Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Người đi tìm minh chủ: Làm sang cho sân khấu cải lương

Thứ Bảy 04/08/2018 | 16:06 GMT+7

VH- Với Người đi tìm minh chủ vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn, thêm một lần, Triệu Trung Kiên lại ghi dấu ấn với khán giả và đồng nghiệp về phong cách dàn dựng.

Sân khấu thiết kế đơn giản kết hợp với dàn diễn viên phụ hoạ tạo nên không gian ấn tượng

 Hai suất diễn đầu tiên ra mắt vở Người đi tìm minh chủ đã mang lại cho khán giả nói chung và đồng nghiệp làm sân khấu những cảm xúc thật đặc biệt bởi tác giả, đạo diễn và các nghệ sĩ đã tạo được những lát cắt thú vị, tinh tế và rất hấp dẫn về cuộc đời nhân vật lịch sử danh sĩ Ngô Thì Nhậm, một con người tài ba lỗi lạc, đức độ vẹn toàn, một chí sĩ yêu nước, thương nòi, tận hiến cả đời để phò vua, giúp nước.

Tiếp cận lịch sử bằng góc nhìn đương đại

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương VN cho biết, Người đi tìm minh chủ  là vở diễn do Bộ VHTTDL đặt hàng Nhà hát năm 2018. Khi đọc kịch bản này của tác giả, PGS.TS Trần Trí Trắc, đạo diễn đã thấy kịch bản rất thuận và có nhiều “đất” cho sân khấu cải lương. Cuộc đời và số phận của danh sĩ Ngô Thì Nhậm với nhiều khúc quanh đầy nghiệt ngã của lịch sử khi làm bày tôi của các chúa nhà Trịnh rồi bỏ sang làm quan cho triều Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm trở thành trung tâm đàm tiếu của người đời thời đó. Kẻ sĩ phu chê trách Ngô Thì Nhậm đã ít nghĩ đến vua Lê mà chỉ hết lòng với chúa Trịnh, sau lại bỏ cả Lê, Trịnh mà theo Tây Sơn như thế là bất trung. Ông cũng không được các sử gia thời nhà Nguyễn nhìn nhận đúng công sức, trái lại còn ra sức bôi nhọ vì thâm thù của nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn. Người ta còn lên án ông đã đứng về phía Đặng Thị Huệ dẫn đến “giết bốn người cha" gồm cha đẻ và bạn bè thân của cha để tiến thân là bất hiếu.

Đặng Trần Thường (Nghệ sĩ Quang Khải) ra roi tẩm thuốc độc hãm hại Ngô Thì Nhậm (nghệ sĩ Văn Đáng)

 Người đi tìm minh chủ đã có một cách nhìn rất riêng khi lý giải những uẩn khúc về nhân vật lịch sử Ngô Thì Nhậm. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt toát lên chính là nỗi niềm của nhân vật khi vật vã đi tìm minh chủ cho mình với quan điểm: “Người chính nhân phải biết coi vua chúa không bằng quốc gia, dân tộc. Kẻ quân tử chỉ biết thờ quốc gia dân tộc, chứ không thờ chúa, thờ vua”. Cũng bởi quan điểm ấy mà cuộc đời Ngô Thì Nhậm cứ mải miết đi tìm minh chủ để cống hiện cuộc đời mình vì quốc thái, dân an và chịu nhiều thăng trầm, oan khuất “Kim cổ vô cùng giang mạc mạc. Anh hùng di hận kỷ thiên niên”. Bi kịch của nhân vật Ngô Thì Nhậm cũng là bi kịch của biết bao anh hùng, chí sĩ qua nhiều thời đại khi bất lực nhìn cảnh vua chúa giết hại lẫn nhau, huynh đệ tương tàn… Vở diễn đã thể hiện rất tốt cái chất của nhân vật,  ở cương vị nào ông cũng chứng tỏ sự quang minh, chính đại, không màng lợi lộc, tất cả vì quốc gia và dân tộc, đồng thời đóng góp cho sự nghiệp lẫy lừng của vua QuangTrung, trong đó có việc đánh tan ba mươi vạn quân Thanh xâm lược. Cuộc đời Ngô Thì Nhậm loé sáng như “cá gặp nước” khi đầu quân về nhà Tây Sơn, phục vụ vua Quang Trung, chỉ tiếc là sự loé sáng ấy chỉ được 2 năm thì vua Quang Trung qua đời và xã hội lại chìm lấp thăng trầm dưới thời Gia Long vua Gia Long lên ngôi và sự xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ XIX. Với góc nhìn của con người đương đại, ê kíp sáng tạo vở  đã chuyển tải những thông điệp những cách nhìn khách quan nhất nhằm xoá nhoà những nghi vấn lịch sử, hoá giải những oan khiên mà Ngô Thì Nhậm phải hứng chịu, làm nổi bật những công lao to lớn của ông đối với quốc gia, dân tộc.

Nghệ sĩ Quang Khải (bên phải) đã “lột xác” vào một vai diễn rất khác chất và tạo được nhiều tiếng cười từ khán giả

          Hai tiếng rưỡi xem không biết chán

Xem xong vở diễn nhiều người nhìn đồng hồ mới biết là vở có thời lượng dài tới 2 tiếng rưỡi. Cái cảm giác xem mà không sốt ruột, xem mà thấy hấp dẫn không phải tác phẩm nào cũng có thể đạt được như ở Người đi tìm minh chủ. “Một câu chuyện lịch sử có nhiều cách thể hiện khác nhau, không nhất thiết phải theo khuôn mẫu...Dẫu là vở lịch sử hay ở đề tài nào nếu biết cách xây dựng, khai thác và tiếp thị biểu diễn thì vở diễn sẽ ăn khách. Trong khi giáo dục lịch  sử đang bị kêu ca là “khô cứng” khó cuốn hút học sinh, việc xây dựng một tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử phản ánh các hình tượng của lịch sử một cách sống động, hấp dẫn như Người đi tìm minh chủ là điều vô cùng cần thiết và cần được khuyến khích, ủng hộ”, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Quang Vinh nhận xét.

Đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên đã rất chắc tay khi khai thác các tác phẩm đề tài lịch sử như: Đế đô sóng cả, Dấu ấn giao thời,  Trời Nam, Ni sư Hương Tràng... Nhiều đồng nghiệp đánh giá cao Người đi tìm minh chủ hơn một số vở mà đạo diễn đã từng dựng, cho rằng vở diễn đã chạm tới cảm xúc của người xem với một lối dàn dựng cực kỳ ấn tượng cũng như cách lựa chọn đúng nhân vật cho từng giọng ca vàng mang thương hiệu của Nhà hát Cải Lương Việt Nam. Người đi tìm minh chủ mang tới một không gian sân khấu rất hiện đại, sang trọng nhưng vẫn khai thác triệt để những yếu tố tả ý, xây dựng biểu tượng. Các nghệ sĩ biểu diễn trong các hình tượng nhân vật lịch sử đã ý thức đặc tả được sự chân thực trong từng tính cách nhân vật, khai thác triệt để những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm nhân vật.  Đặc biệt là việc xử lý không gian sân khấu được đạo diễn, hoạ sĩ thiết kế một khối lập phương mang biểu tượng Khuê Văn Các đã tạo nên nhiều không gian sân khấu cũng như sự thay đổi về hoàn cảnh và giai đoạn lịch sử. Khối lập phương ấy được di chuyển, được mở đóng khi là tạo cảnh cung đình, cảnh ở thôn quê, lúc lại là nơi để cho những cuộc bàn tán thì thụt âm mưu của thế lực xấu… Việc xử lý dàn diễn viên phụ diễn của đạo diễn cũng rất phá cách, rất khéo léo uyển chuyển thiên biến vạn hoá, có khi họ làm phông cảnh cho vở, khi lại là những tấm bia như có hồn cốt biết đau đớn, khắc khỏi trước vận mệnh của đất nước, lúc lại là những kiêu binh…

Nữ nghệ sĩ Như Quỳnh nổi tiếng với các vai đào thương thì nay vào vai đào lệch

Khi nữ nghệ sĩ Minh Lý trong vai cô Đào Thuý (người đàn bà tri kỉ của Ngô Thì Nhậm) cất lên tiếng hát đầy ai oán, nức nở khi danh sĩ mất, nhiều khán giả đã không ngăn được dòng lệ thương cảm, ngậm ngùi cho số phận bạc của danh sĩ. Lần này, Minh Lý đã chứng tỏ cô không chỉ hát cải lương mà khi hát ca trù, hát văn cũng rất tốt. Vai Ngô Thì Nhậm của nghệ sĩ Văn Đáng cũng rất ấn tượng bởi sự nhuần nhuỵ, ra chất một sĩ phu Bắc Hà. Văn Đáng đã cho thấy được những giằng xé phức tạp trong nội tâm của nhân vật Ngô Thì Nhậm trước cuộc đời đầy bể dâu. Đáng ngạc nhiên là lần này đạo diễn đã mạnh dạn giao vai rất khác với mô tip của hai giọng ca có thương hiệu của đơn vị là  Quang Khải và Như Quỳnh, chính điều này đã giúp cho nghệ sĩ thử nghiệm và khám phá chính khả năng của mình. Đơn cử như  Quang Khải vào vai Đặng Trần Thường một kẻ ngủ dốt, hèn hạ, dâm… vì mối tư thù mà đã tẩm thuốc độc vào roi đánh Ngô Thì Nhậm dẫn đến cái chết thương tâm. Rất bất ngờ khi thấy Quang Khải đã “lột xác” thành công khi những màn diễn xuất hiện Đặng Trần Thường của Quang Khải lại là những màn diễn vô cùng ấn tượng,  nhất là khả năng diễn hài khá duyên của Quang Khải.

Người đi tìm minh chủ khép lại với những tràng pháo tay không dứt từ khán giả cho thấy sự thành công và sức hấp dẫn của vở diễn. Hơn thế, đạo diễn đang có ý tưởng đưa vở ra biểu diễn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nôi) nhằm tận dụng tối đa khung cảnh thực của Khuê Văn Các làm sân khấu, giúp cho người xem co cảm giác sống lại trong không khí của giai đoạn lịch sử. Nhà hát cũng đang lên kế hoạch huy động các nhà tài trợ cùng chung tay quảng bá nghệ thuật cải lương đến với đông đảo du khách, đồng thời, tạo làn gió mới cho nghệ thuật cải lương trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang gặp nhiều khó khăn về thị trường khán giả và nguồn kinh phí hoạt động. Cách khai thác đề tài lịch sử, lối dàn dựng kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và đương đại, khả năng diễn và ca rất tốt của dàn nghệ sĩ, chắc chắn những vở diễn về đề tài lịch sử như Người đi tìm minh chủ sẽ được khán giả yêu quý đón nhận.

 

Thuý Hiền

 

 

 

 

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top