Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Mặt nạ thời gian của Phong

Thứ Năm 15/02/2018 | 00:30 GMT+7

VH- Mặt nạ dân gian của người Việt thực sự sẽ mang “gương mặt” và “linh hồn” như thế nào, để mỗi khi nhìn vào, đối diện với những mặt nạ ấy không nhầm lẫn với mặt nạ của những nền văn hóa khác? Câu hỏi ấy là khởi nguồn để ông Bùi Quý Phong, một nghệ nhân từng rất nổi tiếng với nghề làm lân ở Hội An, quay trở lại sau hơn 10 năm bỏ nghề, “ở ẩn”.

Mỗi mặt nạ là một linh hồn

Cửa hàng “The Timing Masks Hoi An” (“Mặt nạ Thời gian”) ở đường Bạch Đằng trong khu phố cổ Hội An, được ông Phong dồn hết tâm huyết để sáng tạo, trưng bày và kết nối những câu chuyện về mặt nạ dân gian khi ông đã bước vào tuổi 60. Tuổi ấy, lẽ ra đã được nghỉ ngơi, nhưng vì trót đau đáu với khái niệm “mặt nạ thời gian” mà ông đã cố công tìm hiểu từ mấy chục năm qua, nên ông lại một lần nữa quay lại với cái nghề mà “chỉ mong mua lấy nụ cười trẻ thơ”.

Vậy sao lại gọi là “mặt nạ thời gian”? “Thời gian” ấy là gì trong không gian của mặt nạ? Những thắc mắc này được ông Phong giải thích rằng, vì quan niệm “Mỗi mặt nạ là một linh hồn” duy nhất. Thời gian sáng tạo ra mỗi chiếc mặt nạ là khác nhau. Và cảm xúc của ông khi làm mỗi chiếc mặt nạ là một cảm xúc khác nhau. Nó sẽ không lặp lại trong một thời gian khác với chiếc mặt nạ khác. Và vì thế, mỗi mặt nạ sẽ mang một linh hồn, một đời sống duy nhất - ấy chính là khoảnh khắc thời gian mà mỗi mặt nạ đã sống cho trọn với số phận, tâm trạng của mình. “Thời gian của mỗi linh hồn mặt nạ trải qua với những khoảnh khắc xưa-nay, vui-buồn, hỉ-nộ,... sẽ mang nhiều thông điệp về cuộc sống của chính mặt nạ”, ông Phong lý giải. Và ông sẽ là người kể lại những câu chuyện ấy.

Ông bảo, ông bán mặt nạ chính là bán câu chuyện về số phận của mỗi mặt nạ cho du khách. Như câu chuyện về chiếc mặt nạ hạnh phúc, với nửa gương mặt người nam, người nữ và chú chim bồ câu tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, sắc màu sẽ mang lại viên mãn. Hay như chiếc mặt nạ mang khuôn mặt giận dữ với những chiếc răng nanh nơi miệng, nếp nhăn cau có trên mắt mà ông đặt ngay chính giữa cửa hàng như một lời nhắc nhớ bản thân mỗi ngày rằng, sự giận dữ sẽ làm biến dạng tâm hồn, xấu xí sắc diện của ta. Và từ đó, sẽ biết thu xếp, kìm chế năng lượng xấu khi giận dữ.

Mặt nạ mang gương mặt giận dữ như một thông điệp nhắc nhở anh Phong kìm chế năng lượng xấu để sống vui mỗi ngày

Căn nhà cổ trên đường Bạch Đằng hiện giờ đang có hơn 200 chiếc mặt nạ làm bằng giấy bồi do chính tay ông thể hiện. Hơn 1.000 chiếc mặt nạ đã theo du khách về những vùng đất khác nhau trên thế giới, để sống một cuộc đời, một số phận trong một không gian, thời gian khác. Ông bảo không tham vọng, cố tâm đi sâu, hay khoác lên những chiếc mặt nạ những mỹ từ như truyền thống, độc đáo, dân gian… Vì thế, ông luôn tâm niệm mình là một người sẽ kể lại những sắc thái mặt nạ tuồng, mặt nạ dân gian Việt Nam không bị lai căng, không na ná, không bị ngộ nhận với những mặt nạ Kinh kịch đang đầy rẫy ngoài kia. Ông Phong vẽ cũng không quá nhiều mặt nạ tuồng mà chỉ chú trọng vẽ những mặt nạ tuồng dân gian với những sắc thái mang thông điệp tính cách trung thực, sắc thái buồn – vui - giận - hạnh phúc… Những mặt nạ ấy là sống động nhưng cũng giản đơn, để mỗi người xem, dù biết nhiều hay biết ít về nghệ thuật tuồng, nhìn vào đó cũng có thể dễ dàng hình dung ra tính cách mà mặt nạ ấy đại diện.

Theo ông, mặt nạ dân gian Việt Nam vốn không sử dụng quá 4 màu để phối trên một chiếc mặt nạ và tuân theo nguyên lý âm-dương. Trong khi nhiều nền văn hóa khác, chẳng hạn như mặt nạ trong Kinh kịch thì có thể nhiều màu sắc để biến hóa. “Muốn người trẻ thích mặt nạ tuồng thì trước tiên hãy làm những mặt nạ dân gian có thần thái, “nhan sắc” đập ngay vào mắt để họ cầm lên, chọn lựa”, ông Phong tâm sự, “Và khi đã chọn lựa, họ sẽ để tâm đến, rồi sẽ từ từ tìm hiểu, đó đã là một thành công của người làm mặt nạ”. Chính thế, ông biến tấu ít nhiều trên nền chất liệu dân gian để cho ra những chiếc mặt nạ mô phỏng nhân vật phim hoạt hình, mặt nạ màu sắc tươi hồng mang lại sự vui vẻ, hạnh phúc cho phụ nữ,…

Bốn loại mặt nạ ông chuyên tâm làm hiện nay là mặt nạ tuồng cổ Việt Nam truyền thống, mặt nạ dân gian, mặt nạ hiện đại và mặt nạ dành cho trẻ em. Du khách cũng có thể đến học ông cách làm mặt nạ. Thường mỗi tour hướng dẫn cách làm mặt nạ mất khoảng 2 giờ đồng hồ và du khách có thể học bốn công đoạn chính để hoàn thành tác phẩm: phát giấy - vào mây - đắp thạch cao và vẽ mặt nạ. Nhiều người ban đầu ít mặn mà và hơi ngại khi nghe đến mặt nạ tuồng vì không có thời gian và cũng không am hiểu lắm về bộ môn nghệ thuật này. Chính vì thế, ông chọn cách giúp họ tiếp cận với mặt nạ dân gian trên cơ sở tương tự mặt nạ tuồng cổ và những thông điệp gần gũi. Vì đơn giản, gần gũi nên mọi người dễ dàng ưa thích, và vì ưa thích nên họ sẽ tiếp tục tìm hiểu. Ông bảo ông muốn du khách xem mặt nạ là một “nhu cầu văn hóa” chứ không chỉ là một “trò chơi văn hóa”. Vì là nhu cầu nên sẽ còn tìm hiểu, còn yêu mến, chứ không chỉ là một món đồ chơi khoác lớp áo văn hóa, nhưng có thể bỏ để chọn một món đồ khác.

Và ông đã chọn mặt nạ dân gian như là cách để kể lại giấc mơ về một thế giới màu sắc của Hội An xưa cho những người trẻ. Hội An xưa - trong trẻo và hồn nhiên - như những mặt nạ dân gian mà ông cặm cụi vẽ nên. Những chiếc mặt nạ hoàn toàn được chế tác từ giấy, mọi công đoạn đều thủ công và bằng các chất liệu thân thiện với môi trường như tre, dây thừng, dây mây, giấy bồi… Ông Phong bảo: Trong tâm thức người Việt, mặt nạ cũng như một điểm tựa tâm linh. Như người ta vẫn đeo mặt nạ rồng ở vùng sông nước để vượt qua nỗi sợ hãi về thủy quái, về một thế giới bên ngoài sự sống của con người. Mỗi mặt nạ, với chủ nhân của nó, sẽ mang một trọng trách tâm linh, thể hiện ước nguyện thầm kín của chủ nhân. Và vì thế, khi khách muốn học nghề mặt nạ, ông sẽ cùng khách trò chuyện để thấu hiểu những điều bên trong của mỗi người, từ đó mà sẽ có những hướng dẫn về màu sắc, đường nét theo quy ước, phù hợp với tính cách của chủ nhân mặt nạ.

“Mặt nạ mang lại cho tôi nhiều điều lắm! Đó là sự tự hào vì kế thừa và phát triển nghề truyền thống của ông cha xưa. Mỗi mặt nạ đều mang một thông điệp để tôi hướng tới sống tốt hơn, chia sẻ năng lượng tích cực với mọi người xung quanh. Và mỗi khi suy nghĩ về những thông điệp tốt đẹp trong mỗi mặt nạ, tôi cũng tìm được sự bình an cho bản thân”, ông Phong chia sẻ.

Khánh Chi

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top