Nhịp cầu kết nối văn học Nga

VH- Người Việt đã từng đọc rất nhiều sách kinh điển, rất yêu quý các nhà văn Nga nhưng trong thời gian dài, văn học Nga ít được dịch sang tiếng Việt và số lượng dịch giả cũng không nhiều. Di sản này bởi vậy giống như viên kim cương rất cần được mài giũa và lan tỏa nét đẹp.

Nhịp cầu kết nối văn học Nga - Anh 1

Một số tác phẩm văn học Nga mới được dịch sang tiếng Việt  Ảnh: THÁI MINH

 Tiếng nói hòa đồng

Tuy “đến muộn” hơn các nền văn học khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp… nhưng văn học Nga đã nhanh chóng chinh phục trái tim độc giả Việt Nam. Bắt đầu từ lớp thanh niên đầu tiên đi theo cách mạng, từ những năm 30 yêu mến, say mê tìm đọc văn học Nga thông qua tiếng Pháp, tiếng Trung hay tiếng Nhật và tìm cách phổ biến văn học Nga. Sang đến những năm 70, 80, văn học Nga nở rộ với việc dịch rất nhiều tác phẩm của các tên tuổi lớn như Puskin, Tsekhov, Dostoievski… Nhiều tác phẩm đã đi sâu vào lòng bạn đọc, thậm chí trở thành sách “gối đầu giường” của thế hệ trẻ thời chiến tranh.

Giám đốc quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga và văn học Việt Nam, dịch giả Thúy Toàn cho biết, người Việt tìm thấy ở văn học Nga sự đồng điệu, hòa hợp với tâm hồn. Từ đó tác phẩm văn học Nga ảnh hưởng rất mạnh đến không những đời sống tinh thần mà cả bút pháp văn chương bấy giờ.

Tuy nhiên, kể từ sau khi Liên Xô tan rã, không có tác phẩm văn học đương đại nào của Nga được giới thiệu ở Việt Nam. Bẵng đi hơn 20 năm, người ta mới thấy sự trở lại của các tác phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt. Đó là kết quả từ năm 2012, dự án tủ sách của Tổng thống Liên bang Nga tặng bạn đọc Việt Nam và bạn đọc Nga bắt đầu được thực hiện. Trong khuôn khổ đó đã xuất bản hơn 30 đầu sách và đang chuẩn bị cho các đợt xuất bản mới. Có thể thấy, nhịp cầu giữa văn học Nga với độc giả Việt đã được nối lại nhưng còn không ít trắc trở.

Nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh trong bài viết gần đây về văn học Nga đưa ra mong muốn độc giả Việt Nam được biết một cách hệ thống và đầy đủ hơn về các tác giả Kỷ nguyên bạc của Nga, những tuyển tập chứ không phải lác đác vài tác phẩm để có cái nhìn tổng thể hơn về diện mạo văn chương phong phú thời kỳ ấy. Chúng ta đang có các tuyển thơ của Esenin, Svetaeva và Akhmatova của ngày hôm nay, thật biết ơn các dịch giả. Nhưng còn Pasternak, Mandelshtam, Balmont, Voloshin, Annensky, Gumiliov, Blok... Và cả các tác giả văn học hải ngoại Nga như Brodsky...

Nhịp cầu kết nối văn học Nga - Anh 2

Mở rộng ranh giới

Nhìn vào di sản văn học Nga, có thể thấy còn nhiều điều chưa được phát lộ, những vẻ đẹp lấp lánh trên cánh đồng văn chương rất cần được giới thiệu đến độc giả. Những năm 70, 80, phần dịch văn học Nga chiếm thị phần rất lớn và thời ấy, văn học cũng đi liền các vấn đề chính trị, xã hội. Thế nhưng, ngày nay, văn học Nga lại có cơ hội lớn hơn trong tương quan cạnh tranh với các món ăn tinh thần đến từ các nền văn hoá văn học khác. Đó chính là tính đa dạng của thị trường sách và của gu đọc của độc giả.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần giới thiệu với bạn đọc mới - công chúng mới chứ không chỉ hướng tới những người vốn đã yêu và gắn bó với văn học Nga trong quá khứ. Đặc biệt là chuẩn bị cho một “thế hệ độc giả mới” là các bạn đọc nhỏ tuổi tâm thế để đến với những tác giả Nga. Những người làm sách cần tham khảo thêm ý kiến các nhà nghiên cứu văn học Nga và có những động thái tập hợp, chia sẻ và khuyến khích các dịch giả văn học Nga hiện vẫn đang làm việc nhưng cũng theo cách nhỏ lẻ, cá nhân, chưa phát huy được nội lực dồi dào của họ. Chẳng hạn như các dịch giả Tạ Phương, Ngô Tự Lập, Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Kim Hiền...

Mới đây, dịch giả Nguyễn Thụy Anh trở thành người Việt Nam đầu tiên được trao giải “Ngôn từ - sợi chỉ kết nối” của Hội Nhà văn Nga và Quỹ “Con đường sống” 2018. Nguyễn Thụy Anh chia sẻ: “Sau khi nhận giải, tôi nghĩ nhiều hơn về công việc của mình. Giải thưởng cũng là thông điệp với các dịch giả trẻ rằng họ sẽ được quan tâm hơn, cũng vì thế cần chuyên nghiệp hơn trong hoạt động dịch thuật để có sức lan tỏa hơn nữa, tự tạo cơ hội làm được nhiều hơn cho văn học Nga, cho độc giả”.

Hiện nay, cùng với sự thay đổi của đời sống chính trị xã hội, nhiều người không chọn học tiếng Nga nữa, vì thế đội ngũ dịch thuật giảm đi. Theo dịch giả Nguyễn Thụy Anh, thực tế vẫn còn rất nhiều người yêu nước Nga, yêu văn học Nga và đang làm việc vì tình yêu ấy. Vấn đề là lôi cuốn họ đạt tới sự chuyên nghiệp để giới thiệu mạnh mẽ di sản văn học Nga tới thế hệ độc giả mới Việt Nam. “Tôi nghĩ giải pháp có nhiều: Giải thưởng; cơ hội giao lưu với nhà văn Nga, tạo không khí cho người dịch được đắm chìm trong không gian văn hóa Nga và tiếp cận những sáng tác mới. Các hội đoàn, quỹ văn hóa rất nên hỗ trợ họ trong việc này”. 

 ​Cần sự hỗ trợ của các quỹ văn hóa, dịch thuật tổ chức quảng bá tác phẩm văn học Nga chuyên nghiệp để tác phẩm đến công chúng. Cũng cần khuyến khích, hỗ trợ các nhà xuất bản, công ty làm sách. Khi họ vào cuộc, độc giả mới có nhiều cơ hội “gặp gỡ” các tác giả Nga, hay nói cách khác, văn học Nga mới có nhiều cơ hội có thêm người đọc mới của mình!

(Dịch giả Nguyễn Thụy Anh)

Anh Thư

 

Ý kiến bạn đọc