“Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng”:

“Cuốn phim” chân thực về chiến dịch Điện Biên Phủ

ĐÌNH TOÁN

VHO - Chiều 3.5 tại Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã tổ chức buổi ra mắt phiên bản tiếng Việt của cuốn sách Paroles de Dien Bien Phu - Les survivants témoignent mang tên Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2024).

Cuốn sách gốc của 2 tác giả, nhà sử học người Pháp Pierre Journoud (Đại học Paul-Valéry Montpellier) và Hugues Tertrais (Đại học Paris I - Panthéon-Sorbonne).

“Cuốn phim” chân thực về chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 1

Giám đốc NXB Đại học Sư phạm Nguyễn Bá Cường phát biểu tại sự kiện

Nhóm chuyển ngữ gồm TS. Phạm Ngọc Hiệp, TS. Trần Văn Kiên (đều là giảng viên Khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội) và TS. Ninh Xuân Thao (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội).

Cuốn sách được hiệu đính bởi TS. Trần Xuân Trí, giảng viên khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Hà Nội).

Phát biểu tại lễ ra mắt sách, Giám đốc NXB Đại học Sư phạm Nguyễn Bá Cường nhấn mạnh, cuốn sách là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc của các tác giả khi nghiên cứu về những hồi ức Điện Biên qua những lời kể của các cựu chiến binh.

“Cuốn phim” chân thực về chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 2

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn phát biểu

Cũng theo ông Nguyễn Bá Cường, những cuốn sách viết về Điện Biên Phủ ở Việt Nam và Pháp đã được xuất bản khá nhiều thế nhưng, Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng là ấn phẩm đặc biệt. Cuốn sách được ví như cuốn phim quay chậm về toàn bộ diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ với tất cả sự chi tiết, chân thực, đa chiều nhất.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn khẳng định, Việt Nam – Pháp có mối quan hệ lâu đời. Nhân dân hai nước đã khép lại quá khứ để cùng nhau hợp tác, phát triển. Quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên sâu rộng trên nhiều lĩnh vực; trong đó có hợp tác phát triển văn hóa, giáo dục, quốc phòng. Việc xuất bản cuốn sách lần này như một minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác về văn hóa giữa hai quốc gia.

Bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và hoạt động văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, kiêm nhiệm Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam đánh giá, cuốn sách với sự trung thực trong cách thể hiện nội dung sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn trung thực, khách quan về chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuốn sách cũng nhắc nhở bạn đọc về việc nhìn về quá khứ để viết tiếp tương lai; vì sự đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam – Pháp.

“Cuốn phim” chân thực về chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 3

Tham tán Hợp tác và hoạt động văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, kiêm nhiệm Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam Sophie Maysonnave

Được biết, những câu chuyện trong Hồi ức Điện Biên Phủ -  Những nhân chứng lên tiếng được kể bằng lời chứng của những cựu chiến binh Điện Biên Phủ, từ người lính binh nhì đến vị tướng bốn sao.

Họ đã “lên tiếng” và chia sẻ về những gì đã phải đối mặt trong trận chiến, những suy nghĩ về cuộc chiến tranh thuộc địa, về cuộc sống thường nhật trong trại tạm giam, những khó khăn sau đó khi đã trở về... Tất cả như một "bộ phim" quay chậm về chiến dịch này từ phía người Pháp.

“Cuốn phim” chân thực về chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 4
Tác giả  Pierre Journoud chia sẻ với độc giả về cuốn sách

Qua những lời chứng và cách đặt vấn đề hấp dẫn, bạn đọc sẽ tiếp nhận những câu chuyện lịch sử một cách sinh động; từ nỗi băn khoăn của những người lính tham chiến đến niềm tin của binh lính Pháp vào thời điểm đó: “Điện Biên Phủ là lòng chảo lớn mà chúng ta có ấn tượng rằng, nó sẽ đứng vững một cách đáng ngưỡng mộ trước sự tấn công của Việt Nam”. Đó còn là câu chuyện về niềm tin của sở chỉ huy Pháp về việc, QĐND Việt Nam không thể đảm bảo vận chuyển hàng tiếp tế cần thiết, cung cấp quân lương cho nhiều đơn vị quân đội trên vùng cao.

Thế nhưng, chính những binh sĩ Pháp khi bị bắt làm tù binh lại “bị mê hoặc, bị khuất phục, bị tê liệt trước bức tranh toàn cảnh đang được chiêm ngưỡng”, về những điều mà họ từng tin chắc là Việt Nam không thể làm được.

“Cuốn phim” chân thực về chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 5

Cuốn Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng 

Cuốn sách đem lại cho bạn đọc góc nhìn mới với tư liệu sống động - góc nhìn của các nhân chứng, những người có vị trí khác nhau trong cuộc chiến ở Điện Biên Phủ, những người có số phận cũng rất khác nhau - về một sự kiện đã xuất hiện trong rất nhiều công trình từ văn học, lịch sử đến điện ảnh... trên tinh thần khoa học.

Khi viết cuốn sách này, tác giả Pierre Journoud đang là chuyên viên nghiên cứu của Viện Lịch sử quân sự Pháp. Với mong muốn giúp bạn đọc có câu trả lời về chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng tác giả Hugues Tertrais quyết định thực hiện cuốn sách dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo tác giả Pierre Journoud, khó khăn lớn nhất là tâm lý e ngại của những cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến. “Họ ngại chia sẻ về quá khứ bởi có những lúc, họ phải chịu sự dằn bặt, khổ tâm vì tham gia vào cuộc chiến. Thế nhưng sau khi biết được nguyện vọng của nhóm tác giả, những cựu chiến binh đã không ngần ngại chia sẻ. Trong cuốn sách, có rất nhiều chi tiết chưa từng được các cựu chiến binh tiết lộ; làm nên sức cuốn hút của tác phẩm”.

“Cuốn phim” chân thực về chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 6

Tác giả Pierre Journoud. Ảnh: NXB Đại học Sư phạm

Tác giả Pierre Journoud cũng chia sẻ, nhiều cựu chiến binh Pháp đã nói với ông rằng dù trải qua những năm tháng đau thương tại chiến trường Điện Biên Phủ, họ vẫn mong một ngày được trở lại mảnh đất này, được gặp lại những người đã từng là “bên kia” để cùng nhau bày tỏ những tâm tư; thể hiện ước muốn hướng đến tương lai. Hơn cả, họ muốn cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ đang phát triển rất tốt đẹp giữa Việt Nam – Pháp.