Tràn lan quảng cáo và kinh doanh áo phông in hình lá cần sa: Chủ tịch Hội đồng quản lý PSD: “Tôi khẳng định đây là hình thức tuyên truyền cho ma tuý”

Tràn lan quảng cáo và kinh doanh áo phông in hình lá cần sa: Chủ tịch Hội đồng quản lý PSD: “Tôi khẳng định đây là hình thức tuyên truyền cho ma tuý”

VH- Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã khẳng định với PV Báo Văn Hoá như vậy và cho rằng các cơ quan Nhà nước cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc in ấn, quảng cáo, mua bán công khai các loại áo, mũ…in hình lá cần sa vì hiện tượng này đang “tiếp tay” tuyên truyền cho ma túy.

Nghiên cứu nguyên nhân tái sử dụng, tái nghiện ở người cai nghiện ma túy của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho thấy, trong 10 năm trở lại đây người nghiện heroin chiếm tỉ lệ cao nhất là 88,2%, sau đó là ma túy đá và thuốc phiện; người nghiện cần sa chiếm 44,5% và chủ yếu là thanh niên trong độ tuổi lao động, trình độ học vấn là phổ thông.
Ông Lê Trung Tuấn cho biết, lá cần sa phơi khô thái nhỏ như thuốc lào, dùng cuốn điếu hút và được nhiều người sử dụng vì giá thành rẻ. Cũng như nhiều loại ma túy khác, người hút cần sa lúc đầu có cảm giác hưng phấn thích thú, sau đó hút nhiền dẫn đến hiện tượng hoang tưởng, có người rối loạn tâm thần. Khi nghiện cần sa rồi thì người nghiện lười lao động, lười tắm... và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì thế tác hại của cần sa cũng rất nguy hiểm.

Tràn lan quảng cáo và kinh doanh áo phông in hình lá cần sa: Chủ tịch Hội đồng quản lý PSD: “Tôi khẳng định đây là hình thức tuyên truyền cho ma tuý” - Anh 1

 Ông Lê Trung Tuấn (áo trắng) chia sẻ các biện pháp để cai nghiện và chống tái nghiện thành công Ảnh: Viện PSD cung cấp

"Tôi khẳng định đây là một hình thức tuyên truyền cho ma túy và đã tuyên truyền là vi phạm pháp luật... Cũng không loại trừ đây có thể là một chiêu trò của tội phạm buôn bán ma túy nhằm kích thích tiêu thụ và tạo điều kiện buôn bán cần sa được dễ dàng hơn." (Ông Lê Trung Tuấn)

Nghiên cứu chỉ ra rằng, trong công tác cai nghiện ma túy thì hành vi tái nghiện ma túy là do người đã cai nghiện, thậm chí là cả những người đang nghiện ma túy gặp các tác nhân kích thích có điều kiện (các tín hiệu) dẫn tới xuất hiện cảm giác thèm nhớ ma túy. Nếu các tác nhân này đủ mạnh về cường độ sẽ dẫn tới thúc đẩy nhu cầu sử dụng ma túy mạnh mẽ. Nếu không được thỏa mãn sẽ dẫn đến sự căng thẳng tâm lý, hay tình trạng đói ma túy mà cuối cùng buộc người nghiện phải giải quyết bằng hành vi sử dụng ma túy.
Có 4 nhóm nguyên nhân dẫn tới tái nghiện và tái sử dụng ở người cai nghiện ma túy là do tác nhân hình ảnh, cảm xúc, tình huống hành vi nguy cơ và yếu tố ngôn ngữ. “Do đó, với người nghiện cần sa thì hình ảnh áo phông in hình lá cần sa chính là một tác nhân gây ảnh hưởng đến não bộ người nghiện hoặc người đã cai nghiện cần sa. Nếu có nhiều người mặc áo, mũ… mang hình ảnh này, tức là tần suất, cường độ hình ảnh lá cần sa xuất hiện trước người đã cai nghiện hoặc đang nghiện sẽ làm thúc đẩy hành vi hút cần sa của họ”, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện PSD nhận định.
“Về việc bán áo phông in hình lá cần sa, tôi khẳng định đây là một hình thức tuyên truyền cho ma túy và đã tuyên truyền là vi phạm pháp luật. Trước hết người kinh doanh nắm bắt được thị hiếu của thanh niên, trong khi nhiều thanh niên chưa biết đấy là lá cần sa, vì thế việc quảng cáo này cần phải được ngăn chặn ngay. Nhưng cũng không loại trừ đây có thể là một chiêu trò của tội phạm buôn bán ma túy nhằm kích thích tiêu thụ và tạo điều kiện buôn bán cần sa được dễ dàng hơn”, ông Lê Trung Tuấn nói.

"Hiện nay tại khá nhiều chợ, siêu thị có bầy bán quần áo, mũ, phụ kiện có in hình lá cần sa. Đặc biệt tôi có nhìn thấy một quán karaoke cạnh bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) có biểu tượng lá cần sa bằng đèn led được đặt công khai trước mặt phố. Đây chính là hành vi tuyên truyền cho ma túy, dù là vô tình hay cố ý. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì biểu tượng lá cần sa có thể tràn ngập phố phường, điều này vô hình trung đã quảng bá cho ma túy cần sa." (Ông Lê Bá Sâm, cán bộ Viện PSD)


Hiện nay, các nhóm mua bán, sử dụng ma túy lập thành hội nhóm nhỏ, lập các trang mạng xã hội để mở rộng hơn nữa việc sử dụng ma túy; có thể có một nhóm người nào đấy lợi dụng thị hiếu thanh niên để tuyên truyền về lá cần sa, tuyên truyền về mua bán lá cần sa.
Cần sa chỉ là một thị phần nhỏ của ma túy, ngoài ra còn có rất nhiều loại khác như thuốc lắc, cỏ Mỹ, heroin… “Vì thế nếu không có sự chỉ đạo, kiểm soát quyết liệt từ phía Bộ Công an, các cơ quan chức năng liên quan và không kiểm soát được các trang mạng tràn lan như thế này, với hình thức tuyên truyền sâu rộng như thế này thì việc mua bán không chỉ là một cái áo in hình lá cần sa, không chỉ là quảng cáo cho lá cần sa mà còn là quảng cáo cho các loại shisa trá hình (trộn ma túy), thuốc lắc, cỏ Mỹ, ma túy đá...”, ông Tuấn cảnh báo.
Là người làm công tác cai nghiện, ông Tuấn cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho cộng đồng xã hội, phụ huynh học sinh sinh viên để họ cảnh báo cho con em mình. Việc in hình ảnh lá cần sa có những tác động nguy hiểm vì hiện nay có rất nhiều loại hình gây nghiện khác nhau như shisha trá hình trộn cần sa, trộn cỏ Mỹ cũng đang được quảng cáo tràn lan. Giới trẻ hút, gây nghiện rất nhiều. Vì thế phải có cơ chế quản lý giám sát thật chặt các loại tiền chất dành cho việc sản xuất, bào chế ma túy này, kể cả các loại hình quảng cáo. Hệ thống thông tin cũng cần phải được kiểm soát, tại sao lại để cho những hình ảnh in trên sản phẩm, việc mua bán, quảng cáo công khai như vậy?

L.T.S: Liên tục trong 6 số báo gần đây, từ số 2785 ra ngày 18.5, Báo Văn Hóa đã đăng tải loạt bài xung quanh việc Tràn lan quảng cáo và kinh doanh áo phông in hình lá cần sa. Hầu hết ý kiến của các chuyên gia, luật sư, người làm công tác chuyên trách về phòng chống ma tuý của quốc gia và các nhà quản lý đều tỏ ra quan ngại và xem đây là hình thức kinh doanh, quảng cáo cần phải được ngăn chặn. Một chuyên gia và cũng là một nhà nghiên cứu về vấn đề này đã khẳng định: “Đây là hình thức tuyên truyền cho ma túy, vi phạm luật và các cơ quan nhà nước cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời”. Về phía mình, chúng tôi xin tạm dừng loạt bài này ở đây và rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc với tinh thần không để cho những hình ảnh có liên quan đến ma tuý này được tồn tại, quảng cáo và kinh doanh một cách công khai như hiện nay.

Chúng tôi cũng xin sẵn sàng tiếp nhận ý kiến và thông tin của bạn đọc về vấn đề này để chuyển đến cơ quan chức năng có liên quan. Mọi ý kiến và thông tin xin gửi về: Báo Văn Hoá, 124 Nguyễn Du, Hà Nội; Email: baovanhoa@fpt.vnbandocbvh@yahoo.com.vn

Quỳnh Hoa

Ý kiến bạn đọc