Đào tạo nhiếp ảnh: Yếu và thiếu thực tiễn

VH- “Với đặc trưng là loại hình phản ánh cuộc sống một cách trực quan, sinh viên môn nhiếp ảnh cần phải luôn tiếp xúc trực tiếp với cuộc sống để phát hiện ra những vấn đề xã hội cần phản ánh nhưng phần lớn sinh viên các trường hiện nay vẫn còn “thụ động”, dành nhiều thời gian “ngồi” trên ghế giảng đường”, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cho biết.

Đào tạo nhiếp ảnh: Yếu và thiếu thực tiễn - Anh 1

Tác phẩm “Từ tâm” của tác giả Bùi Viết Đồng đoạt huy chương vàng VAPA 2017

 Giáo dục và đào tạo môn nhiếp ảnh trong các nhà trường dù ở bậc Đại học, Cao đẳng chuyên khoa Báo chí hay ở cấp phổ thông trung học đều luôn mang những nét đặc thù riêng, bởi ngoài việc trang bị những kiến thức cơ bản về lý thuyết sinh viên còn cần được đầu tư và thực hành với những phương tiện kỹ thuật rất tốn kém, chưa kể bản thân người học phải có sẵn năng khiếu cá nhân.

Ngoài ra, nhiếp ảnh có đặc thù mang tính chuyên môn cao, các giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy nhiếp ảnh bằng tiếng Việt hiện cũng rất hiếm. Nhiều thầy giáo, cô giáo đến nay vẫn sử dụng, tham khảo tài liệu viết ra từ hơn 10 năm, thậm chí 20 năm trước. “Xem lại giáo trình đào tạo môn nhiếp ảnh tại các học viện nhiếp ảnh Hoàng gia Anh Quốc, Thái Lan và Singapore... đều thấy thời lượng dành cho thảo luận, phân tích ảnh… của sinh viên trong năm học thứ nhất và năm học thứ hai chiếm đến tổng số 1/2 các tiết học, nhằm trang bị cho sinh viên có kiến thức về ảnh tương đối toàn diện. Biết nhìn tốt, chụp giỏi, có chính kiến, biết bảo vệ, phản biện... về tác phẩm ảnh. Ở một số nhà trường ta cũng có làm nhưng chưa đều… dẫn đến thực trạng sinh viên ra trường chỉ biết chụp, còn phần “nói”, thuyết trình đều yếu!”, NSNA Lê Xuân Thăng chia sẻ.

Đồng quan điểm với NSNA Lê Xuân Thăng, NSNA Phạm Thanh Hà chỉ ra rằng, về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy dù được cải thiện nhiều nhưng so với sự phát triển vũ bão của công nghệ hiện đại thì vẫn còn khá khiêm tốn, thậm chí lạc hậu. Các khung chương trình đào tạo và đề cương môn học chuyên ngành hoàn thành chậm do giữa các giảng viên tham gia biên soạn đôi lúc còn chưa nhất quán về nội dung truyền đạt. Giữa kiến thức đào tạo so với thực tiễn còn có khoảng cách, thực tế cho thấy không ít sinh viên ra trường khi nhận việc chậm thích nghi với công việc.

“Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đòi hỏi những kiến thức cùng các chuẩn mực kỹ thuật mới. Các khái niệm, thuật ngữ về ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí, về thể loại vẫn còn gây bàn cãi trong các hoạt động nghề nghiệp khiến sinh viên đôi lúc không biết tin vào đâu, nghe ai. Các khuynh hướng sáng tác đương đại từ ảnh hưởng nước ngoài đem lại nhiều mới lạ nhưng cũng khiến các bạn trẻ đang học tập chưa đủ bề dầy kiến thức và thực tiễn sáng tác dễ đi chệch hướng cơ bản. Thậm chí những tác động từ văn hóa mạng điện tử tới sinh viên dẫn đến sự lệch lạc cảm quan thẩm mỹ”, NSNA Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Nghệ thuật nhiếp ảnh phải đi vào đời sống, là sự khám phá ngôn ngữ hình ảnh, hình tượng hóa cũng như nghệ thuật kể những câu chuyện bằng ảnh. Tuy nhiên, chất lượng tác phẩm giá trị cao có tác động đến xã hội chưa nhiều, sự sáng tạo trong hoạt động sáng tác còn nhiều giới hạn, tư duy nhiếp ảnh chưa sâu, tác nghiệp còn hạn chế, sự lạm dụng công nghệ đã ảnh hưởng đến tính chân thật của nhiếp ảnh, mất lòng tin với công chúng…

Nguyên nhân của tình trạng này, theo NSNA Hoàng Thạch Vân, Ủy viên Ban Chấp hành Hội NSNA Việt Nam, đội ngũ giảng viên nhiếp ảnh tư duy còn hạn chế, lạc hậu và bảo thủ… Công tác lý luận phê bình còn yếu kém, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chưa cao và chưa sâu, sự suy thoái về đạo đức nghề nghiệp của nhiều NSNA ngày càng tăng.

NSNA Việt Văn cho rằng, VN có nhiều thứ để chụp khi đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển, cũ, mới, hiện đại và truyền thống cùng đan xen nhau, phong tục tập quán của các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất hình chữ S thật phong phú và hấp dẫn. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận ngày một nhiều lên là minh chứng rõ nét. Và dĩ nhiên, các nhiếp ảnh gia VN đã tận dụng lợi thế “sân nhà” để săn bắt kỳ được “con nghệ thuật”. Những bức ảnh mang tính du lịch, đời thường đó đã đem hình ảnh VN đi khắp nơi, trưng bày tại nhiều salon, triển lãm ảnh quốc tế và đem về cho các tác giả nhiều giải thưởng.

Nhưng bên cạnh đó, theo NSNA Việt Văn, nhiếp ảnh VN còn thiếu ảnh sáng tạo, ảnh trừu tượng, ảnh đương đại và tác giả có phong cách. NSNA Việt Văn cũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể như: Ở mảng ảnh sáng tạo không phải không có tay máy xuất sắc nhưng con số đó chỉ đếm đầu ngón tay. Phần lớn ảnh sáng tạo của VN ít có ý tưởng thật độc đáo, sâu sắc, chưa kể nhiều khi copy của các tác giả ngoại, chỉ biến báo đi như cái ô thành cái nón, áo ngắn thành áo dài…; Ảnh đương đại là khái niệm nhiều người lầm tưởng là ảnh chụp thời hiện tại. Không, đó là dạng ảnh mang tính đột phá, loại bỏ những tiêu chí thẩm mỹ truyền thống, nhiều khi rất khó hiểu, khó xem, và thông điệp mang tính cá nhân của nghệ sĩ ở đây mới là yếu tố quan trọng hàng đầu…

“Thực sự nền nhiếp ảnh VN thời đổi mới chưa có nhiều tác giả có phong cách sáng tạo nổi bật với những tác phẩm có dấu ấn cá nhân rất đậm nét, vừa mang bản sắc dân tộc rõ nét, vừa mang tính đương đại, hòa nhập với thế giới” NSNA Việt Văn nhấn mạnh.

MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc