Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Phác họa Hà Nội một thời

Thứ Sáu 15/06/2018 | 09:53 GMT+7

VH-  Hà Nội trên thực tế vẫn còn đó, dù phố xưa nhà cũ có biến đổi và đâu đó đã thoảng nét phôi pha. Còn một Hà Nội quá vãng, sâu thẳm trong mỗi người, trong ấy có “nét cọ” của Phan Vũ, với “Em ơi! Hà Nội phố”.

 Phan Vũ thường vẽ tranh và đề những câu thơ trong “Em ơi! Hà Nội phố

 “Mảnh ghép” phố

“Tuy không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng chỉ với Em ơi! Hà Nội phố, Phan Vũ mãi mãi là nhà thơ của riêng Hà Nội”-BTV Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã thốt lên như vậy khi biên tập ấn phẩm “Ta còn em”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Phan Vũ. “Ta còn em” in trọn vẹn trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” (cùng một số bài thơ riêng của ông từ 1956 đến nay).

“Em ơi! Hà Nội phố” thực ra không lạ, thậm chí rất quen thuộc với những ai yêu Hà Nội. Giai điệu của nhạc sĩ Phú Quang vẫn cất lên mấy chục năm qua về một Hà Nội lãng mạn, thân thương. Nhưng Phan Vũ có nhiều hơn thế. Trường ca gồm 24 khổ 443 câu là các phiên khúc tổng hòa thành bức tranh Hà Nội năm 1972 đẹp lộng lẫy, chân thật mà cũng đầy đau thương và bi tráng. Bức tranh đó được vẽ từ chính kí ức và kỉ niệm của nhà thơ với Thủ đô. Trong đau thương và khốc liệt của trận B52 12 ngày đêm, ông biết nhìn ra và chắt lọc những gì đẹp nhất, yên bình, lãng mạn và thanh lịch nhất của Hà Nội.

Tuổi 19, 20, Phan Vũ hay cùng với họa sĩ Bùi Xuân Phái lang thang Hà Nội, Bùi Xuân Phái vẽ phố còn ông thì nghĩ về phố. Vì nhìn đời sống qua tư duy hội họa nên thơ Phan Vũ giàu màu sắc. Ông chú ý phối hợp mảng màu khác nhau, những gam màu mạnh: “Ta còn em tiếng trống tan trường/ Màu thiên thanh lẫn trong tiếng rủ/ Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ/ Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?/ Những gót son dập dìu đại lộ/ Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa”… Những sắc màu ấy hợp lại thành bức tranh rộng lớn về Hà Nội với vẻ đẹp của sự thân thuộc, cả nỗi đau, quá khứ lẫn hiện tại, cả tấm lòng của nhà thơ.

Ta còn em

Cảm hứng về Hà Nội để Phan Vũ sáng tác trường ca là của năm 1972 bom rơi, đạn lửa. Nhưng ông không tập trung vào hình ảnh bom đạn, không đề cập quá nhiều đến đau thương, mất mát và chất hào sảng sâu xa cũng không phải toát lên từ hình ảnh “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” như nhiều sáng tác bấy giờ. Phan Vũ viết về con phố, hàng cây, về “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, về những “gót son”… Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, “Em ơi! Hà Nội phố” không chỉ viết về vẻ đẹp Hà Nội những năm 1970. Trường ca là một trang sử ký nho nhỏ về Hà Nội, với những liên tưởng suy ngẫm về tận thời xa xưa của những “đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ”, những cô hàng Kẻ Chợ mắt lúng liếng, những Trường Thi với chõng lều, “những giấc mơ lộng lẫy xiêm y”…

Tái hiện bức tranh Hà Nội với những hình ảnh mang đầy trầm tích văn hóa ấy, Phan Vũ còn đề tựa trường ca của mình “Gửi những người Hà Nội đi xa…” Đó như một lời nhắn nhủ những người xa Hà Nội, yêu Hà Nội hãy vững tin trong những ngày đạn lửa. “Ta còn em”, còn một “Hà Nội phố” mà không bom đạn kẻ thù nào có thể hủy diệt được. Ấy là phần hồn Hà Nội, là lịch sử văn hóa lắng đọng, tạo nên một vẻ đẹp lộng lẫy và bi tráng.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Hà Nội thực tế sẽ không thể mất đi cái chất của mình nhờ những điều tưởng chừng giản dị mà Phan Vũ đã phác họa một cách rất tự nhiên và xuất thần bằng thơ. “Có lẽ rồi thơ Phan Vũ sẽ đứng lại ở Em ơi! Hà Nội phố. Bài thơ như một níu giữ ký ức của Hà Nội, làm cho ta yêu Hà Nội hơn, hoài niệm, tiếc nhớ về Hà Nội hơn”. n

 Phan Vũ sinh năm 1926, là nhà thơ, nhà viết kịch, họa sĩ. Trường ca “Em ơi Hà Nội phố” được Phan Vũ viết vào mùa đông năm 1972, đến năm 1985, trong lần Phan Vũ gặp Phú Quang, nhạc sĩ đã lấy 21 câu thơ trong bài và phổ nhạc tạo thành ca khúc nổi tiếng “Em ơi, Hà Nội phố”. Giờ đây, Phan Vũ ở tuổi 92, sống tại Sài Gòn và hoạt động nghệ thuật chủ yếu của ông là vẽ tranh

 NGỌC HÀ

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top