Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Lấp “khoảng trống” không gian nghệ thuật ngoài trời: Không thể cứ có tiền là... thích gì bày đấy

Thứ Sáu 27/04/2018 | 11:43 GMT+7

VH- Chấn chỉnh thực trạng tùy tiện trưng bày tượng, biểu tượng ngoài trời có tác động không tốt đến môi trường văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng, Bộ VHTTDL vừa ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến nội dung này. Một “động tác” được dư luận hoan nghênh, bởi ít nhất đã “gãi đúng chỗ ngứa” khi những xôn xao trước vụ việc 12 con giáp phản cảm tại Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) vẫn chưa lắng xuống.

Ngày càng nhiều ngõ phố bích họa tự phát xuất hiện

Tuy nhiên, sẽ như thế nào sau công văn chấn chỉnh này cũng là điều dư luận không kém phần quan tâm. Nhỡn tiền vẫn là sự lúng túng sửa sai, không biết ứng xử như thế nào đối với những thứ “ trót” mang danh nghệ thuật đang nhởn nhơ tồn tại giữa các không gian công cộng.

Đưa tượng phản cảm đi đâu?

Vụ việc 12 con giáp Hòn Dáu đến thời điểm này vẫn chưa công bố kết quả thẩm định của Hội đồng nghệ thuật do Sở VHTT Hải Phòng đề xuất thành lập. Âu là một thủ tục hành chính, còn nhóm tượng xấu hay đẹp, phản cảm hay không thì cũng đã rõ mười mươi khi dồn dập các nhà điêu khắc, họa sĩ, giới lý luận phê bình đồng loạt lên tiếng trong suốt nhiều ngày qua.

Điều được dư luận đặc biệt quan tâm ở thời điểm này là những bức tượng, biểu tượng, công trình, tác phẩm xấu xí, đã và đang tồn tại ở các không gian công cộng sẽ bị xử lý như thế nào? Áp công văn này vào “phán xử” bộ tượng 12 con giáp vô tiền khoáng hậu kia, kết quả sẽ ra sao?

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, 12 bức tượng con giáp ở Hòn Dáu không chỉ là điển hình về những xộc xệch trong tư duy quản lý ở không gian công cộng mà còn báo động về “khoảng trống” trong hưởng thụ giá trị thẩm mỹ ở các không gian này. Thích gì bày đấy, tùy tiện đến khó chấp nhận. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng khẳng định, với bộ tượng này nếu có mời thợ tạc tượng giỏi nhất đến thì cũng… chịu, không sửa được. Cho nên, tốt hơn hết là nên cất vào nơi kín đáo.

Hàng loạt động thái sửa sai của nhà đầu tư, từ mặc quần, váy đến treo lên thân tượng chùm lá, quả nhựa, và gần nhất là quyết định quây kín, không cho khách tham quan vào khu vực tượng… Nhưng càng sửa, càng nực cười, càng cho thấy sự lúng túng. PGS. NĐK Nguyễn Xuân Thành cho rằng, vấn đề cơ bản ở đây không chỉ là sự dung tục, phản cảm trần trụi mà chính là “bộ tượng quá xấu, xấu từ đầu đến chân. Thế nên, càng sửa sai lại càng nực cười”. NĐK Lưu Danh Thanh (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cũng đồng tình, “tội” lớn nhất của bộ tượng này chính là sự áp bức thị giác người xem giữa thanh thiên bạch nhật.

Trả lời phương án xử lý, Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng Lê Văn Quý cho hay, hiện danh sách HĐNT thẩm định 12 con giáp đã được Sở trình lên UBND TP Hải Phòng. Sau khi được thông qua, HĐNT sẽ thẩm định và đề xuất giải pháp dẹp bỏ hay tiếp tục trưng bày.

Đáng nói là, không chỉ các công trình tượng, tượng vườn mà còn nhiều tranh tường, bích họa cỡ lớn… xuất hiện ở các không gian chung cũng từng là nguyên nhân của không ít tranh cãi. “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” với nhiều đoạn tranh bị xuống cấp nhanh chóng. Hàng chục bức “bích họa” áp bức thị giác, xanh đỏ lòe loẹt được vẽ trên nắp cống, cột điện ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều ngõ phố bích họa tự phát lem nhem ở Hà Nội… Ngay cả con phố bích họa vừa xuất hiện hồi đầu năm ở Thủ đô cũng khiến nhiều nhà chuyên môn lên tiếng vì chất lượng nghệ thuật chưa được như mong đợi.

Cần sự vào cuộc của các chuyên gia

Nghệ thuật công cộng đương nhiên là những thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống, đặc biệt tại các khu đô thị phát triển. Những bức bích họa hay các tác phẩm tượng, biểu tượng ở nơi công cộng được sáng tác nhằm đáp ứng nhu cầu cải thiện mỹ quan ở các không gian sống, không gian du lịch. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, dù mục đích tốt nhưng cách thức thực hiện tự phát, thiếu chuyên nghiệp… sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của không ít “thảm họa”. “Không thể cứ mãi tùy tiện, thích gì bày đó được. Nếu muốn cải thiện không gian công cộng trở thành không gian nghệ thuật, có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống cộng đồng thì nhất thiết cần phải có sự vào cuộc của các nhà chuyên môn, với bàn tay quản lý của các cơ quan chức năng…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Công văn của Bộ VHTTDL cũng đã chỉ rõ, để thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 113/2013/ND-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, đảm bảo môi trường văn hóa, thẩm mỹ nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng trưng bày tượng, biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời đúng quy định của pháp luật, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Thông điệp này được Bộ gửi đi trước thực tế đã và đang xuất hiện những “thảm họa” mang tên công trình văn hóa công cộng .

Sự thẳng thắn ở công văn của Bộ VHTTDL cũng có thể xem như một liều thuốc “đặc trị”, nhất là khi các khu du lịch, nơi công cộng đã được “khoanh vùng” quản lý. Cũng có thể nôm na hiểu rằng, từ nay không thể nói những địa điểm này thuộc quyền “tự tung tự tác” của những ông chủ, doanh nghiệp lắm tiền, thích gì bày nấy. Đơn cử như vụ tượng 12 con giáp, theo họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn: “Cần làm rõ doanh nghiệp bày bộ tượng này có xin phép hay không? Nếu làm sai, họ phải chịu trách nhiệm vì đã động chạm đến mỹ cảm truyền thống của người Việt. Thậm chí, dư luận còn có thể đặt câu hỏi, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương trong vụ việc này ở đâu?”. Ông cũng gay gắt rằng, không phải doanh nghiệp cứ có tiền thì thích bày gì cũng được. Lâu nay vấn đề quản lý việc trưng bày tượng, tác phẩm nghệ thuật ngoài trời chỉ chú trọng đến các công trình tượng đài lớn mà thiếu sự cân nhắc thận trọng đối với các vườn tượng, các tác phẩm tượng nghệ thuật ngoài trời. Và hệ quả thì như đã thấy.

Còn theo họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL), những vụ việc như 12 con giáp ở Hải Phòng nếu áp theo công văn của Bộ VHTTDL thì không chỉ chất lượng nghệ thuật của cụm tượng được đề cập mà cả vấn đề trách nhiệm của các Sở chuyên ngành sau này cũng được siết chặt. Khi xây dựng, lắp đặt hay trưng bày tượng, biểu tượng ở các địa điểm công cộng mà vị trí lắp đặt có tác động đến môi trường thẩm mỹ của cộng đồng thì phải có sự thống nhất, cho phép của các Sở chức năng. Các Sở này cũng phải chịu trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý việc trưng bày các tượng, biểu tượng, công trình mỹ thuật ngoài trời không phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

 ​Không thể cứ mãi tùy tiện, thích gì bày đó được. Nếu muốn cải thiện không gian công cộng trở thành không gian nghệ thuật, có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống cộng đồng thì nhất thiết cần phải có sự vào cuộc của các nhà chuyên môn, với bàn tay quản lý của các cơ quan chức năng…

(Họa sĩ Lương Xuân Đoàn)

 

 

HOÀNG VY

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top