Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nhớ về ngày xưa, bỗng thốt lên: Làng ơi!

Thứ Sáu 16/02/2018 | 12:05 GMT+7

VH- "Trẻ nhớ cha, già nhớ làng”. Từ ngày bước vào tuổi “tri thiên mệnh” tôi thường hay nhớ về ngôi làng của mình, làng Giắng. Tôi nhớ về cái làng Giắng của tôi, làng Giắng cổ xưa với những mái nhà tranh nghèo, những con đường lầy lội mỗi khi mưa và xao xác tiếng gà mỗi sớm mai thức dậy. Thành thực làng Giắng của tôi không phải làng Giắng hôm nay với san sát những nhà như lô cốt và cả những con đường cũng rải bê tông nhẵn lì bất chấp mưa nắng.

Quê hương của điệu múa Giáo cờ, giáo quạt độc nhất vô nhị

Làng tôi nằm bên bờ sông Diêm, con sông chảy trọn vẹn trong một tỉnh, đầu nguồn là đất Thái Bình mà cửa bể nơi cuối nguồn cũng vẫn địa phận tỉnh Thái Bình. Như mọi làng quê Việt xưa, làng tôi cũng có hai tên, tên Nôm là làng Giắng, tên chữ là Thượng Liệt (xã Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình).

Thành hoàng làng tôi là một phụ nữ, bà Trần Thị Quý Minh, vị công chúa cả của Đức vua Trần Duệ Tông (1337 -1377). Hơn 600 năm trước, do trái lệnh vua cha không chịu kết hôn với người trong dòng tộc nên Công chúa Trần Thị Quý Minh cùng với hai người em gái bị đày về rẻo đất cửa bể này lập nên ba làng: Thượng Liệt, Trung Liệt và Hạ Liệt.

Thuở ấy, làng tôi là bãi đất bồi ven biển, hoang vu và đầy năn lác, sú vẹt. Những ngày đầu mở đất, để giúp người dân quên đi nỗi gian lao, cực nhọc và cũng để vơi đi nỗi nhớ kinh thành của mình, Công chúa Trần Thị Quý Minh đã dày công soạn ra điệu múa “Giáo cờ - Giáo quạt” gồm 36 cấp với phần lời hát ẩn chứa nỗi thương nhớ kinh kỳ và niềm tôn kính, hướng về đức vua cha.

Khi đánh giá về điệu múa này, nhiều nhà chuyên môn cho rằng không chỉ độc đáo vì mang đậm bản sắc nửa bác học kinh kỳ, nửa hoang dã nơi miền cửa bể nên nó đòi hỏi rất cao ở tài năng bẩm sinh cũng như sự khổ luyện của người thể hiện.

Đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước, các vũ công làng tôi và làng An Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình) dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ Ea Sola Thủy đã dàn dựng vở vũ kịch nổi tiếng “Hạn hán và cơn mưa” để rồi sau đó, Easola Thủy đã đưa những vũ công làng tôi đi biểu diễn ở 15 quốc gia trên thế giới.

Vũ hội tân xuân của làng tôi được tổ chức từ ngày 10 đến hết 12 tháng Giêng hằng năm. Đến năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lễ hội ngừng hoạt động và đến năm 1987 mới được phục hồi. Nhờ quần thể di tích, đặc biệt là điệu múa Giáo cờ - Giáo quạt độc đáo mà đình, lăng và chùa làng tôi được cấp bằng công nhận Di tích Văn hóa ngay đợt đầu tiên sau Đổi mới do Bộ trưởng Trần Hoàn ký.

Những kiêng kị của làng

Như phong tục các miền đất châu thổ sông Hồng, làng tôi cũng có rất nhiều điều kiêng kị mà thứ nhất, phải nói đến húy kị. Do Thành hoàng làng tôi tên là Trần Thị Quý Minh nên ngày xưa, người làng tôi không bao giờ nói “quý” và “minh” mà thường nói chệch thành “quế” và “miêng”.

Mỗi khi có khách đến chơi nhà chẳng hạn, họ rất ngạc nhiên khi thấy người làng tôi bảo: “Bác đến thăm nhà em thế này là quế hóa lắm...”. Ngay cả chữ “thanh minh” cũng đọc chệch thành “thanh miêng”... Những khi ra đình làng, việc húy kị càng được thực hiện nghiêm ngặt.

Vào những ngày Tết, ở làng tôi càng có nhiều điều phải kiêng kị. Ví như chỉ những người làm ăn, học hành phát đạt mới được xông nhà cho gia đình mình và xông nhà trong họ hàng nội ngoại. Anh trai tôi là một trong những người đầu tiên học đại học của làng nên thường được mời đi xông nhà mỗi sáng mồng Một Tết.

Trong ba ngày Tết, người làng tôi không quét nhà dù bẩn cũng phải chịu vì quan niệm “của cào vào không có, có của quét đi”. Lại có giải thích rằng quét nhà ngày mồng Một thì sinh ra nhiều kiến. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết lũ kiến vàng, kiến đen, kiến đỏ thì có liên quan gì đến việc quét nhà?

Việc cắt móng chân, móng tay cũng không được làm vì như vậy là “sái” cả năm. Cả việc chải đầu cũng không được làm vào sáng mồng Một vì sợ... rắc rối. Đặc biệt, người làng tôi rất kị việc vay mượn, xin xỏ, nhờ vả người khác trong ba ngày Tết.

Bữa cơm tất niên của mẹ

Khi người còn sống, mẹ tôi rất chú tâm vào bữa cơm tất niên. Đó là bữa cơm chia tay năm cũ, chào đón năm mới và chờ đợi những đứa con đi làm ăn xa, lưu lạc các phương trời trở về căn nhà của mẹ, nơi có hương hồn ông bà, tiên tổ.

Bữa cơm ấm áp, thiêng liêng này rất được người làng tôi coi trọng nên mọi sự sơ suất đều là thất thố lớn. Những cô gái làng khác về làng tôi làm dâu, một trong những điều đầu tiên được các bà mẹ chồng truyền bảo là phương cách sắp bữa cơm tất niên chiều tối 30 Tết.

Những năm còn khoẻ mạnh, vào đầu vụ gặt tháng Mười, mẹ tôi đã chọn một đám lúa chín sớm nhất, trĩu hạt nhất gặt về phơi thật se dưới cái nắng hanh đầu mùa rồi cho vào chum sành, ủ bên trên bằng một lớp dày lá chuối hột khô chờ đúng đến chiều 30 Tết mới được đem xay giã. Mẹ thường bảo làm thế thóc hãy còn “tươi” nên đượm mùi thơm lúa gạo.

Để nấu nồi cơm này, mẹ tôi còn chuẩn bị kỹ cả củi đun. Đó phải là rơm của những ruộng lúa nếp không rạp đổ, phơi thật khô. Từ nhỏ, tôi rất thích được ngắm mẹ khi người ngồi thổi cơm Tết. Trong cái rét căm căm của vùng châu thổ sông Hồng, khuôn mặt mẹ thường ngày tím tái vì thiếu đói và bươn chải nuôi con giờ hồng rực lên như thời con gái.

Về thức ăn, mẹ tôi càng chuẩn bị kỹ hơn. Nhất là với con gà để cúng đêm trừ tịch. Đó phải là chú gà trống chớm tuổi trưởng thành. Nó không còn là gà nhiếp nhưng cũng chưa đến tuổi te tái đuổi theo ả gà mái tơ nhà hàng xóm. Trước khi đặt lưỡi dao sáng loáng vào cổ con gà để cắt tiết, bao giờ mẹ tôi cũng nói câu thần chú quen thuộc: “Tao hóa kiếp cho mày để mày thành kiếp khác”.

Cho đến tận những năm bốn mươi tuổi, tôi vẫn còn rất sợ câu “thần chú” này nhưng khi đã bước sang tuổi ngũ tuần, tôi mới hiểu được ẩn ý sâu thẳm của câu “thần chú thiêng liêng” đó.

Đối với đám bắp cải, su hào thì bao giờ cũng là những cây tốt nhất, củ to nhất trong vườn được mẹ để dành lại.

Bữa cơm tươm tất được đưa lên khấn vái xong, chờ cho những nén hương tắt hẳn để thay một chầu hương mới, mẹ tôi trịnh trọng bê mâm xuống, mời bố tôi khi đó đang mài mực để lát nữa khai bút đầu xuân rồi đánh thức những đứa con còn ngủ rốn dậy và cả nhà quây quần bên mâm cơm.

Trong đêm giao hoà của trời đất, cái khí trời se se lạnh xứ Bắc níu giữ mùi hương trầm bảng lảng như không muốn cho bay đi... Những món ăn nóng hổi được chắt từ giọt mồ hôi tần tảo của mẹ tôi từ nhiều tháng trước càng khiến bữa cơm thiêng liêng một cách kỳ diệu.

Làng tôi hôm nay

Chẳng biết từ bao giờ đã xuất hiện câu ca đắng lòng: “Lên Lan, xuống Giắng, về Hà/ Bát cơm đã hẩm, quà cà còn thâm”. Lan, Giắng, Hà là ba làng nghèo nhất phủ Đông Quan xưa. Làng tôi xưa, những mái nhà tranh lúp xúp như úp lấy phận người. Những con đường lầy lội như trì níu bước chân. Đất chật, người đông, dân làng tôi như con cò, con vạc lặn lội hết đồng cạn lại đồng sâu để kiếm sống.

Và câu ca “khắp nơi tung hoành” trở thành muôn thuở mỗi dịp giáp hạt, tháng ba, ngày tám. Đói nghèo luôn đi kèm với dịch bệnh. “Toét mắt là tại hướng đình/Cả làng toét mắt có mình em đâu”... Biết bao thân phận gái làng tôi đã sống trong cô đơn bởi mang danh là “làng toét mắt”.

Nhưng giờ đây, làng tôi thay đổi từng ngày. Như người con gái mới lớn, làng ửng hồng với san sát những mái ngói đỏ tươi, những công trình công cộng phục vụ cuộc sống cộng đồng như nhà văn hóa...

Nếu trong tất cả sự đổi mới ở nông thôn, có lẽ một thay đổi có tính cơ bản nhất là quan niệm của người dân về vệ sinh môi trường. Khi xã hội càng văn minh, con người ta càng chăm chút hơn đến các công trình phụ. Ở những thành phố lớn đã và đang xuất hiện tư tưởng “xây nhà chính là phụ” và “xây công trình phụ là chính”.

Làng tôi giờ đây cũng vậy. Cả làng không còn ai sử dụng nước ao tù cho sinh hoạt và nhà nào cũng sử dụng nước sạch, có công trình vệ sinh sạch sẽ. Làng tôi giờ tuyệt nhiên không còn một mái nhà tranh, nhà nào cũng có xe máy và cũng trừ trẻ em và các cụ quá già, không ai không có điện thoại di động. Hình ảnh các bà vợ nấu xong cơm, dùng điện thoại di động gọi cho các ông chồng làm đồng về ăn đã trở nên quá quen thuộc.

Thế nhưng chẳng biết sao mỗi khi nhớ về làng, tôi thường nhớ về làng tôi xưa với mái tranh nghèo và những con đường lầy lội vết chân trâu cùng những kiêng kị đầy vô lý… để rồi thảng thốt kêu lên: Làng ơi!

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top