Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Về với ngày hội quê Bác giữa mùa sen

Thứ Năm 19/05/2022 | 16:36 GMT+7

VHO-Tháng 5 về với Làng Sen, trong hương thơm của mùa lúa mới, trong ngào ngạt của hương sen, từng dòng người nối nhau về với Kim Liên – đất mẹ, nơi sinh ra chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, người anh hùng giải phóng dân tộc. Lễ hội Làng Sen, được khai mạc ở Nam Đàn vào đúng dịp này, cũng là một hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm lần thứ 132 ngày sinh của Bác Hồ và một lần nữa khẳng định công lao và đóng góp to lớn của Người đối với sự nghiệp giải phóng đất nước…

Những hiện vật gần gũi, thân thương về Bác
Lễ hội Làng Sen diễn ra vào tháng 5 mùa sen nở. Trời nắng nóng, vậy nhưng, mặc cho những giọt mồ hôi đã chảy ướt đẫm các vai áo, mặc cho nóng bức có thể sẽ khiến mọi người mệt mỏi hơn ngày thường nhưng điều đó vẫn không dấu được sự háo hức của mỗi người bởi ai cũng thấy may mắn được đến quê Bác đúng vào dịp đặc biệt. Hành hương về quê Bác, du khách đến thăm quê nội Làng Sen, quê ngoại Hoàng Trù, dâng hương tại đền Chung Sơn và viếng Khu mộ thân mẫu Hoàng Thị Loan. Đặc biệt, về với quê nội và quê ngoại của Bác, rất nhiều du khách đã xúc động khi thấy mái nhà tranh đơn sơ và những vật dụng của gia đình Bác vẫn còn được lưu giữ. 

             

Các hiện vật được trưng bày tại nhà Bác giúp du khách hiểu thêm về cuộc sống của hai bên gia đình nội, ngoại của Bác Hồ

Từng đoàn du khách thập phương bồi hồi theo bước chân nhau vào thăm vườn Bác. Nữ hướng dẫn viên Khu di tích Kim Liên nghiêng vành nón lá chào đoàn du khách với một khuôn sắc dịu dàng và giọng nói ấm áp, truyền cảm: Khu vườn Bác được hình thành sau khi cụ Nguyễn Sinh Sắc thi đậu Phó bảng trở về từ Huế, Làng Sen vui mừng tặng bố con cụ Sắc một ngôi nhà lá 5 gian, cả gia đình Bác đã về đây sinh sống. Ngày ấy, trong ngôi nhà lá đơn sơ này, cụ Sắc đã dành 1 gian để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan, nay là nơi thờ chung cho cả gia đình. Trên bàn thờ có một bức hoành phi được ghi 4 chữ “Ân - tứ - linh -gia” (nghĩa là ơn nhà vua ban danh tốt). Ngôi nhà năm xưa đang được giữ gìn nguyên trạng trong khu vườn Bác.

        

                                     Chiếc khung cửi của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính là nơi nghỉ của cụ Sắc, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối, cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước chè xanh, cũng là nơi hồi nhỏ Bác Hồ thường đứng bên cạnh giúp cha tiếp thuốc, nước cho khách. Lắng nghe những câu chuyện đàm đạo, Người đã hiểu được nỗi trăn trở của các cụ trước vận mệnh đất nước. Đây chính là nơi đã góp phần hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác Hồ. Nhân cách cao thượng của người cha và lòng nhân ái, vị tha của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách các con của cụ Sắc.
Quê nội và quê ngoại vẫn lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị của Người. Đặc biệt, ngôi nhà tranh đơn sơ của gia đình Bác khiến du khách đến thăm luôn có cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động vô cùng. Du khách về thăm quê Bác, có người đến lần đầu, có người đến nhiều lần, có người già, các em thiếu nhi và bạn bè quốc tế, tất cả đều bùi ngùi không muốn rời chân.

Ngôi nhà mái tranh đơn sơ của Bác 

Sen tháng Năm quê Bác 

Khu vườn nhà Bác yên tĩnh, được bao bọc trong màu xanh êm đềm của cây lá. Phía trước khu vườn nhà Bác là Khu tưởng niệm và nhà trưng bày hiện vật về Bác được xây cất khang trang, đầy hoa tươi, xanh mát. Khi nghe các nữ thuyết minh viên kể lại kỷ niệm lần Bác Hồ về thăm quê (1957) và những hiện vật gắn với thời thơ ấu của Người trong ngôi nhà quê nội, có rất nhiều đoàn là khách nước ngoài, cựu chiến binh, giáo chức và nhân dân từ khắp mọi miền đất nước đều chung một tâm trạng bồi hồi xúc động, nhiều người đưa tay gạt nước mắt. Cụ bà Nguyễn Thị Duệ 77 tuổi, quê ở tận Lào Cai cùng người con trai về thăm quê Bác hướng mặt về phía gốc mít hơn 130 năm tuổi lau những giọt nước mắt nhạt nhoà trên gò má hao gầy khi được nghe kể và được xem những kỷ vật trong ngôi nhà lá đơn sơ, mộc mạc nhưng rất đỗi thiêng liêng lưu giữ kỷ niệm sâu sắc thời niên thiếu của Bác. Lần bước chân và đưa bàn tay nhăn nheo sờ nhẹ từng kỷ vật, bà Duệ nói: “Cuộc sống thời niên thiếu của Bác thật giản dị!”. 

                                    

Thuyết trình viên tại quê Bác

Lần đầu tiên được về thăm quê Bác, kỹ sư Trần Thanh Tùng, đến từ Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù đã được nghe, đọc nhiều tài liệu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng hôm nay được đứng dưới mái nhà tranh quê ngoại của Bác, được tận mắt nhìn ngắm phong cảnh Hoàng Trù, tôi mới hiểu và mong nếu ai chưa đến thăm quê Bác thì nên về đây để cảm nhận và học tập tấm gương của Người”. Một vị khách khác, nguyên là một sỹ quan cao cấp trong đoàn lão thành cách mạng của tỉnh Thái Bình thì tâm sự “Tôi về thăm quê Bác lần này là thăm cho cả con trai. Hồi chiến tranh trong một lần hành quân vào Nam, đêm dừng chân tại Nghệ An, con trai tôi bảo: Bố cho con ghé thăm nhà Bác. Nhưng lúc đó vì kỷ luật quân đội, tôi không thể chiều theo. Tôi nói với con: Quét sạch giặc thù, rồi con về thăm Kim Liên cũng chưa muộn. Nhưng không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng, con tôi hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị, ước nguyện của nó không thành. Bây giờ, tôi về quê Bác và mang theo tình cảm thiêng liêng đó”.
Tình cảm thiêng liêng còn là tấm lòng của người dân Kim Liên, Nam Đàn dẫu cho hàng ngày họ vẫn được ở gần Bác, được cùng nói một dọng nói địa phương với Người, được cùng uống một nguồn nước, thở chung một bầu trời. Bác Nguyễn Đậu Nghi (xóm Sen 2) xúc động nói: Một vị lãnh tụ đứng đầu cả nước mà có tấm lòng vô bờ bến. Năm nay đã bước sang tuổi 82 nhưng cụ Nghi vẫn rất minh mẫn. Khi nói về Bác Hồ, cụ đã đọc cho chúng tôi nghe 2 câu thơ: “Quê hương nghĩa nặng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Đó là 2 câu thơ Bác Hồ đã đọc tại buổi nói chuyện nhân chuyến về thăm quê vào mùa hè 1957. Đọc xong thơ Bác, bỗng nhiên cụ Nghi hướng đôi mắt sâu ngấn lệ về phía ngôi nhà Bác, giọng trầm lắng đến nghẹn ngào: “Lần về thăm quê năm 1957, chắc vì công việc nước nhà nên Bác rất gầy và đó là lần gặp cuối cùng của người dân Nam Đàn với Bác!”.
Nâng tầm lễ hội Làng Sen
Trong không khí thiêng liêng của những ngày tháng Năm lịch sử, du khách có dịp dự Lễ hội Làng sen và Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 do UBND tỉnh Nghệ An phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đây là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2022).
Vào dịp Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1981, tỉnh Nghệ - Tĩnh long trọng tổ chức Liên hoan Ca khúc chính trị hát về Bác Hồ. Thấy đây là một sinh hoạt văn hóa, chính trị giàu ý nghĩa và có triển vọng, được nhiều tầng lớp nhân dân và cán bộ hưởng ứng, sang năm sau, Liên hoan Ca khúc chính trị hát về Bác Hồ được nâng cấp thành Liên hoan Tiếng hát Làng Sen và được tổ chức hàng năm.

                                   

                                                              Lễ rước ảnh Bác Hồ tại Quảng trường Hồ Chí Minh                         

Dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Bác (năm 2001), Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với tỉnh Nghệ An tổng kết 20 năm Tiếng hát Làng Sen và quyết định chuyển đổi Liên hoan Tiếng hát Làng Sen thành Lễ hội Làng Sen. Lễ hội Làng Sen được tổ chức ở 2 quy mô: Cấp tỉnh được tổ chức hằng năm và toàn quốc tổ chức 5 năm/lần vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2003, lần đầu tiên Lễ hội Làng Sen được tổ chức với quy mô toàn quốc.

Trải qua nhiều lần tổ chức, sức lan tỏa của Lễ hội Làng Sen ngày càng mạnh mẽ hơn, trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi dịp kỷ niệm Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) hàng năm. Năm 2022 này, Lễ hội Làng Sen được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, với chủ đề tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các giá trị văn hóa Làng Sen, quê hương Nam Đàn; ca ngợi quê hương Nghệ An đổi mới, hội nhập và phát triển. Lễ hội năm nay được tổ chức từ ngày 14.5 - 28.5.2022 tại huyện Nam Đàn và thành phố Vinh, với chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2022), trong đó có nhiều nội dung mới, đặc sắc.

                                                   

                                                                   Lễ rước ảnh Bác Hồ tại Nam Đàn                    

Vừa qua, tỉnh Nghệ An đã có đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc nâng tầm “Lễ hội Làng Sen” thành “Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh”. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Việc Lễ hội Làng Sen trở thành Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm cho giá trị Hồ Chí Minh tỏa sáng, thấm sâu và có sức sống trường tồn với tương lai của dân tộc; có sức lan tỏa và tác dụng mạnh mẽ đối với các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo không những ở trong tỉnh, trong nước mà còn vươn ra ngoài khu vực và thế giới. Quy mô lễ hội không chỉ còn diễn ra trên không gian quê hương xứ Nghệ mà trở thành một đợt sinh hoạt văn hóa, văn nghệ rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, kể cả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Là một lễ hội mẫu mực về văn hóa, Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ thay đổi nhận thức, hành động của người dân trên tất cả lĩnh vực… Ngoài ra, lễ hội còn là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với tư cách là trung tâm của lễ hội, chắc chắn vẻ đẹp văn hóa Hồng - Lam, các danh thắng xứ Nghệ sẽ được mọi người biết, tìm về nhiều hơn.

         

Tiết mục trong Lễ Hội Làng Sen 

Tiếp nối thành công của Lễ hội Làng Sen những năm trước, Lễ hội Làng Sen năm 2022 sẽ diễn ra bao gồm phần lễ có lễ dâng hoa trước Tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh, lễ diễu hành từ thành phố Vinh về quê Bác, lễ dâng hoa, dâng hương báo công với Bác tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu di tích Kim Liên, lễ rước ảnh Bác từ nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu di tích Kim Liên ra sân vận động Làng Sen. Điểm mới Lễ hội Làng Sen năm nay là Liên hoan Tuồng, Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc của văn nghệ sỹ nói chung và đồng bào, nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh những làn điệu dân ca của mọi miền Tổ quốc. Đây cũng là dịp thi tài của 250 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 11 đơn vị với 16 vở diễn; là dịp các nghệ sỹ, diễn viên, đạo diễn, nhạc sỹ, họa sỹ, biên đạo múa thể hiện tài năng, nhiệt huyết nghệ thuật. Để từ đó được giao lưu, học hỏi, nâng cao tính sáng tạo, cùng hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc nói chung, xây dựng và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói riêng…

                                  Trưng bày triển lãm về Bác để người dân hiểu về tư tưởng, cuộc đời của Bác 

Năm 2022 với chủ đề tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các giá trị văn hóa Làng Sen, quê hương Nam Đàn, ca ngợi quê hương Nghệ An đổi mới, hội nhập và phát triển, chuỗi các hoạt động Lễ hội Làng Sen được bắt đầu tổ chức từ ngày 14 – 28.5.2022.

                             PHẠM NGÂN

 

                                               
 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top