Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Vui, buồn cho múa rối Việt

Thứ Tư 17/10/2018 | 10:00 GMT+7

VHO- Sau một tuần diễn ra sôi nổi, Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ V – 2018 đã khép lại, qua đó không chỉ nghệ sĩ múa rối trong nước mà nghệ sĩ quốc tế cũng như khán giả đều thừa nhận, Liên hoan Múa rối quốc tế tại VN đã trở thành một thương hiệu nghệ thuật, một sự kiện văn hóa.

 Vở “Trê – Cóc” của Nhà hát Múa rối Việt Nam được trao HCV

 Thông qua những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mỗi vở diễn, mỗi tiết mục đã giúp người xem hiểu thêm về con người, về giá trị tinh thần văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi lãnh thổ, quốc gia... Liên hoan cũng cho thấy sự phong phú của ngôn ngữ múa rối với nhiều thể loại từ rối bóng, rối nước, rối que, cho đến rối tay, rối mặt nạ… Các con rối được chế tác công phu, dưới sự điều khiển điêu luyện của diễn viên khiến nó trở nên vô cùng sinh động, khéo léo đến từng chi tiết của hành động nhân vật.

Tuy không chung ngôn ngữ nhưng người xem vẫn cảm nhận một cách trọn vẹn mọi giá trị của tác phẩm rối từ nội dung cho tới hình thức thể hiện. Đó là sự ghi nhận ở các vở diễn, tiết mục đoạt giải cao tại liên hoan lần này. NSND Vương Duy Biên, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan nhận định, có thể thấy rõ lòng yêu và say mê nghề của các nghệ sĩ quốc tế cũng như của Việt Nam đã làm nên thành công cho những tiết mục, vai diễn tại liên hoan. Các nghệ sĩ đã giới thiệu đến khán giả các tác phẩm khá đa dạng về loại hình từ rối cạn cho đến rối nước. Sự hấp dẫn của rối chính là sự khéo léo và bất ngờ. Nhiều tiết mục có sự sáng tạo, đan xen, phối hợp các loại hình nghệ thuật khác để làm phong phú đa dạng thêm nhưng không làm mờ nhạt bản chất vốn có của rối.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng vẫn là cái tên sáng giá của những cuộc liên hoan múa rối quốc tế cũng như trong nước gần đây. Ở liên hoan lần này, đạo diễn có tới ba vở diễn nhưng rõ ràng mức độ thành công của mỗi vở được ghi nhận ở những thước đo khác nhau bởi sự tìm tòi, sáng tạo. Đặc biệt, vở rối nước Trê - Cóc của Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã thực sự gây ấn tượng mạnh với đồng nghiệp khi xử lý thiết kế sân khấu rối nước diễn hai tầng cùng với tạo hình con rối rất sinh động, ngộ nghĩnh. Trê - Cóc đã giành trọn tình cảm của khán giả và đồng nghiệp tại liên hoan lần này với nhiều lời khen và sự thán phục. Vị giám khảo người Trung Quốc, Giám đốc Nhà hát Múa rối Hồ Nam Đàm Thanh Thông chia sẻ: “Nghệ thuật múa rối nước lâu nay đã trở thành một đặc sản văn hóa “độc nhất vô nhị” của Việt Nam. Thế nhưng tại liên hoan lần này, vở Trê - Cóc cũng như một số chương trình múa rối nước của Việt Nam đã thực sự có những tìm tòi bứt phá nổi trội hơn so với những chương trình rối nước truyền thống trước đây. Các nghệ sĩ Việt Nam đã tiếp thu được những tinh túy của nghệ thuật rối nước truyền thống và phát triển rối nước với tư duy mới, rất hiện đại từ kỹ thuật điều khiển con rối cho tới các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng. Tôi tin chắc rằng các chương trình rối nước của Việt Nam khi mang sang Trung Quốc hay quốc tế biểu diễn sẽ rất ăn khách”.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, việc tổ chức liên hoan múa rối quốc tế đã giúp cho các nghệ sĩ Việt Nam cũng như quốc tế nhìn nhận, đánh giá được những chương trình, tiết mục của mình và kinh nghiệm làm thế nào để múa rối thực sự “xuất khẩu” thành công khi diễn ở quốc tế. Rõ ràng bên cạnh đặc sản ưu thế của rối nước truyền thống của Việt Nam thì nhìn vào một số chương trình rối cạn quốc tế như Lào, Bỉ, Pháp... các nghệ sĩ của ta cũng đã rút ra được ít nhiều kinh nghiệm để tìm ra cách thể hiện thành công cho ngôn ngữ rối. Chương trình biểu diễn của Đoàn múa rối quốc gia Lào đã mang tới một lối dàn dựng rất hiện đại không chỉ từ nội dung hướng tới vấn đề bảo vệ môi trường mà ở cách xử lý tạo hình con rối thông minh bằng mây, tre, vải... những vật liệu công phá mạnh mẽ với rác thải tự nhiên.

NSND Vương Duy Biên đã phải bày tỏ vừa vui nhưng cũng là nhược điểm của một số tiết mục, vở diễn, đặc biệt là của Việt Nam, đó là còn thoại nhiều, rườm rà, nên “nói ít hiểu nhiều” vì liên hoan mang cả yếu tố trong nước và quốc tế nên làm sao để khán giả quốc tế cũng như Việt Nam có thể xem, cảm nhận được bằng hình ảnh, hành động của nghệ thuật rối muốn truyền tải, không nên áp đặt ý chủ quan của đạo diễn vào nhân vật mà nên để nhân vật gợi mở cho khán giả… Đó là lý do mà hai nghệ sĩ Vương quốc Bỉ đã được đánh giá cao tại liên hoan bởi qua kỹ thuật điều khiển con rối của họ, con rối trở nên vô cùng trí tuệ, sống động. Chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ Bỉ cũng như một số chương trình, tiết mục nước ngoài đã tạo nên sức hấp dẫn thú vị khi có tính tương tác cao với khán giả. Có lẽ đây cũng là một bài học kinh nghiệm đối với nghệ sĩ Việt Nam khi xây dựng những chương trình, tiết mục biểu diễn ở nước ngoài. 

  2 HCV, 3 HCB cho chương trình, tiết mục xuất sắc; 8 HCV, 13 HCB cho diễn viên, nhóm diễn viên xuất sắc; Trong đó, 2 HCV thuộc về Trê - Cóc (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Âm thanh của nhà tôi (Đoàn múa rối quốc gia Lào). Giải Chương trình ấn tượng được trao cho Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Giải xuất sắc cho các thành phần sáng tạo bao gồm: Đạo diễn xuất sắc, Tạo hình con rối xuất sắc, Trang trí sân khấu xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc; Trang phục xuất sắc. Giải Tài năng trẻ xuất sắc được trao cho nghệ sĩ Christian Elijah đến từ Đoàn múa rối Lunaria của Cộng hòa Philippines.

 

THÚY HIỀN

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top