Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Tranh dân gian - cảm hứng sáng tạo cho giới trẻ

Thứ Hai 22/01/2018 | 10:36 GMT+7

VH- Tranh dân gian chứa đựng tinh hoa và vốn quý của dân tộc, đã được sàng lọc qua thời gian, tạo nên những giá trị riêng so với bất cứ với dòng tranh nào trên thế giới.

 Tranh dân gian được đưa vào các thiết kế mới thu hút sự quan tâm của giới trẻ Ảnh: H.Minh

Tuy nhiên, cùng với đổi thay của đất nước, tranh cổ mai một dần. Để bảo tồn và phát triển di sản của cha ông, gần đây, các họa sĩ, nhà thiết kế đã đưa tinh thần của tranh dân gian vào các sản phẩm hiện đại, nhằm tiếp cận gần hơn với giới trẻ.

Tập quán chơi tranh bị lãng quên

Xưa kia, tranh dân gian tồn tại và phát triển ở nhiều vùng miền trên cả nước. Về cơ bản, tranh được in từ các bản khắc gỗ vẽ màu nhưng mỗi nơi lại có những kỹ thuật riêng tạo nên đặc trưng của mỗi trung tâm, mỗi làng nghề được gọi theo địa danh hành chính như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây cũ), Nam Hoành (Nghệ An), Sình (Huế)… Tuy nhiên, trước những biến đổi cơ bản về kinh tế xã hội hiện nay ở Việt Nam, các dòng tranh dân gian truyền thống đã và đang chịu những tác động, những thách thức không nhỏ về nguyên vật liệu, về tiêu thụ sản phẩm và kế nghiệp các nghệ nhân. Từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến nay, tranh dân gian ở Việt Nam đã được quan tâm nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị. Nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhiều tranh dân gian và ván in tranh đã được sưu tầm, giới thiệu tại các Bảo tàng. Việc bảo tồn nghề và làng nghề tranh dân gian cũng được đặt ra trong một số dự án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, nhưng chưa thu được nhiều kết quả khả quan.

Theo PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Trước những biến đổi cơ bản của đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay, các dòng tranh và làng tranh dân gian truyền thống đã và đang chịu những tác động, những thách thức không nhỏ.

Sáng tạo không giới hạn

Trước sự mai một của tranh dân gian, những năm gần đây, vào mỗi dịp Tết đến, dự án Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết do TS. Trang Thanh Hiền cùng các giảng viên, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam thực hiện, thu hút đông đảo em nhỏ đến với tranh dân gian qua các hoạt động trải nghiệm in, tô màu, tìm hiểu về các loại tranh; họa tiết tranh dân gian được đưa lên bao lì xì... Trong năm nay, có 2 dự án khai thác tính ứng dụng của tranh dân gian là dự án Vẽ lại tranh dân gian và Họa sắc Việt, gây chú ý với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

“Năm 2016, khi vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tìm tư liệu để phục vụ việc học, tôi tình cờ lạc vào kho tàng tranh dân gian và thấy các tác phẩm xưa rất đẹp, nhưng gần như không ai quan tâm đến” - họa sĩ Nguyễn Xuân Lam chia sẻ. Vì sức hút của các tác phẩm dân gian, Lam đã nghiên cứu và vẽ lại theo phong cách kết hợp tranh dân gian với đồ họa và in tác phẩm ấy lên các vật dụng như một cách bảo tồn chúng, để mọi người có thể thấy các hình ảnh, biểu tượng ấy hằng ngày, hơn là chỉ xuất hiện vào mỗi dịp Tết. Các tạo hình như Gà hoa hồng, Ngũ hổ, Ông hoàng cưỡi cá... được vẽ lại và ngay lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Còn theo nhà thiết kế đồ họa Nguyễn Thị Minh Hằng, nhóm S River team - đơn vị đồng thực hiện dự án Họa sắc Việt: “Chúng tôi mong muốn làm mới mẻ những điều cũ, để họa tiết cũ, tinh thần cũ được sống ở hiện tại. Tranh Hàng Trống toát lên sự vui tươi, tinh thần lạc quan, nên các nhà thiết kế muốn truyền tải tinh thần ấy thành tác phẩm hiện đại. Từng chi tiết, họa tiết trên tranh Hàng Trống rất đẹp, giàu cảm xúc, đầy cảm hứng để phát triển ra thành sản phẩm ứng dụng mà không có giới hạn”. Chúng tôi xin tiếp tục trở lại với các bài viết về công tác nghiên cứu trong dân gian và sự lan tỏa các họa tiết truyền thống ở những số báo tiếp theo.

 ​

Do tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn để duy trì hoạt động của các làng nghề là không còn nữa. Một trong những thực trạng quan trọng khác cần kể đến là cho đến nay số gia đình và nghệ nhân tranh dân gian tại các làng tranh truyền thống như Đông Hồ và Làng Sình còn lại không nhiều. Đặc biệt là, dòng tranh Hàng Trống tại Hà Nội chỉ còn lại duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Không được may mắn như Đông Hồ và Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng hiện nay không còn một nghệ nhân nào theo nghề...

(PGS.TS Trương Quốc Bình)

Hiểu Minh

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top