lược riêng phù hợp.

(Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT TRẦN LY LY)

Phải “kiên cường” làm mới nghệ thuật

Khi công chúng của thời đại 4.0 đứng trước nhiều sự lựa chọn loại hình giải trí, thì kịch hát dân tộc chịu số phận thua thiệt hơn. Song theo tôi, mỗi loài hoa có sức hút riêng và khán giả cũng cần đổi món. Những năm gần đây, khán giả sẽ thấy Nhà hát Cải lương Việt Nam thử nghiệm kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác như Xiếc, Chèo, nhạc Jazz… Tất cả là những nỗ lực đi tìm ngôn ngữ và hình thức sân khấu mới, để mở rộng hơn các đối tượng khán giả đến với nghệ thuật Cải lương. Từ đánh giá của những người làm nghệ thuật, của báo chí và đặc biệt là sự hào hứng của khán giả, tôi và các cộng sự của mình đã có thêm nhiều tự tin. Bởi mọi nỗ lực sáng tạo nghệ thuật thì cái đích cuối cùng vẫn là được khán giả chấp nhận. Còn khán giả là còn sân khấu và còn sân khấu bởi còn khán giả.

(Giám đốc Nhà hát Cải lương VN, NSND TRIỆU TRUNG KIÊN)

 

 Vai trò của các “thủ lĩnh” nghệ thuật là rất quan trọng

Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn luôn đồng hành với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn nói chung, với các nhà hát của Bộ nói riêng. Trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Cục Nghệ thuật biểu diễn có rất nhiều những nội dung quan trọng, ngoài việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan thì sẽ có rất nhiều lớp bồi dưỡng diễn viên và nhạc công Cải lương, diễn viên kịch nói, múa…

Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ phải gấp rút, khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng để xây dựng, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp phát triển nghệ thuật biểu diễn lên một bước mới; Tiếp tục xây dựng Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn của Trung ương; Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Sân khấu học đường; Đề án đầu tư quảng bá các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của Việt Nam và thế giới; Đề án xây dựng một số chương trình nghệ thuật đỉnh cao; Đề án giới thiệu các đơn vị nghệ thuật và chương trình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu Việt Nam trên sóng truyền hình; Lập đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ…

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung vào những vấn đề nóng, then chốt để ưu tiên giải quyết trước. Vai trò của các “thủ lĩnh” nghệ thuật là rất quan trọng, mong rằng lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật biểu diễn sẽ chủ động xây dựng các đề án nâng cao năng lực và hoạt động của mình, tìm ra những hình thức sân khấu mới, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. (Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG)

 

 THUÝ HIỀN (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top