Mạnh tay xử lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

VHO- Nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục mạnh tay chấn chỉnh việc các nghệ sĩ, KOLS đưa đến công chúng những sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nêu, có những nguyên nhân do nghệ sĩ dù biết, nhưng vì chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội, đạo đức của mình đối với công chúng, do hoàn cảnh kinh tế thúc ép hay những nguyên nhân khác nên vẫn tham gia, tiếp tay cho quảng cáo sai sự thật. Đó là những điều cần chấn chỉnh trong thời gian tới.

Mạnh tay xử lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật - Anh 1

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

.  Trong nhiều năm qua, có nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười do quảng cáo mà không hiểu về sản phẩm quảng cáo do chính các nghệ sĩ, KOLs đưa đến khán giả. Và có nghệ sĩ đã phải xin lỗi người mến mộ do quảng cáo công dụng quá đà. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đang ở trong một giai đoạn nền kinh tế thị trường rất phát triển, vì thế, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm là rất quan trọng để các sản phẩm ấy được biết đến rộng rãi hơn, có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường. Đó chính là lý do, hoạt động quảng cáo rất phát triển ở Việt Nam trong những năm vừa qua. 
Để quảng cáo được biết đến rộng rãi, các nhãn hàng, công ty quảng cáo rất cần có những người nổi tiếng. Họ chính là những người được công chúng yêu mến, dễ thu hút được sự quan tâm của công chúng. Những gì họ nói, họ mặc, kể cả họ ăn đều ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của công chúng cả. Chúng ta vừa chứng kiến hiện tượng BlackPink ở Việt Nam để thấy sức thu hút của các ngôi sao đối với khán giả như thế nào. Công chúng đổ xô đi mua áo phông, búa và hàng loạt các sản phẩm khác có liên quan đến hình ảnh của BlackPink. 
Tất nhiên, nghệ sĩ cũng cần có các nhãn hàng để hình ảnh của mình được phổ biến rộng rãi hơn, và quan trọng hơn, họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Khi cung cầu gặp nhau, đó là lúc hoạt động quảng cáo trở nên nhộn nhịp, phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, do chúng ta đang ở giai đoạn đầu, các hình thức quảng cáo còn nhiều điểm mới, luật pháp cũng chưa hoàn toàn chặt chẽ dẫn đến việc có nhiều quảng cáo sai, không đúng chức năng, công dụng, trong đó có sự tham gia của các nghệ sĩ và người nổi tiếng. Có thể đó là những nguyên nhân do nghệ sĩ, người nổi tiếng hoàn toàn tin tưởng vào nhãn hàng, công ty quảng cáo, chỉ nghĩ mình đóng vai như họ đã từng tham gia vào nhiều chương trình nghệ thuật khác. 
Nhưng cũng có những nguyên nhân do nghệ sĩ, dù biết, nhưng vì chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội, đạo đức của mình đối với công chúng, do hoàn cảnh kinh tế thúc ép hay những nguyên nhân khác, vẫn tham gia, tiếp tay cho việc quảng cáo sai sự thật. Đó là những điều chúng ta cần chấn chỉnh trong thời gian tới.

. Ông có nhận định như thế nào khi Bộ VHTTDL gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có nội dung quy trách nhiệm và hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ VHTTDL trong việc sửa đổi Luật Quảng cáo. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là vì nhiều lý do khác nhau, chứ không riêng gì liên quan chỉ đến trách nhiệm của các nghệ sĩ, người nổi tiếng, tuy nhiên, đúng đây là những vấn đề quan trọng, cần phải quan tâm. Trong Luật Quảng cáo (2012) trước đây, chúng ta có định nghĩa về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nhưng ở chương 2 của Luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo lại không đề cập gì đến đối tượng này. Đây chính là một kẽ hở pháp luật khiến chúng ta khó xử phạt các hành vi vi phạm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. 
. Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề phức tạp khi hiện nay có rất nhiều cấp quản duyệt. Để làm minh bạch, theo ông cần có quy định cụ thể ra sao?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đúng là do quảng cáo liên quan đến nhiều loại mặt hàng khác nhau, chuyển tải trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, nên việc quảng cáo hiện nay liên quan đến nhiều bộ, ngành. Điều này cũng có thể hiểu được. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang được giao phụ trách, làm đầu mối thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo, tuy nhiên, để có thể xử phạt, Bộ lại phải dưa vào các cơ quan khác như Bộ Y tế, Bộ TT & TT...
Vì thế, để hoạt động này minh bạch, hiệu quả, theo tôi cần thực hiện nghiêm Thông tư số 10/2013 của Bộ VHTTDL về yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo, trong đó, tăng cường năng lực, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo, với thành phần là các chuyên gia có uy tín, và các quy trình, quy định rõ ràng để tạo điều kiện cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và công ty quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có thể thực hiện tốt công việc của mình.

Mạnh tay xử lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật - Anh 2

Ảnh minh hoạ

. Bên cạnh chế tài xử lý mạnh tay, vấn nạn nghệ sĩ, người có ảnh hưởng quảng cáo không đúng chức năng sản phẩm, nhiều người cho rằng, điều quan trọng là đạo đức cũng như trách nhiệm công dân, cũng như trách nhiệm của nghệ sĩ đối với công chúng, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đó chính là giải pháp căn cốt nhất cho vấn đề này. Tôi vẫn thường nói rằng, pháp luật ở xa, đạo đức ở gần. Nếu chúng ta điều chỉnh hành vi mình bằng đạo đức, chứ không chỉ bằng pháp luật, thì nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội, trong đó có quảng cáo, sẽ không xảy ra. Khi người nghệ sĩ, người nổi tiếng ý thức được về trách nhiệm của mình, kiểm tra kỹ sản phẩm quảng cáo, thì sẽ giảm bớt hoặc không còn tình trạng quảng cáo sai công dụng, chức năng, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội nữa.
. Để giám sát và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm về đạo đức nghề nghiệp và tách nhiệm công dân của nghệ sĩ và người nổi tiếng, công chúng cũng cần lên tiếng mạnh mẽ, thậm chí tẩy chay đối với hoạt động không đúng của nghệ sĩ, người có ảnh hưởng, nhất là trong lĩnh vực quảng cáo?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn:
Chắc chắn là như vậy. Đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng, công chúng là những người quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại, danh tiếng của họ. Khi công chúng lên tiếng mạnh mẽ, thậm chí tẩy chay đối với hoạt động không đúng của nghệ sĩ, người có ảnh hưởng, nhất là trong lĩnh vực quảng cáo sẽ khiến nghệ sĩ, người có ảnh hưởng cẩn trọng hơn, thể hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn trong hoạt động này.
 Vì thế, sự chung tay của công chúng với hoạt động quản lý Nhà nước, trong đó có việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo là hết sức cần thiết để trả lại môi trường trong lành cho quảng cáo, cũng như cho xã hội.
. Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG THẢO (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc