Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

19 Tháng Ba 2024

Đầu xuân tản mạn về nhạc trẻ

Thứ Năm 27/01/2022 | 06:00 GMT+7

VHO- “Bao giờ nhạc Việt đại chúng dành cho giới trẻ hòa nhập với khu vực và thế giới” là câu hỏi lớn luôn có trong các giai đoạn phát triển của đất nước và dường như chưa có một câu trả lời bằng thực tiễn thỏa đáng. Song, trong năm Tân Sửu 2021 vừa qua đã xuất hiện tín hiệu khả quan, đang dần hé mở câu trả lời khiến cho chúng ta có thể đặt niềm tin vào giới trẻ.

Quang Hùng MasterD

Thành tích bất ngờ

Nếu nhắc tới ca khúc Dễ đến dễ đi và cái tên Quang Hùng MasterD hẳn gần như rất nhiều người trong số chúng ta, những người đã trưởng thành và ở ngưỡng 30 tuổi trở lên không biết đến. Nhưng thực sự, nếu âm nhạc đại chúng cho gọi một cái tên đi kèm một ca khúc để tổng kết và khép lại năm Tân Sửu 2021 thì người viết sẽ không chần chừ gọi tên Quang Hùng MasterD và ca khúc Dễ đến dễ đi. Trong đó, Quang Hùng MasterD là tác giả kiêm ca sĩ thể hiện Dễ đến dễ đi. Và ca khúc cũng như phần thể hiện này thực sự “sáng” nhất làng nhạc Việt đại chúng năm qua.

Đêm hội Tmall 616 là một chương trình truyền hình chuyên về giải trí nổi tiếng bậc nhất ở Trung Quốc đại lục do đài Hồ Nam tổ chức. Bất ngờ là, trong sự kiện âm nhạc hoành tráng Đêm hội Tmall 616 được tổ chức ngày 16.6.2021 đã xuất hiện bản cover Dễ đến dễ đi của Quang Hùng MasterD. Phiên bản tiếng Trung có tên gọi Đôi mắt em tựa ánh sao trời qua phần trình bày của Cúc Tịnh Y và Hầu Minh Hạo. Bên cạnh phần âm nhạc, cả 2 nghệ sĩ trẻ còn thể hiện phần vũ đạo với những động tác đặc trưng đã rất quen thuộc gắn liền với Dễ đến dễ đi từ trước đó. Đáng nói là, Cúc Tịnh Y và Hầu Minh Hạo là 2 ngôi sao trẻ hàng đầu của nền giải trí Hoa ngữ hiện nay. Đáng nói hơn, hai ngôi sao này đã cover một ca khúc Việt để trình diễn trong một chương trình chính thống hàng đầu ở Trung Quốc.

Lâu nay chúng ta vẫn thường quá quen với việc âm nhạc đại chúng Việt Nam cover lại những ca khúc nhạc Hoa (bao gồm cả Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan, TQ). Điều này phổ biến tới mức trở thành trào lưu và khiến không ít người bày tỏ ý kiến lo ngại cho những cuộc “xâm lăng văn hóa” nhắm thẳng vào giới trẻ. Nhưng chàng nghệ sĩ trẻ Quang Hùng MasterD với Dễ đến dễ đi đã làm được điều ngược lại. Đồng thời cho thấy thêm một điều, âm nhạc đại chúng Việt cũng có những hấp dẫn riêng đủ sức thu hút công chúng trẻ ở bên ngoài biên giới hình chữ S thân yêu của chúng ta. 

Và trên thực tế, Dễ đến dễ đi này còn làm được nhiều hơn những điều mà người viết vừa nhắc tới. Trước khi xuất hiện trong chương trình lớn, chính thống thì Dễ đến dễ đi với giai điệu bắt tai, với nhịp điệu rộn ràng hấp dẫn đã hút cộng đồng mạng ở Trung Quốc. Nhiều nghệ sĩ và các nhân vật nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội ở đất nước hơn tỉ dân này đã cover tiếng hát, vũ điệu trên tài khoản cá nhân của mình.  

Đặc biệt hơn nữa, trước khi nổi tiếng ở Trung Quốc, Dễ đến dễ đi đã nổi như cồn ở Thái Lan, nhiều nhân vật nổi tiếng như ca sĩ Mook Worranit, diễn viên Cee Siwat, Youtuber Bie The Ska... đã cover và khiến Dễ đến dễ đi trở thành trào lưu với hàng nghìn video cover trên ứng dụng TikTok ở đất nước này. Không dừng lại ở đó, Dễ đến dễ đi nhanh chóng “phủ sóng” mạng xã hội ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar.

Thực tế, việc Dễ đến dễ đi tạo sức hút mạnh mẽ ở Thái Lan có lẽ đã nằm trong suy nghĩ của chủ nhân ca khúc này, bởi lẽ trước đó nam ca sĩ, nhạc sĩ trẻ đã từng có những ca khúc được biết đến ở nơi đây. Hơn nữa, Quang Hùng MasterD đã hoàn toàn chủ động với việc nhắm thẳng vào công chúng Thái Lan khi Dễ đến dễ đi ra mắt ở cả hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Thái.  Trong khi đó, tiếng Thái có những tương đồng với ngôn ngữ của Campuchia, Lào, Myanmar nên việc ca khúc tiếp tục lan tỏa diện rộng cũng có thể hiểu được.

Một ca khúc đại chúng Việt Nam dành cho giới trẻ phủ sóng nhiều nơi khắp châu Á. Đây là một thành tích ấn tượng mà nhạc Việt đại chúng đang mong mỏi những năm qua và Quang Hùng MasterD với Dễ đến dễ đi đã làm được.

“Em là con thuyền cô đơn” của Thái Học

Cơ hội cho tất cả

Đây cũng là nét nổi bật của âm nhạc đại chúng tiếp tục được phát huy trong năm qua. Trường hợp Quang Hùng MasterD là một điển hình nhưng không phải duy nhất minh chứng cho điều này.

Những ai đã có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc giải trí, nhất là các nhà sản xuất, những công ty chuyên “tạo gà” sẽ biết được trước đây gần như ca sĩ phải hoạt động ở những trung tâm lớn như TP.HCM và Hà Nội mới có cơ hội phát triển tài năng và đến gần với công chúng. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, vị trí địa lý dù vẫn mang nhiều ưu thế nhưng không còn ở thế độc tôn, những trung tâm lớn về giải trí vẫn là mảnh đất màu mỡ nhưng không phải là con đường duy nhất, là tất cả đối với những giọng ca muốn tiến đến với khán giả.  

Quang Hùng MasterD không hoạt động ở Hà Nội, cũng không hoạt động ở TP.HCM. Anh là ca sĩ tại thành phố Huế. Trước Dễ đến dễ đi nam ca sĩ, nhạc sĩ sinh năm 1997 này đã từng ra mắt công chúng nhiều ca khúc tự sáng tác và thể hiện như Thiệp cưới trên bàn, Xin em đừng về nơi này, Tìm lại nỗi nhớ... Cho dù không quá nổi bật ở trong nước nhưng Quang Hùng MasterD cũng là cái tên được cộng đồng công chúng âm nhạc trẻ biết đến khi anh từng tham gia game show truyền hình mang tên Dự án số 1 - The Debut 2018 và là tác giả của một số ca khúc được những giọng ca trẻ thể hiện, đã ra mắt công chúng như: Em lỡ yêu sai anh (JinJu), Vì yêu là nhớ (Han Sara), Là bạn không thể yêu (Lou Hoàng)...

Một trường hợp nữa mà người viết muốn đề cập tới khi muốn khẳng định vị trí địa lý không còn chiếm thế độc tôn trên con đường mà người trẻ muốn dấn thân vào nghệ thuật, tiến gần với công chúng, đó là Thái Học. Đây là giọng ca không chuyên, xuất phát từ tình yêu với ca hát và thói quen cover những ca khúc đại chúng dành cho giới trẻ và đưa lên trang cá nhân trên mạng xã hội. Thú vị hơn nữa, giọng ca sinh năm 2000 sinh ra trong một gia đình nông dân tại Hà Tĩnh và hiện vẫn đang sinh sống và là ca sĩ tự do tại địa phương này.

Tất cả sẽ không có gì đáng nói nếu như Thái Học không phát hành ca khúc Em là con thuyền cô đơn (tác giả Chí Hướng) vào cuối tháng 9.2021 và tạo bất ngờ khi liên tục có mặt trong top 10, một trong những bản xếp hạng âm nhạc tuần hàng đầu hiện nay là #zingchart. Trong khi đó, tính đến đầu tháng 12.2021, Em là con thuyền cô đơn đã thu hút được gần 20 triệu lượt xem trên kênh YouTube cá nhân của ca sĩ mang tên Nguyễn Thái Học Official với 341 nghìn tài khoản đăng ký theo dõi.

“Là người Lào nhưng tôi rất thích nghe bài hát này”, “Lúc nghe tôi cảm thấy tôi khóc trong lòng” vì “nhớ một cô gái Việt Nam” - tài khoản có tên Phonesavanh Soulina bình luận dành cho Em là con thuyền cô đơn của Thái Học.  Cùng dành tình cảm cho ca khúc này, một khán giả người Lào khác có tên là Lao Porya bình luận: “Bài hát cảm xúc lắm, mình thích nghe bài hát Việt lắm”. Và có lẽ trong tổng số hơn 13 nghìn bình luận (tính đến 5.12.2021) còn nhiều những bình luận mà chủ tài khoản đến từ ngoài biên giới Việt Nam mà chúng tôi không thể thống kê hết trong quá trình thực hiện bài viết này.

Dẫu không đình đám dọc ngang tung hoành châu Á như Dễ đến dễ đi của Quang Hùng MasterD nhưng rõ ràng, Em là con thuyền cô đơn của Thái Học bên cạnh chinh phục công chúng trẻ trong nước cũng đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam để đến với công chúng trẻ ở nước láng giềng thân cận.

Không bàn về chất lượng âm nhạc ở đây mà chỉ đề cập tới khía cạnh về sự lan tỏa của ca khúc Việt ra bên ngoài biên giới của đất nước thì đây điều đáng mừng và cho thấy một cơ hội mở ra cho các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đại chúng dành cho giới trẻ ở Việt Nam.

Tất nhiên, không thể phủ nhận những thay đổi ở thời đại số đã xóa nhiều quan niệm cũ về phương thức phát hành và tiếp cận khán giả của một sản phẩm âm nhạc mới, cho nên biết tận dụng và khai thác thế mạnh số hóa cũng là một thuận lợi cho sự hòa nhập tiến tới có sức ảnh hưởng của nhạc trẻ đại chúng Việt Nam tới khu vực và mơ ước xa hơn là thế giới.

Nhạc sĩ NGUYỄN QUANG LONG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top