LHP Việt Nam lần thứ XXI: Điểm nhấn với “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh”

VHO- Trong khuôn khổ các hoạt động của LHP Việt Nam lần thứ XXI, cùng với những tác phẩm điện ảnh tham gia chương trình phim toàn cảnh và các hạng mục dự thi, dấu ấn được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho công chúng yêu mến môn nghệ thuật thứ 7 còn là những hình ảnh giá trị, được bài trí công phu tại triển lãm “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh”.

LHP Việt Nam lần thứ XXI: Điểm nhấn với “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh” - Anh 1

 Ông Vũ Nguyên Hùng, Q.Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện tổ chức triển lãm chia sẻ, chủ đề biển đảo là nguồn cảm hứng mênh mông, vô tận cho các nhà làm phim và các tác phẩm điện ảnh. Tại triển lãm này, công chúng sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp đẽ của biển đảo Việt Nam trong nhiều bộ phim đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Viện Phim Việt Nam sẽ khai thác và thể hiện như thế nào về chủ đề biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh, thưa ông?

- Ông Vũ Nguyên Hùng: LHP Việt Nam XXI được tổ chức tại thành phố biển xinh đẹp Vũng Tàu. Đây chính là cái duyên để chủ đề triển lãm “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh” càng trở nên ý nghĩa. Ban tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XXI mong muốn qua các hình ảnh tại triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng những cảnh sắc tươi đẹp của biển đảo Việt Nam, qua đó khơi dậy, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là niềm tự hào với biển đảo Việt Nam.

Địa điểm triển lãm là Nhà truyền thống Cách mạng Vũng Tàu. Tại không gian này, với khoảng 30 tấm pano, Viện Phim Việt Nam sẽ chuyển tải ý tưởng của cuộc triển lãm thông qua các nội dung: Phần giới thiệu chung bao gồm pano giới thiệu LHP Việt Nam XXI; Pano giới thiệu tổng quát chung về triển lãm. Phần giới thiệu hình ảnh biển đảo Việt Nam trong các phim điện ảnh được xem là điểm nhấn, 28 pano sẽ khắc họa ấn tượng các chủ đề: Biển đảo Việt Nam trong các phim về đề tài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và trong thời kỳ thống nhất, xây dựng đất nước; Biển đảo Việt Nam trong các phim về thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Phần cuối cùng chắc chắn cũng sẽ mang đến ấn tượng cho công chúng với nội dung giới thiệu những hình ảnh đẹp về biển đảo Việt Nam.

Chủ đề biển đảo trong điện ảnh sẽ được thể hiện như thế nào để hài hòa với khẩu hiệu của LHP năm nay: “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”, thưa ông?

- Ngay trong phần giới thiệu chung, pano giới thiệu LHP Việt Nam lần thứ XXI - 2019 đã lấy hình ảnh logo nhận diện của LHP với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập” là điểm nhấn. Các yếu tố dân tộc, nhân văn cũng được thể hiện hài hòa cùng với các yếu tố sáng tạo và hội nhập trong cách khai thác chủ đề về biển đảo trong tác phẩm điện ảnh. Ở đó, công chúng sẽ cảm nhận được niềm tự hào về tài nguyên biển đảo, xuyên suốt mọi thế hệ, từ ngàn xưa cho đến hôm nay của người dân Việt Nam. Trải dọc theo chiều dài đất nước, biển đảo chiếm trọn tình yêu và niềm tự hào của người dân Việt Nam. Trong chiến tranh, biển đảo trở thành chiến tuyến bảo vệ đất nước. Khi hòa bình, với lợi thế về phong cảnh, tiềm lực dồi dào, biển đảo góp phần không nhỏ để phát triển kinh tế nước nhà. Bảo vệ biển, bảo vệ ngư trường đồng nghĩa với việc giữ lại môi trường sống cho các thế hệ. Từ bao đời nay, biển đảo mang lại nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ điện ảnh. Hình ảnh biển đảo trở thành bối cảnh và góp phần tạo nên thành công của nhiều bộ phim.

Triển lãm của chúng tôi sẽ mang đến cho người xem hơn 200 hình ảnh về biển đảo của Việt Nam trong một số phim truyện, phim tài liệu Việt Nam. Trong đó có những bộ phim điện ảnh nổi tiếng, đi cùng năm tháng và mãi mãi sống trong lòng khán giả. Ở nội dung biển đảo Việt Nam trong các phim đề tài chiến tranh và thời kỳ thống nhất, xây dựng đất nước có thể kể đến các bộ phim như Chung một dòng sông (1959), Chị Tư Hậu (1963), Chiến đấu giữ đảo quê hương (1964), Những cô gái Ngư Thủy (1969), Vùng đảo dựng chiến lũy (1979), Đường mòn trên Biển Đông (1994), Bản hùng ca về biển (1998), Đời cát (1999), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (2003), Nhìn ra biển cả (2010), Người cộng sự (2013)…

Ở nội dung biển đảo Việt Nam trong các phim về thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, các phim được giới thiệu tại triển lãm có thể kể đến: Ngọn đèn trên sóng (2001), Đảo Lý Sơn (2009), Làng lính nơi đảo xa (2009), Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc (2010), Bám biển (2014), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Bám biển (2016), Đảo của dân ngụ cư (2017), Nhớ biển (2017), Biển xanh kỳ thú (2018), Người bất tử (2018)… Đây là những phim đang được Viện Phim Việt Nam lưu trữ. Ngoài ra, còn có thể có nhiều bộ phim khác về biển đảo nhưng chúng tôi chưa sưu tầm được nên không hiện diện tại triển lãm này.

Được biết cùng với triển lãm, Viện Phim Việt Nam sẽ tham gia LHP năm nay với phim tài liệu “Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam”. Ông có thể chia sẻ vì sao Viện Phim Việt Nam chọn bộ phim này tham dự LHP?

- Cũng như chủ đề biển đảo, đề tài lịch sử luôn là nội dung được các nhà điện ảnh khai thác, đặc biệt trong điện ảnh tài liệu. Vào những năm 60 thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, nhà làm phim Hà Lan Joris Ivens đã được mời đến Việt Nam để đưa tin ra thế giới về những gì đang diễn ra tại đây. Ông nhận thấy rằng, cuộc chiến tranh ở đây còn khốc liệt hơn rất nhiều cuộc chiến ở Tây Ban Nha, Chi Lê, Đông Đức, Trung Quốc, Mali, Cuba… Ông đã thực hiện 3 bộ phim tài liệu phóng sự về cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam, ghi hình cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng tiêu biểu hai miền Nam Bắc vào năm 1969, chỉ vài tháng trước khi Bác qua đời.

Dựa theo tư liệu từ 4 bộ phim này, Viện Phim Việt Nam tái hiện hình ảnh một nghệ sĩ tài năng và tình cảm của ông với dân tộc Việt Nam. Những thước phim của ông đã tạo nên phong trào đoàn kết quốc tế dành cho Việt Nam, góp phần vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân ta. Trải qua năm tháng lịch sử, tinh thần thời đại trong phim vẫn vẹn nguyên giá trị. Đặc biệt, bộ phim là minh chứng cho giá trị tư liệu lưu trữ hình ảnh động được phát huy, trở thành nguồn tư liệu vô giá cho thế hệ ngày nay hiểu thêm về lịch sử dân tộc, về truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân ta.

Làm phim về đề tài lịch sử như “Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam” có gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Trước hết phải kể đến là số tư liệu gồm 2.000 trang tài liệu giấy, ảnh và áp phích phía Hà Lan trao tặng Viện Phim hoàn toàn là tiếng nước ngoài. Viện Phim phải mất một năm nghiên cứu để có thể hiểu được nội dung số tài liệu này, để từ đó hình thành ý tưởng cho bộ phim. Bên cạnh đó là quá trình đi tìm kiếm những dấu vết lịch sử, những chuyến trở lại Vĩnh Linh quay tư liệu hồi tưởng, khi tất cả đều đang phai mờ theo năm tháng. Đoàn quay tư liệu của Viện Phim Việt Nam đã rất vất vả để liên hệ được những nhân chứng của 50 năm trước. Và chúng tôi đã được họ giúp đỡ rất nhiệt tình. Bởi với bộ phim này, dường như họ đã được trở về với những ký ức xa xưa, vô cùng giá trị.

Ông có kỳ vọng gì về những nội dung tham dự LHP của Viện Phim Việt Nam?

- Tất nhiên là kỳ vọng, bởi đến tuổi thứ XXI, LHP Việt Nam đã trở thành một thương hiệu, với những giải thưởng uy tín dành cho các tác phẩm điện ảnh, những nhà làm phim xuất sắc. Quan trọng hơn cả, đây là cơ hội để những người làm phim được gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp và khán giả.

Với Viện Phim Việt Nam, quan trọng hơn những giải thưởng, chúng tôi mong đợi sự sẻ chia từ công chúng yêu điện ảnh với những hình ảnh được bài trí công phu tại triển lãm cũng như với bộ phim tài liệu mà Viện đã kỳ công thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

BẢO ANH (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc