Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nhà hát Lớn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Hiện tượng vui... ở Nhà hát Lớn

Thứ Tư 10/05/2017 | 09:19 GMT+7

VH- Khán giả nhí chen chân đông nghịt ở cửa soát vé của Nhà hát Lớn, phòng bán vé của Nhà hát Lớn trở nên nhộp nhịp khác thường so với các buổi diễn khác, các phe vé chạy đôn đáo, tranh cướp cả người mua vé... Những hiện tượng lạ này được ghi tại hai đêm biểu diễn các vở “Aladanh và cây đèn thần”, “Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh” của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Khi mua vé chưa phải là thói quen...
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Văn Hoá tại đêm diễn vở Aladanh và cây đèn thần vào (tối 6.5) và vở Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh (tối 7.5) tại Nhà hát Lớn Hà Nội có rất nhiều khán giả đứng trước cửa soát vé ở Nhà hát Lớn và có một số đã phải ra về vì không có vé vào xem. Nguyên nhân là do một số gia đình chỉ mua vé cho người lớn và cho trẻ em đi kèm bố mẹ. Vì không có thói quen xem nghệ thuật, nhất là chương trình thiếu nhi thì phải tính theo đầu người kể cả trẻ em cũng phải có vé nên khi vào cổng soát vé, một số gia đình đã phải dừng lại gây ùn tắc trước cổng vào.
Thói quen phải mua vé và mua vé đủ cho từng thành viên kể cả trẻ em nhỏ đã khiến không ít người băn khoăn liệu có nên bỏ thêm số tiền 200.000 đồng đến 500.000 đồng/vé để mua thêm 1, 2 tấm vé thiếu để vào cả nhà. Sau một hồi đắn đo, một số ông chồng đã để vợ dẫn con vào xem, còn mình thì ra quán cà phê ngồi chờ... Ngược lại, có gia đình đi chơi cuối tuần vô tình thấy Nhà hát Lớn sáng đèn nhộn nhịp với chương trình múa rối ngay lập tức bỏ tiền triệu để mua vé vào xem cả nhà.

 Khán giả xem tại khán phòng Nhà hát Lớn


Gia đình của chị Phan Huyền Diễm hiện đang công tác tại Hội chữ thập đỏ Pháp mua 5 vé cho cả nhà xem chương trình Aladanh và cây đèn thần, chia sẻ: “Lâu nay, vợ chồng tôi luôn theo dõi các quảng cáo chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn và rất tin tưởng khi thấy các chương trình diễn ở đây đều rất chọn lọc, có chất lượng. Lần này mới thấy có quảng cáo chương trình múa rối cạn dành cho thiếu nhi nên chúng tôi đã cho cô con gái nhỏ 6 tuổi đi xem và rủ thêm cả một người bạn khác cũng cho con gái đi xem cùng... Chúng tôi rất mong Nhà hát Lớn sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật hay, chất lượng như thế này để trẻ em cũng có cơ hội được vào xem và tham quan Nhà hát Lớn".
Một phụ huynh có con đang học Trường Mầm non Bình Minh, Hà Nội cho biết chị thấy con mình khoe trường của bạn có tổ chức bán vé xem múa rối ở Nhà hát Lớn nên chị đã lặn lội tìm đến Nhà hát Lớn để mua vé cho con. Chị chia sẻ: “Giá vé xem 500.000 đồng/vé đối với một chương trình nghệ thuật múa rối là hơi cao. Nên tôi chỉ dám mua hạng vé thấp nhất giá là 200.000 đồng/vé”.
Trước giờ biểu diễn chương trình rối cạn tại Nhà hát Lớn, nhiều phe vé đôn đáo mời chào, tranh giành khách. Đây là hiện tượng không đẹp mắt, cần loại bỏ nhưng cũng là hiện tượng "hiếm" ở Nhà hát Lớn trước cửa rạp.

Rất nhiều người không có vé vào xem

 

Bà dắt các cháu cùng vào xem

 

Hay thì nhất định sẽ bán được vé
Cả hai chương trình rối cạn được Nhà hát Múa rối VN lựa chọn biểu diễn tại Nhà hát Lớn đều là khai thác những câu chuyện gần gũi, quen thuộc với thiếu nhi VN và thế giới, đó là lý do trước khi biểu diễn tại Nhà hát Lớn thì các chương trình này được coi là đắt hàng của đơn vị mỗi khi vào đợt phục vụ thiếu nhi như Quốc tế thiếu nhi 1.6 hay rằm Trung thu, Noel... Hai chương trình đã giành giải cao tại Liên hoan Múa rối chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế và đều do đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng.
Chị Nguyễn Hoài Hương ở Tây Sơn, Hà Nội cho cô con gái 7 tuổi đi xem. Kết thúc chương trình Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh tối 7.5 nhưng hai mẹ con vẫn nấn ná đứng để được chụp hình với diễn viên đóng các nhân vật trên sân khấu.
Chị cho biết : “Lâu nay tôi và nhiều người vẫn nghĩ múa rối chỉ phục vụ khán giả nước ngoài bởi lúc nào cũng chỉ loanh quanh những trò rối nước cổ mà không có những chương trình mới. Tôi được một đồng nghiệp tặng cho 1 đôi vé xem chương trình Aldanh và cây đèn thần vì gia đình chị ấy có việc bận đột xuất. Đi xem mới biết nghệ thuật rối cạn lại phát triển mạnh mẽ và hấp dẫn đến thế. Đó là lý do tôi đã tiếp tục mua vé xem bỏ tiền ra mua vé vở Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh, cảm giác cũng vẫn rất tuyệt. Sân khấu thật hoành tráng và lộng lẫy. Cảm ơn các nghệ sĩ đã cho các con xem những buổi diễn vô cùng hấp dẫn và lý thú. Và cũng cảm ơn người bạn đã tài trợ vé xem cho mẹ con tôi”.


 Một số tiết mục của Nhà hát Múa rối đã diễn ra tại Nhà hát Lớn HN được đông đảo khán giả yêu thích. Ảnh: Trần Huấn
Nhìn những gương mặt các em nhỏ háo hức xếp hàng dài để được vào xem rối, chứng kiến những tràng pháo tay và tiếng cười hồn nhiên của các em khi xem chương trình... sẽ thấy múa rối nói chung, rối cạn nói riêng đã và đang có một vị trí trong đời sống xã hội khi mà đã có những đối tượng thực sự yêu thích như các em thiếu nhi. Vấn đề ở đây là làm sao tạo được một thói quen cho khán giả, đặc biệt là các bậc phụ huynh có được thói quen bỏ tiền ra mua vé xem nghệ thuật cho con em mình đi xem. Các nhà hát, các đơn vị tổ chức biểu diễn cần có những động thái nối nhịp cầu đưa vở diễn hay, hấp dẫn đến được với khán giả nhí. 


Thúy Hiền
 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top