Trường hợp nào không được sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc?

VHO- Có hiệu lực thi hành từ ngày 15.11 tới, Thông tư 25/2018/TT- BVHTTDL do Bộ VHTTDL ban hành quy định một số trường hợp phải hạn chế, thậm chí cấm hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu. Trường hợp phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá thì việc phổ biến phim phải đảm bảo được phân loại để phổ biến theo lứa tuổi phù hợp.

Trường hợp nào không được sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc? - Anh 1

 Cảnh Jun Vũ hút thuốc trong phim "Tháng năm rực rỡ ", bộ phim được gắn mác phân loại độ tuổi C 16 vì có một số hình ảnh hỗn chiến, hút thuốc

 Thông tư số 25 /2018/TT- BVHTTDL quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, thay thế cho Thông tư số 02/2014. Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư mới quy định nguyên tắc, nội dung của việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Không sử dụng hình ảnh hút thuốc trong tác phẩm cho trẻ em

Thông tư được căn cứ Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012, Luật Điện ảnh 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2008, căn cứ Nghị định 79 và Nghị định sửa đổi bổ sung số 15 trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân biểu diễn nghệ thuật; tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phim, phát hành phim, phổ biến phim và tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động sân khấu, điện ảnh.

Nội dung được dư luận và giới nghề sân khấu, điện ảnh đặc biệt quan tâm là nguyên tắc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm thuộc hai loại hình nghệ thuật thu hút đông khán giả này. Theo đó, không sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các trường hợp: Thể hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá quy định tại Điều 13 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này. Bên cạnh đó, các trường hợp như: ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá; thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật; thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em... cũng được quy định không sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá.

Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, những quy định hạn chế việc hút thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu tại Thông tư mới ban hành có tác dụng tích cực bởi từ đó, buộc các đạo diễn sân khấu, điện ảnh phải cân nhắc kỹ lưỡng, không sử dụng các hình ảnh diễn viên hút thuốc lá một cách bừa bãi. “Với quy định hạn chế này, các đạo diễn sẽ tính toán để các hình ảnh sử dụng thuốc lá của diễn viên chỉ xuất hiện khi thật cần thiết, hoặc với các nhân vật cần thiết mà thôi...”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.

Trường hợp nào không được sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc? - Anh 2

Được sử dụng thuốc lá khi khắc họa nhân vật lịch sử có thật

Đối với trường hợp hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm sân khấu, Điều 4 quy định, diễn viên được sử dụng thuốc lá khi khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật, tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định, phê phán và lên án hành vi sử dụng thuốc lá và các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nghệ thuật.

“Khi sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu...”, khoản 2 điều 4 quy định.

Trong tác phẩm điện ảnh, quy định sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong các trường hợp cũng tương tự như tác phẩm sân khấu. Ngoài ra là các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định.

Đặc biệt, Thông tư nêu rõ, trường hợp phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định thì việc phổ biến phim phải được phân loại phổ biến theo lứa tuổi phù hợp. Việc phân loại phim dựa vào các tiêu chí tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 25. Bên cạnh đó, những trường hợp này phải có cảnh báo sức khoẻ về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc bằng hình ảnh.

Thông tư cũng quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Cục Điện ảnh, Cục NTBD có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Thông tư trong cả nước. Các Sở VHTTDL, Sở VH&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này tại địa phương.

Tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu phim, phát hành phim, phổ biến phim và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan có trách nhiệm bảo đảm nội dung hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo quy định tại Thông tư này trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn.

Nhiều đạo diễn tên tuổi của các tác phẩm phim truyền hình, sân khấu, điện ảnh cho rằng, nên có những quy định như thế này để nghệ sĩ ý thức được việc sử dụng thuốc lá như thế nào cho hợp lý trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu. Những nhìn nhận cho rằng Thông tư “ban lệnh cấm”, loại bỏ hình ảnh hút thuốc trong các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, sân khấu là cách nhìn khiên cưỡng. Bởi thực tế, ngay từ tên gọi thì văn bản pháp lý này đã thể hiện rõ tinh thần là nhằm “hạn chế” những hình ảnh hút thuốc trong các tác phẩm chứ không phải “cấm” hoàn toàn. 

BẢO ANH

 

Ý kiến bạn đọc