Chiêu trò gameshow: "Con dao" hai lưỡi

VHO- Sau thời gian vắng bóng, loạt gameshow hút khách đã đổ bộ trở lại và trở thành “bữa tiệc” hấp dẫn được đông đảo công chúng đón nhận. Song, bên cạnh tính giải trí, nhiều chương trình đã đi quá đà khi lạm dụng kịch bản tạo tranh cãi làm gameshow trở nên lố bịch, thậm chí cãi nhau như “chợ vỡ” ngay trên sóng truyền hình khiến khán giả “lắc đầu ngao ngán”…

Chiêu trò gameshow: 


Chương trình “The Face Vietnam” đang gây nhiều tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội bởi có quá nhiều drama 

 Chiêu bài quen thuộc 
Chương trình The Face Vietnam trở lại sau 5 năm vắng bóng, tuy nhiên ngay từ tập đầu lên sóng đã bị khán giả phản ứng khi có màn tranh cãi gay gắt xoay quanh... chỗ đứng của 4 huấn luyện viên gồm: Anh Thư, Vũ Thu Phương, Kỳ Duyên và Minh Triệu. Cụ thể, dù đã chấp nhận bốc thăm nhận vị trí đứng khi quay hình hiệu chương trình, nhưng vì muốn được đứng cạnh hoa hậu Kỳ Duyên nên Minh Triệu đã không ngại “lời qua tiếng lại” với Vũ Thu Phương ngay trên sóng truyền hình. Điều này khiến Vũ Thu Phương và Anh Thư đều không hài lòng. Sau đó, khi Minh Triệu tuyên bố bỏ không quay hình hiệu nữa thì Vũ Thu Phương bức xúc lên tiếng: “Bớt ngang ngược lại”, còn Anh Thư cũng cảm thấy rất thất vọng về các đàn em. Câu chuyện càng căng thẳng hơn khi Vũ Thu Phương khóc lóc, chất vấn giám khảo Nam Trung vì cho rằng đội mình bị đối xử bất công khi phải quay hình trước. Thậm chí, huấn luyện viên này còn liên tục gây hấn và tỏ thái độ gay gắt với những người còn lại. 
Rap Việt cũng đang mất dần sức hút qua các mùa, điều vẫn thường thấy ở các gameshow tại Việt Nam. Để hâm nóng, chương trình đã xây dựng những màn tranh cãi không đáng có và gây mất điểm trầm trọng với khán giả. Cụ thể, ở tập 2 vừa lên sóng, thí sinh được nhận định có tiềm năng, khả năng tốt, biểu diễn cảm xúc là nam rapper Alen (Megashock) lại bị loại bởi quyết định bình chọn từ khán giả trường quay; trong khi đó, màn biểu diễn của Dubbie (Khương Lê) lại nhận được sự đồng thuận lớn chỉ vì điểm cộng ngoại hình. Thậm chí, điểm trừ lớn hơn khi Dubbie đề cập đến nhân vật lịch sử nhưng lại thiếu hiểu biết và có phần phản cảm, thế nhưng chương trình vẫn để câu rap lên sóng. Khán giả nghi hoặc: Liệu Rap Việt cố tình hay chỉ là sơ suất nhất thời? 
Thời gian gần đây, nhiều gameshow còn tỏ ra hời hợt từ kiến thức chuyên môn đến kiến thức phổ quát, tạo nên vô số sạn, ảnh hưởng lớn tới chất lượng chương trình. Chẳng hạn, ngay ở tập đầu Người ấy là ai mùa 5, MC Trấn Thành gây tranh cãi trước phát ngôn về một khách mời chuyển giới và bị người xem phản ứng gay gắt. Ngay sau đó, ê kíp chương trình đã đăng đàn xin lỗi. Cụ thể, phía ê kíp cho biết trên Fanpage: “Do sơ suất trong khâu biên tập, ở tập 1 của chương trình, chi tiết nhân vật NPAK nói về nguồn gốc vết sẹo trên cánh tay chưa được truyền tải theo đúng nội dung nhân vật chia sẻ. Chúng tôi chân thành cáo lỗi NPAK cùng quý khán giả”. Sau lời xin lỗi này, phần phụ đề và đoạn phát biểu gây tranh cãi của Trấn Thành cũng được ê kíp xử lý, cắt bỏ ở tập 1 của chương trình. 
Khán giả quay lưng 
Ở The Face mùa 5, dù phía nhà sản xuất khẳng định tình huống này xảy ra bất ngờ, không sắp đặt, thế nhưng theo nhiều khán giả nhận định, việc đưa lên sóng với góc quay cận cảnh biểu cảm của từng huấn luyện viên cho thấy rõ mục đích dùng “drama” để câu view và tạo sự chú ý. Bởi, phần tranh cãi không dừng lại ở đó, mà được phát sóng kéo dài lê thê, chiếm khá nhiều thời lượng. Thậm chí, nhà sản xuất còn sắp xếp phỏng vấn riêng từng huấn luyện viên sau tranh cãi để tăng thêm kịch tính, rồi sau đó tung nhiều video trên các nền tảng mạng xã hội. 
Mục đích của chương trình là tìm ra những gương mặt thương hiệu, thế nhưng trong tập phát sóng đầu chỉ toàn xoay quanh những tranh cãi, đấu đá của các huấn luyện viên. Một số khán giả còn đùa rằng, kiếm một tập The Face không drama, chỉ tập trung chuyên môn còn khó hơn những tập có tranh cãi. Còn với Rap Việt, nhiều người nhận định, tiêu chí chấm thi tối thiểu 50% kết quả của thí sinh phụ thuộc vào bình chọn của khán giả tại trường quay là vô lý. Do đó, việc rapper Alen bị loại chỉ vì 48% lượt bình chọn khiến người xem cảm thấy khó hiểu, thậm chí đặt ra nghi vấn chương trình đang dàn xếp, dùng “quân cờ” để thu hút truyền thông. 
Từ thực tế phản ánh, có thể thấy nhiều chương trình, gameshow giải trí ở nước ta từ trước đến nay không thiếu sự nhố nhăng. Thay vì chú ý tới nội dung và chất lượng thí sinh, thì nhà sản xuất lại mang đến hàng loạt tranh cãi không đáng có, hay những chiêu trò cũ “xào nấu” lại để gây chú ý. Điều này đã và đang làm khán giả bức xúc, mất dần cảm tình đối với các gameshow trên sóng truyền hình. Thậm chí, nhiều người còn thẳng thắn kêu gọi tẩy chay chương trình, yêu cầu nhà đài kiểm duyệt, biên tập kỹ nội dung, hình ảnh trước khi phát sóng. Bởi lẽ, những “drama” xuất hiện quá nhiều đã khiến khán giả bị bội thực và phải tự hỏi đang chứng kiến những màn đấu khẩu như chợ vỡ hay xem một chương trình với mục đích giải trí. Nói về yếu tố giải trí, khán giả vẫn có thể chấp nhận những “chiêu trò” với điều kiện gameshow biết điểm dừng, bởi drama là thứ “gia vị” không thể thiếu với chương trình giải trí. 
Không thể phủ nhận các gameshow là sự gắn kết lợi ích giữa nhà đài, nhà sản xuất và nhà quảng cáo. Vì vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng các chương trình đang cố tạo ra yếu tố độc, lạ để níu chân người xem. Thế nhưng, dù vô tình hay cố ý, thì các chương trình cũng cần có văn hóa và khán giả cần được xem những gameshow sạch sẽ, lành mạnh. Drama chính là “con dai hai lưỡi”, nếu làm không khéo, thì sớm muộn gì chương trình cũng sẽ bị công chúng quay lưng. Việc để nhiều gameshow nhảm, nhàm, nhạt nhẽo, vô bổ, không mang tính giáo dục là một thực tế đáng buồn và cần sớm được chấn chỉnh. 

 BÁ TRƯỜNG 

Ý kiến bạn đọc