Thật tiếc cho “Hoài niệm Hà Nội phố”

VH- Những ngày qua, không nhiều người dân và du khách ghé thăm Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tại 18 Vũ Phạm Hàm (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) để chiêm ngưỡng hàng trăm tư liệu, hình ảnh đã có tuổi đời hàng trăm năm, mặc dù nó được trưng bày trang trọng trong một không gian thiết kế đậm “chất” Hà Nội xưa.

Thật tiếc cho “Hoài niệm Hà Nội phố” - Anh 1

  Cầu Thê Húc, Hồ Hoàn Kiếm qua tư liệu lưu trữ được trưng bày tại triển lãm

 Nói là thật tiếc cho “Hoài niệm Hà Nội phố” là bởi cuộc triển lãm này do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức với hơn 130 phiên bản tư liệu, hình ảnh được trưng bày, cùng với nghệ thuật sắp đặt. Tại đây người xem sẽ có dịp chiêm ngưỡng, tìm hiểu Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Đó không chỉ là một Hà Nội cổ kính đã ăn sâu vào tiềm thức của đại đa số những người luôn tự hào là người con của đất Tràng An thanh lịch nức tiếng mà còn là một Hà Nội thủa mới chuyển mình từ thành Hà Nội cũ đến một Hà Nội mới, dần thay đổi với một diện mạo khác, xưa cũ nhưng dịch chuyển dần theo phong cách phương Tây, mà cụ thể nhất là phong cách Pháp. Nhìn hình ảnh Ô Quan Chưởng từ trăm năm trước, góc thành Hà Nội bên những ruộng lúa tốt tươi và tháp canh sơ sài, tháp Rùa cổ kính như vẫn lặng yên ngàn năm soi bóng xuống mặt Hồ Gươm, cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn chưa hẳn cầu kỳ thủa xa xưa…, có lẽ không ít người xem ngạc nhiên.

Giá trị và ý nghĩa như vậy nhưng rất ít người biết và tìm đến vì nhiều lẽ…

Thật tiếc cho “Hoài niệm Hà Nội phố” - Anh 2

 Góc thành Hà Nội xưa

Để có được triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” người viết không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng làm mới, tăng tính hấp dẫn cho tư liệu của đội ngũ những người làm công tác lưu trữ. Nói như cách ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, triển lãm lần này có nhiều điểm mới. Đầu tiên là phương thức biểu hiện. Nghệ thuật sắp đặt và thiết kế kiến trúc không gian kết hợp với những tài liệu, hiện vật phiên bản, hình ảnh công nghệ hiện đại... khiến triển lãm không đơn thuần là nơi trưng bày, giới thiệu các tài liệu lưu trữ, mà thực sự là không gian sinh động, nơi người dân cũng như du khách có thể chiêm ngưỡng, hòa mình và cảm nhận.

Tại triển lãm, người xem có dịp hiểu hơn về một Hà Nội hiện đại nhưng vẫn truyền thống mà cổ kính qua cách thiết kế, bố trí hiện vật, từ hình ảnh Ô Quan Chưởng đến những chiếc xe tay kéo sắp đặt khéo léo ngay cổng vào. Những thước phim tư liệu sống động bên các tư liệu trưng bày theo từng khu vực, từng chủ đề rõ ràng…

Tuy nhiên, thực tế sức lan tỏa và phát huy giá trị của các tư liệu này đã không được như kỳ vọng, dù rằng, trước đó, lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã khẳng định, Ban tổ chức triển lãm đã có những động thái tích cực để phát huy giá trị khối tài liệu này, kể cả việc quảng bá, kết nối với các đơn vị làm du lịch để đưa du khách đến tham quan. Các hình ảnh, tư liệu lâu năm, thậm chí là hàng trăm năm tuổi được kỳ công khai thác từ kho lưu trữ Nhà nước vẫn như những viên ngọc quý cất đặt trong hộp kính và nó chỉ mở khe khẽ cho những ai gần nó, còn lại thì chẳng hay biết gì.

Thật tiếc cho “Hoài niệm Hà Nội phố” - Anh 3

 Một cảnh sinh hoạt

Bởi lẽ, dù được đầu tư trưng bày với những đổi mới nhất định nhưng không gian của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – địa chỉ việc tổ chức triển lãm không phải là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động hướng đến cộng đồng, khó hấp dẫn công chúng. Công tác quảng bá cho triển lãm chưa thật hiệu quả. Vì mãi đến ngày chính thức khai mạc (6.9), thông qua các phương tiện truyền thông, công chúng mới ít nhiều biết đến triển lãm. Đây là điều vô cùng đáng tiếc.

Không ít khách tham quan có mặt tại triển lãm ngay những ngày đầu đều ước, giá như triển lãm được tổ chức ở những địa chỉ văn hóa quen thuộc, trung tâm thành phố, được đông đảo người dân và du khách đến tham quan hằng ngày như các không gian bên Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long hay ít sôi động nhưng hợp lý hơn là Phố sách Hà Nội…, thì giá trị của khối tư liệu sẽ được phát huy, có sức lan tỏa rộng rãi hơn trong cộng đồng, góp phần tác động tích cực vào phát triển đời sống xã hội như vai trò vốn có, cần có của chúng.

Nói cách khác, “sở hữu” trong tay những tài liệu, hình ảnh quý đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn công chúng nhưng đơn vị tổ chức lại khá rụt rè, thiếu sự “mạnh tay” đầu tư hay chỉ “khôn nhà” nên “người đẹp” đó đã không lan tỏa tới mọi người. Thật đáng tiếc! 

 MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc