Nhiếp ảnh thời hội nhập: Nhiều giải thưởng chưa hẳn đã tài năng

VH- “Nhiều bức ảnh của nhiếp ảnh gia VN đã đoạt giải thưởng cao ở trong nước và quốc tế, bởi nội dung tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc, phản ánh thực chất cuộc sống con người Việt Nam.

Nhiếp ảnh thời hội nhập: Nhiều giải thưởng chưa hẳn đã tài năng - Anh 1

Tác phẩm “Trại Tôm” của nhiếp ảnh gia Trung Phạm, giải nhất hạng mục phong cảnh trong cuộc thi Best Aerial Photos Of 2017 (Ảnh chụp trên không đẹp nhất 2017) do SkyPixel (cộng đồng người chơi drone lớn nhất thế giới) tổ chức

Tuy nhiên trên thực tế, việc tham gia các cuộc thi quốc tế phần lớn phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân. Trước hết đó là nhu cầu được đánh giá khách quan và được tự khẳng định bản thân của mỗi nghệ sĩ”, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN cho biết.

Khái niệm “nghệ thuật nhiếp ảnh” của bạn bè quốc tế đã giúp nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng hiểu rộng, hiểu sâu hơn rất nhiều so với trước đây. Các nhà nhiếp ảnh thế giới đã sử dụng những tính năng vượt trội của nhiếp ảnh để chuyển tải ý tưởng của mình vào sáng tác, cho ra đời những tác phẩm có giá trị gây xúc động mạnh mẽ đến người xem. Nhiếp ảnh Việt Nam hội nhập, giao lưu quốc tế đã học hỏi, tiếp thu được nhiều kiến thức quý báu mà bản thân chúng ta không thể có được nếu chỉ loanh quanh làm nghệ thuật trong nhà với nhau. Giao lưu hội nhập để học tập, để phát triển. Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuât của mình. Nhiều bức ảnh đã đoạt giải thưởng cao ở trong nước và quốc tế, bởi nội dung tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc, phản ánh thực chất cuộc sống con người Việt Nam.

Việc tham gia tích cực của hội viên và nhiều nhà nhiếp ảnh ở các sân chơi quốc tế khác nhau không chỉ để họ tự hoàn thiện nghề nghiệp, dám thử thách tài năng ở những cuộc thi mới mà còn góp phần giới thiệu đất nước, hình ảnh con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Mỗi bức ảnh là một thông điệp thể hiện tài năng, tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ. Trong quá trình hội nhập với quốc tế đã có nhiều tên tuổi giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi quốc tế như Lê Hồng Linh, Đào Tiến Đạt, Lý Hoàng Long,... Phần lớn việc gửi ảnh và nỗ lực tham dự các cuộc thi quốc tế đều thông qua sự hiểu biết về các cuộc thi của mỗi cá nhân. Các cuộc thi cũng không có quyền lợi nhiều, điều vinh dự nhất là giành được giải và phổ biến tác phẩm của mình.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đức Tân cho rằng, cái lợi lớn nhất của quá trình hội nhập là chúng ta càng thấy rõ mình hơn, thấy rõ mặt bằng của những tác phẩm so với chuẩn mực quốc tế. Phần lớn các sự cọ xát nghệ thuật trên mặt bằng quốc tế trong lĩnh vực nhiếp ảnh hiện nay đều thông qua các chủ thể năng động. Trong đời mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh, số ảnh lưu lại so với hàng chục vạn bức ảnh chụp được thật là ít ỏi và những bức ảnh thực sự có giá trị quốc tế cũng không hẳn là nhiều. Chính vì vậy, càng hiểu được những chuẩn mực về nhiếp ảnh trên quốc tế, chúng ta sẽ càng có yêu cầu cao hơn đối với bản lĩnh nhiếp ảnh, mặt khác cũng có thể tự tin về giá trị của những khoảnh khắc mà chúng ta lưu giữ. Hiện nay, nhiều nhiếp ảnh gia VN, khi tham gia sân chơi nhiếp ảnh quốc tế, không phải vì không có đề tài hay, đối tượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, mà do cách đưa tin và cách tiếp cận hình ảnh. Bằng chứng là nhiều nhà nhiếp ảnh nước ngoài có thể kiếm các giải thưởng và tán thưởng với những bức ảnh chụp Việt Nam.Thậm chí có nhà nhiếp ảnh xây dựng sự nghiệp của mình trên cơ sở những thông tin ảnh về Việt Nam.

“Tham gia vào các cuộc thi quốc tế sẽ có lợi cho việc tìm hiểu những giá trị chuẩn mực của nhiếp ảnh thế giới và là sân chơi bổ ích cho những nhà nhiếp ảnh trên con đường tìm hướng đi của mình. Nhưng tôi nghĩ rằng những nhà nhiếp ảnh không nên đặt ra mục tiêu quá cao nhằm vào các cuộc thi. Nó chỉ cần thiết với một giai đoạn nào đó trong cuộc đời sáng tạo. Chúng ta cũng không hoàn toàn có thể lấy chuẩn mực của các giải thưởng quốc tế để đánh giá sự thành công của mỗi tác giả, mặc dù điều đó hết sức quan trọng. Có nhiều giải thưởng cũng chưa hẳn đồng nghĩa với việc đó là một nhà nhiếp ảnh tài năng. Nói đúng hơn mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh phải có một hành trình để trở thành nghệ sĩ với những sáng tạo mới mẻ và cần thiết cho đời. Và tác phẩm nào thực sự có giá trị cũng đều có tầm quốc tế. Kết quả của nó phải là sáng tạo độc nhất vô nhị”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đức Tân nhấn mạnh. 

Thanh Ngọc

 

Ý kiến bạn đọc