“Bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc kém chất lượng (Bài 2): Không thể “đổ thừa” cho Nghị định 144

VHO- Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành hơn 2 năm qua (từ 1.2.2021). Thời gian đầu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn thưa thớt, thế nhưng ngay sau đó, thị trường đã diễn ra vô cùng sôi động, các cuộc thi nhan sắc được triển khai rầm rộ. Có thể nói, Nghị định đã đáp ứng sự vận động, phát triển của văn hóa, nghệ thuật nước nhà…

“Bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc kém chất lượng (Bài 2): Không thể “đổ thừa” cho Nghị định 144 - Anh 1

 Hội nghị phổ biến Nghị định số 144 do Bộ VHTTDL tổ chức tại TP.HCM

 Tuy nhiên, đã xuất hiện không ít ý kiến băn khoăn: Phải chăng sự thông thoáng trong phân cấp quản lý khiến đấu trường nhan sắc “trăm hoa đua nở”? Sau bài viết số trước, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp của nhiều chuyên gia, người trong nghề quan tâm đến câu chuyện này.

Xu hướng quản lý hòa nhập với thế giới

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Nghị định 144 đã có những quy định đi theo đúng xu hướng quản lý nghệ thuật biểu diễn trên thế giới. Ở đó nhấn mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm. Việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp gần đây bùng nổ và có những lùm xùm là vì nhiều lý do, không thể tất cả đều “đổ thừa” cho Nghị định 144.

Liên quan đến vấn đề nhiều cuộc thi vẫn tổ chức dù chưa được cấp phép, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nguyên nhân đến từ nhận thức của các thành viên BTC và chính thí sinh khi chưa xác định được tầm quan trọng và tính nhạy cảm của các cuộc thi, còn để hiện tượng trục lợi len lỏi vào khiến họ bất chấp quy định để tổ chức. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận năng lực quản lý của một số địa phương vẫn còn hạn chế.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, một trong những người đặc biệt quan tâm đến các vấn đề nóng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khẳng định: Việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp là nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cũng như làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của công chúng. Thực tế, “nở rộ” các cuộc thi hoa khôi, hoa hậu không phải điều tiêu cực nếu những gương mặt sau đăng quang có nhiều đóng góp cho xã hội, giúp lan toả những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng. “Ở đây, phải xác định rõ là dư luận lên án những cuộc thi vô bổ, những cô hoa hậu mà sau khi đăng quang, công chúng không biết họ đi đâu, làm gì, đóng góp ra sao? Chúng ta không nên đánh đồng việc tổ chức nhiều cuộc thi là xấu mà phải bóc tách vấn đề, soi xét từng cuộc thi. Nếu dàn hoa hậu, á hậu sau đăng quang thường xuyên làm công tác thiện nguyện, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn hay là tấm gương sáng để lớp trẻ phấn đấu, chúng ta nên ủng hộ”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nêu rõ.

Còn theo ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng, nhìn ở góc độ phát triển, tổ chức tìm kiếm người đẹp là xu hướng bình thường của thế giới đương đại, hình ảnh người đẹp (cả nam lẫn nữ) sẽ tạo ra sự dẫn dắt trong quá trình hướng tới cảm xúc thẩm mỹ. Ở các nước như Venezuela, Philippines… hay những nơi sản sinh ra nhiều người đẹp, thi nhan sắc trở thành một ngành công nghiệp và có nguồn thu, chắc chắn họ sẽ có những chế tài rất nghiêm khắc. “Đã đến lúc chúng ta phải nhìn các cuộc thi hoa hậu như là bóng đá, bóng chuyền, là một cuộc thi văn hóa lành mạnh chứ không nên kỳ thị “ra ngõ là gặp hoa hậu”. Tôi theo dõi các cuộc thi người đẹp thời gian gần đây và thấy rằng các người đẹp của chúng ta thực sự đẹp cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ”, ông Hoài phân tích.

“Bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc kém chất lượng (Bài 2): Không thể “đổ thừa” cho Nghị định 144 - Anh 2

 Hoa hậu Đỗ Thị Hà và Thiên Ân tham gia chương trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” năm 2023 tại đảo Trường Sa

Thẩm định chặt chẽ, kiên quyết xử lý khi có vi phạm

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy, Nghị định 144/2020/NĐ-CP được xây dựng với mục đích kế thừa và hoàn thiện các quy định còn chưa phù hợp tại Nghị định số 79/2012/ NĐ-CP và 15/2016/NĐ-CP, đồng thời tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thể chế các chính sách đã được Chính phủ thông qua cho phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

“Nghị định ra đời có rất nhiều điểm mới như: Cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; Phân cấp cho cơ quan quản lý có thẩm quyền ở địa phương… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Sở VHTT TP.HCM nhận thấy, đối với việc tổ chức thi người đẹp người mẫu, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn như: Quy định số lượng danh hiệu; Quy định điều kiện và năng lực cụ thể để có thể tổ chức cuộc thi hoa hậu, hoa khôi…”, bà Thúy nêu.

Ông Nguyễn Khắc Thiện, Trưởng phòng Quản lý văn hóa - Gia đình, Sở VHTTDL Long An cho hay: “Ban đầu khi tiếp cận Nghị định 144, chúng tôi cũng lo vì quy định mới khá phức tạp. Thế nhưng khi thực hiện, rất mừng là UBND tỉnh đã hỗ trợ trong việc thẩm định hồ sơ, cấp phép, “gác cổng” chặt chẽ hơn nên chúng tôi rất yên tâm. Hiện chỉ cần hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trong vòng 5 ngày là đơn vị xin cấp phép sẽ nhận được văn bản chấp thuận”.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng Trần Thanh Hoài thông tin thêm, hiện nay hệ thống quản lý ngành từ trên xuống đến cấp xã, phường đều có cán bộ văn hóa cơ sở, nên chuyện cung cấp, hỗ trợ thông tin, theo dõi, đặc biệt là quản lý trên địa bàn được chú trọng hơn, nếu có vấn đề vượt quá thẩm quyền thì họ sẽ báo cáo để có phương án xử lý. Chủ trương hiện nay phân cấp tối đa nhất, cấp trên xây dựng chính sách, cấp dưới thực hiện các chính sách cấp địa phương, cấp dưới nữa triển khai tầm vi mô…

Sở VHTT TP.HCM cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn, Sở đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an TP, Sở TTTT, Phòng VH&TT các quận, huyện, TP Thủ Đức, Công an địa phương nơi tổ chức các hoạt động để thực hiện kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, Sở chỉ đạo phòng chuyên môn thực hiện nghiêm Chỉ thị số 274/ CT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL về Tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó, thẩm định chặt chẽ hồ sơ, rà soát kỹ đề án và quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu, kiên quyết dừng, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật.

Liên quan đến những cuộc thi “chui” hay vô bổ, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn khẳng định, những cuộc thi như vậy được tổ chức chỉ để “vuốt ve” nhau, là biểu hiện của thói háo danh. Thậm chí, chỉ vì một lần muốn được ca tụng, tung hô, họ sẵn sàng bất chấp pháp luật để “làm tới”. Bên cạnh đó, cũng có không ít cuộc thi được tổ chức ra để phục vụ lợi ích cá nhân, để cô hoa hậu sau đăng quang được hưởng “đặc quyền”, rồi lợi dụng danh hiệu để làm chuyện cá nhân. Thậm chí, để có được danh xưng, họ sẵn sàng chi ra số tiền lớn mua giải, dẫn đến các vụ đấu tố, vạch tội nhau trên mạng xã hội.

“Thẳng thắn nhìn nhận, việc phân cấp quản lý nhà nước, giao quyền, trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính cho địa phương là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, chúng ta phân cấp mà chưa phân tiêu chí. Tôi cho rằng, những cuộc thi hoa hậu, đặc biệt là tuyển chọn gương mặt đại diện quốc gia đi thi quốc tế, Bộ VHTTDL cần trực tiếp kiểm soát”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ, đồng thời đề xuất, phải có sự thẩm định kỹ lưỡng những bộ hồ sơ xin cấp phép; tuyệt đối nói không với những cuộc thi có yếu tố vi phạm thuần phong mỹ tục, ý nghĩa mờ nhạt... Bên cạnh đó, càng không nên để tình trạng “gạo nấu thành cơm” rồi mới xử lý như một số vụ việc trước đây. Bởi khi sự đã rồi, đơn vị tổ chức có bị xử phạt thì cũng gần như không còn tác dụng gì, mức phạt nếu có cũng chỉ như “muối bỏ bể” so với lợi nhuận mà nó mang lại.

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chia sẻ: “Tôi theo dõi nhiều cuộc thi người đẹp và thấy đa phần đều mang ý nghĩa tích cực. Đương nhiên cũng có cuộc nọ cuộc kia, nhưng công chúng, xã hội sẽ là người phán xét, lựa chọn, cái nào tốt sẽ tồn tại, cái mất uy tín thì tất yếu sẽ bị tẩy chay”. 

 Để quản lý tốt hơn, chúng ta cần có những giải pháp tổng thể từ nâng cao nhận thức, ban hành thêm các văn bản quy phạm pháp luật, tăng mức xử phạt… Chúng ta cũng cần xử nghiêm một số vụ vi phạm để làm “án điểm”. Đặc biệt, giải pháp căn cơ vẫn là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ văn hóa, những người trực tiếp thực hiện công tác cấp phép, kiểm tra. Chỉ khi làm tốt những điều này, chúng ta mới có thể đưa những cuộc thi sắc đẹp về đúng ý nghĩa là nơi tôn vinh vẻ đẹp hình thể và trí tuệ của người phụ nữ Việt.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN)

NHÓM PHÓNG VIÊN

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc